Kỳ 2: Sức trẻ đảo chìm
Trong chuyến hành trình, chúng tôi ghé nhiều đảo chìm như Đá Lát, Đá Tây, Tốc Tan... Được thăm hỏi, tìm hiểu đời sống chiến sỹ, chúng tôi càng thêm yêu mến và cảm phục những con người nơi đây. Các anh luôn trẻ trung, sôi nổi trong rèn luyện và luôn sãn sàng chiến đấu bảo vệ vùng biển Tổ quốc.
Giao lưu cùng các chiến sỹ đảo chìm |
Gọi là đảo chìm vì đảo được xây dựng trên những rặng san hô thường xuyên ngập dưới nước biển. Dù công tác trong điều kiện cách xa đất liền, khí hậu khắc nghiệt, sinh hoạt không thuận lợi như các đảo nổi nhưng với niềm lạc quan, nhiệt huyết tuổi trẻ các anh vẫn vững tay súng, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo quê hương. Một nhiệm vụ hết sức quan trọng của các chiến sỹ nơi đảo chìm là giúp đỡ, cứu nạn các ngư dân gặp nạn, bão tố trên biển.
Thượng úy Trần Quang Chiến, chỉ huy trưởng điểm C, Đảo Đá Tây cho biết: “Năm 2009, cán bộ chiến sỹ đảo đã giúp ngư dân Khánh Hòa, Bình Thuận 1000 lít nước, năm 2010: 300 lít nước; tổ chức khám và điều trị cho 21 ngư dân bị ốm, cảm cúm vào đảo nhờ giúp đỡ… Tích cực tham gia các phong trào quyên góp, ủng hộ năm 2009 với số tiền gần 6 triệu đồng” |
Ngoài nhiệm vụ chính luôn đề cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, các chiến sỹ đảo chìm vẫn thường xuyên dành thời gian tăng gia: trồng rau xanh, đánh bắt hải sản… cải thiện cho bữa ăn hàng ngày. Bên cạnh đó các hoạt động Đoàn cũng diễn ra sôi nổi, thu hút nhiều Đoàn viên, thanh niên tham gia. Bí thư chi đoàn Đảo Đá Lát, Chuẩn úy Trần Duy Hà cho biết, chi đoàn luôn quan tâm, giúp đỡ các Đoàn viên mới ra đảo vượt qua những bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu. Được sự giúp đỡ của anh em, đồng đội, những tân binh nơi đây nhanh chóng hòa nhập với nếp sống, sinh hoạt và chiến đấu trên đảo.
Các chi đoàn thường tổ chức sinh hoạt định kỳ hàng tháng, qua đó nắm được tâm tư, tình cảm của anh em chiến sỹ trẻ để có những định hướng tư tưởng giúp anh em yên tâm hoàn thành nhiệm vụ. Các chi đoàn đều có tủ sách với nhiều đầu sách, báo phần nào giúp các chiến sỹ cập nhật được các thông tin kinh tế, văn hóa xã hội, khoa học kỹ thuật… Ngoài những buổi giao lưu văn nghệ “cây nhà lá vườn”, các chi đoàn đều quan tâm tổ chức sinh nhật cho anh em chiến sỹ, những phần quà tuy nhỏ nhưng chứa đựng biết bao tình đồng chí, đồng đội.
Trồng rau xanh trên đảo chìm |
Bên cạnh những sinh hoạt văn hóa, văn nghệ các chiến sỹ Đảo Đá Tây cũng thường có các hoạt động thể dục, thể thao để rèn luyện, nâng cao sức khỏe. Đặc biệt là những buổi giao lưu bóng chuyền của chi đoàn Đảo với Trung tâm dịch vụ nghề cá thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nằm gần Đảo – Trung úy Nguyễn Văn Công, Bí thư chi đoàn Đảo Đá Tây tâm sự.
Một điểm chung dễ nhận thấy, dù ở đảo nổi hay đảo chìm, các cán bộ, chiến sỹ luôn thương yêu, giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau như anh em một nhà. Trong buổi lên thăm, tặng quà các chiến sỹ công tác tại đảo chìm Đá Tây (Điểm C), anh Phạm Huy Giang, Phó Chủ tịch Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam, Phó trưởng đoàn hành trình tâm sự, anh thực sự xúc động, khâm phục những người lính nơi đây đã vượt qua những khó khăn, cách trở luôn vững vàng trong nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo quê hương Tổ quốc. Hội sẽ luôn giúp đỡ, chia sẻ, hỗ trợ các chiến sỹ, thanh niên khi hoàn thành nhiệm vụ, trở về địa phương.
Thời gian trôi qua thật nhanh, thời khắc chia tay thật cảm động, những vòng tay ôm chặt như không muốn rời. Chúng tôi sẽ nhớ mãi những khuôn mặt rắn rỏi, dạn dày sương gió ấy và những tình cảm nồng ấm các anh dành cho đoàn hành trình. Hình ảnh các anh xa dần đến khi chỉ còn là những chấm nhỏ trên mặt biển, trong tôi bỗng nhớ tới câu hát: “Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới ngoài đảo xa. Từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà… Ngàn bão tố phong ba vẫn vượt qua… vượt qua…!”. Xin được mượn câu hát của nhạc sỹ Thế Song gửi tới các anh, những chiến sỹ Trường Sa. Chúc các anh luôn vững vàng như cây phong ba, cây bão táp… bảo vệ vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Ghi chép của Tùng Anh