1 viên thuốc có giá 370 triệu đồng
Theo tìm hiểu, đây là thuốc cổ truyền dùng vào chữa đột quỵ của Trung Quốc. Trên thị trường hiện nay chủ yếu được những người buôn bán đem về Việt Nam theo đường xách tay.
Không chỉ ở Việt Nam mà ngay chính tại Trung Quốc, nơi sản xuất ra loại thuốc này cũng có tình trạng người dân coi An Cung Ngưu Hoàng Hoàn là thuốc cứu mạng cho người bị đột quỵ.
Loại thuốc này nếu được sản xuất tại những cơ ở uy tín, đảm bảo chất lượng thì giá cả cực cao. Bằng chứng là mới đây, trong phiên đấu giá tại thành phố Bắc Kinh, một viên thuốc An Cung được sản xuất từ những năm 60 của thế kỷ trước được phát giá khởi điểm 6000 nhân dân tệ, tương đương khoảng 20 triệu VNĐ.
Theo người phụ trách phiên đấu giá giới thiệu, viên thuốc này có một thành phần hết sức quan trọng đó là sừng Tê Giác. Do năm 1993, trên toàn thế giới cấm mua bán và sử dụng sừng Tê Giác nên được thay bằng sừng trâu, công dụng kém xa rất nhiều. Chính vì vậy chỉ còn những viên thuốc sót lại trước năm 1993 là còn thành phần này. Hơn nữa nó được sản xuất từ cơ sở uy tín. Ngoài ra, còn rất nhiều lời có cánh khác giới thiệu về viên thuốc này.
Khi kết thúc phiên đấu giá thì viên thuốc được bán với số tiền cao khủng khiếp khiến người ta phải kinh ngạc, được gọi là giá trên trời, gấp 19 lần so với khởi điểm. Trên bảng thông báo hiển thị người mua thành công là 110.000 nhân dân tệ, tức tương đương khoảng 370 triệu VNĐ.
Viên An Cung Ngưu Hoàng có giá 370 triệu VNĐ |
Với giá cao khủng khiếp như vậy, hẳn người ta đều nghĩ đây quả thực là viên thuốc cứu mệnh thực thụ. Thế nhưng, các chuyên gia thì cho rằng, viên thuốc này chỉ có giá trị sưu tầm, còn thực sự thì không có tác dụng. Bởi sau hơn nửa thế kỷ, những thành phần trong viên thuốc đó đã bị biến chất. Còn viên thuốc có giá cao như vậy là do giá các loại hàng hóa hiếm ở Trung Quốc thường được giới thương gia thổi lên rất cao, đó là kỹ nghệ kinh doanh.
Có nguồn gốc từ Quảng Châu?
Hiện tại, loại An Cung được dùng phổ biến nhất ở Trung Quốc là của cơ sở Đồng Nhân Đường, một thương hiệu nổi tiếng trong ngành y dược Trung Quốc. Được sáng lập vào năm 1669 (năm thứ 8 Khang Hy đời Thanh).
Tuy nhiên, mỗi viên bán tại nhà thuốc của Đồng Nhân Đường có giá khoảng 500-700 nhân dân tệ, tương đương khoảng 1,75 triệu đến 2,35 triệu VNĐ. Trên mỗi viên thuốc đều có mã số sản xuất của từng viên. Khi muốn biết thuốc thật hay giả, người ta sẽ cào mã số trên đó rồi nhập vào trang web chính thức của Đồng Nhân Đường để kiểm tra, nếu hiện lên chữ màu xanh là thuốc thật, chữ màu đỏ thì không phải do Đồng Nhân Đường sản xuất.
Trong khi đó ở Việt Nam, rảo quanh một vòng phố Lãn Ông, Thuốc Bắc (Hà Nội), nơi thiên đường của các vị thuốc bắc, không khó để hỏi mua An Cung Ngưu Hoàng với đủ đầy những lời quảng cáo có cánh khiến người mua như lạc vào mê hồn trận. Ở đây, an cung được bán dao động từ vài trăm đến hơn 1 triệu đồng một viên, đa dạng chủng loại lẫn nguồn gốc xuất xứ.
Nếu tìm trên internet chỉ cần gõ từ khóa “An Cung Ngưu Hoàng” thì có cả trăm đường link dẫn bán hàng, giới thiệu và tư vấn tận tình. Dù có rất nhiều luồng thông tin phản ánh về nguồn gốc chính hãng lẫn chất lượng kiểm chứng, nhưng thực tế An Cung vẫn được đồn thổi “hot” nhất như viên thuốc bỏ túi, chữa đột quỵ, tai biến. Vì thế, nhiều năm qua, người dân dùng an cung theo lời đồn “thần dược cứu não”, nhưng thực sự nó có tác dụng như vậy không?
Anh Trần Hồ Phi, một thương gia buôn bán thảo dược người Trung Quốc cho biết, nếu so sánh giá cả thì dễ dàng nhận thấy, những viên thuốc trên dưới 1 triệu đồng bán ở Việt Nam đều là thuốc do các cơ sở nhỏ lẻ ở Quảng Châu sản xuất. Những viên thuốc này có thành phần chính bị giảm đi đến 50-60% nên giá rẻ hơn, tác dụng thì không biết thế nào.
Anh Phi nói thêm về việc An Cung được người dân Trung Quốc tin dùng một cách mù quáng, đó là vào khoảng đầu những năm 2000, nữ phát thanh viên nổi tiếng Lưu Hải Nhược của một đài truyền hình Hồng Kông bị tai nạn tàu ở Anh và rơi vào tình trạng hôn mê.
Do có dấu hiệu chết não, bệnh viện ở Anh đề nghị can thiệp để mổ, nhưng gia đình Lưu Hải Nhược không đồng ý. Sau khi chuyển về nước, Hải Nhược được đưa tới bệnh viện Tuyên Vũ Bắc Kinh, khoảng hai tháng sau thì tỉnh lại, trở thành một kỳ tích trong y học. Ở đây, Lưu Hải Nhược được cho là đã dùng An Cung Ngưu Hoàng.
Đài truyền hình này và một số cơ quan báo chí khác sau đó đã có một chiến dịch truyền thông khiến những năm đó An Cung trở thành hàng hiếm vì toàn dân Trung Quốc tranh nhau mua để uống dự phòng.
Thế nhưng, ông Lý Tông Tín, chủ nhiệm khoa Trung y của bệnh viện Tuyên Vũ Bắc Kinh, người trực tiếp tham gia cứu chữa Lưu Hải Nhược cho biết: Không thể nói An Cung trị bệnh cho Lưu Hải Nhược được mà đó là phương pháp điều trị kết hợp đông tây y của bệnh viện. An Cung đúng là thuốc tốt, nhưng không lạm dụng được, chỉ một số người bệnh có thể dùng.
Lầm tưởng chết người về An Cung
Vị bác sĩ này cho biết thêm, người bệnh bị đột quỵ có rất nhiều biểu hiện, được chia làm chứng hàn và chứng nhiệt. Theo lý luận đông y thì khi xảy ra đột quỵ, nếu có các triệu chứng khó khăn về ý thức, tê liệt, đồng thời có cảm giác phiền, bất an, mặt đỏ, người nóng, miệng hôi, lưỡi vàng tức là bị tà nhiệt nội bế. Lúc này nếu dùng An Cung thì đúng cách.
Nếu bị chứng âm bế, dùng An Cung sẽ dẫn đến những phản ứng ngược lại gây nguy hiểm tới tính mạng. Người dân không thể biết được các triệu chứng hôn mê do âm bế hay hôn mê do dương bế nên khi phát hiện người nhà bị đột quỵ mà cho uống An Cung là rất nguy hiểm.
Giáo sư Trung y Từ An Định giải thích thêm, khi người bệnh bị đột quỵ sẽ gặp khó khăn về chức năng ăn nuốt, nếu cho uống An Cung thì dễ dẫn đến tình trạng áp lực dạ dày cao khiến thức ăn trong bụng trào ngược lên họng và nội khí quản, người bệnh có thể bị chết vì ngạt.
Hơn nữa, sau khi đến bệnh viện, người bệnh có thể phải làm phẫu thuật gấp, phải thực hiện gây mê, kỹ thuật này yêu cầu người bệnh không được ăn trước đó mấy tiếng để tránh bị nôn và trào ngược thức ăn vào khí quản. Người bị đột quỵ không thể ý thức được thức ăn, thậm chí cả nước, nếu đưa thuốc vào thì rất dễ làm tắc khí quản khiến tính mệnh càng nguy hiểm.
Giáo sư Từ An Định đánh giá, trên góc độ y học hiện đại thì trên thực tế An Cung có thực sự hiệu quả với điều trị đột quỵ hay không vẫn chưa thể xác định và cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn. Vì vậy, khi chưa xác định rõ tình trạng bệnh thì tuyệt đối không uống An Cung. Nếu không sẽ đem lại ảnh hưởng rất bất lợi cho cả quá trình điều trị.
Dược sĩ Trung y Tăng Huệ Phương, chủ nhiệm khoa bào chế thuốc của đại học y dược Quảng Châu chỉ ra rằng, An Cung có các thành phần rất độc là Hùng Hoàng, Chu Sa, thủy ngân sunfua và Asen nếu dùng nhiều sẽ ảnh hưởng rất lớn tới chức năng thận tạng, có thể gây suy thận.
Hơn nữa, nó hoàn toàn không có tác dụng phòng ngừa tai biến đột quỵ, chỉ có tác dụng làm giảm bớt chứng trạng của đột quỵ. Trong trường hợp bác sĩ chỉ định dùng An Cung thì cũng không được uống quá 7 viên. Đã là thuốc thì trong đó 3 phần là độc, vì vậy, người dân không nên tùy tiện đem An Cung ra để làm thực phẩm chức năng uống hàng ngày.
Đồng quan điểm đó, bác sĩ Nghiêm Hữu Thành, nguyên Giám đốc Bệnh viện châm cứu Trung ương cũng cho rằng: “Việc dùng an cung để phòng đột quỵ là quan điểm không đúng. Nhưng trong dân gian họ cứ mách nhau. Thầy thuốc đông y thì không cập nhật, tây y thì chỉ định không rõ ràng cho nên người dân sử dụng theo hội chứng đám đông”.
Phiên đấu giá viên An Cung Ngưu Hoàng có giá khủng |
Sự việc này đã được ghi nhận và Cục an toàn thực phẩm - Bộ Y tế Việt Nam cũng từng có công văn đề nghị thu hồi không ít sản phẩm An Cung hồi năm 2014 vì chứa hàm lượng chất cấm vượt ngưỡng cho phép.
Còn bác sĩ Văn Tồn Vân, chủ nhiệm khoa Trung y bệnh viện nhân dân tỉnh Quảng Đông thì đánh giá, không hiểu sao mọi người đều có quan điểm thuốc càng đắt thì càng tốt. Đây quả thực là sai lầm, vì nhiều khi thuốc đắt là do nguyên liệu hiếm, khó sản suất số lượng lớn như ngưu hoàng, xạ hương, sừng tê giác.
Chứ hoàn toàn không phải vì thuốc tốt mà giá đắt, đôi khi là ngược lại. Đối với người bệnh mà nói, thì thuốc tốt không quyết định bởi nhân tố đắt hay rẻ mà là có bắt đúng bệnh hay không. Nếu không bắt đúng bệnh thì thuốc đắt hơn gấp ngàn vạn lần cũng không có tác dụng, thậm chí còn gây ra tác dụng phụ. Còn đã bắt đúng bệnh thì đôi khi chỉ cần thuốc bình thường cũng có thể giải quyết được vấn đề lớn.
Thực tế tại Việt Nam, những lời đồn thêu dệt, những câu chuyện không được kiểm chứng cùng cái tên mỹ miều đã xiêu lòng và khiến nhiều người thiếu hiểu biết, trong lúc túng quẫn, hoặc vì chữ hiếu mà thiếu lý trí đã chọn An Cung như một loại thuốc bỏ túi phòng lúc tai biến và đột quỵ trong nhà.
Ở Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai, Hà Nội, từng có chuyện cụ ông nhập viện do xuất huyết não, hôn mê. Sau hai tuần hồi sức tích cực, đã hồi tỉnh, có hy vọng cứu được nhưng đột nhiên lại hôn mê sâu. Lý do sau đó được làm rõ là do người nhà “nhanh nhẹn” cho uống 2 viên An Cung để nhanh hồi phục hơn mà không hỏi ý kiến bác sỹ khiến cho bệnh tình trầm trọng hơn.
Lại có chuyện cụ bà gần 80 tuổi, người nhà lo sợ bị đột quỵ nên đã cho uống An Cung liên tục trong vòng 2 tuần. Tuy nhiên, do sự thiếu hiểu biết mà cụ bà này đang khỏe mạnh bỗng phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch vì rối loạn đông máu. Nguyên nhân là uống An Cung quá đà dẫn đến ngộ độc. Hai trường hợp trên đây chính là lời cảnh tỉnh cho những người tin lời sử dụng An Cung tùy tiện.
Hiểu đúng cách khi dùng An Cung
Tác dụng của một viên thuốc bình thường bỗng nhiên được vống lên cao chót vót vượt xa giá trị thực của nó ở Trung Quốc cũng như ở Việt Nam là do tâm lý của dân lo lắng vì tình trạng đột quỵ xảy ra khá nhiều. Qua lời đồn, họ như vớ được phao cứu sinh và mua nó để phòng trị bệnh, nhưng lại không tìm hiểu kỹ càng.
Và lại được sự tiếp tay của những nhà kinh doanh, thày thuốc rỉ vào tai người nhà bệnh nhân của mình những lời mật ngọt, đánh vào tâm lý “còn nước còn tát” và chữ hiếu khiến người mua răm rắp tin tưởng. Đây cũng là kỹ nghệ thổi giá mà những nhà buôn thường thực hiện
Cần phải hiểu An Cung là một bài thuốc do danh y Ngô Đường, tự Cúc Thông, đời Thanh, Trung Quốc, yếu nhân của học phái ôn bệnh sáng chế, ghi trong sách “Ôn bệnh điều biện” nổi tiếng của ông.
Thành phần chính của an cung chính là Ngưu hoàng, sỏi mật của bò, có tên khoa học là Calculus Bovis. Phân tích thành phần hóa học của vị thuốc cổ truyền này, gồm có: Acid cholic, Cholesterone, Bilirubin, các muối khoáng và một số acid amin khác. Nói chung không có gì đặc biệt.
Ngưu hoàng là sỏi mật của bò, trâu. Nếu đợi lấy tự nhiên từ giết mổ thì sẽ rất lâu và chi phí cao, cho nên bây giờ đã có công nghệ thiên nhiên nhân tạo chế ngưu hoàng bằng cách tạo ra tổn thương trong túi mật của chúng, cấy vi khuẩn vào...
Ngoài ra, An Cung còn có nhiều vị thuốc khác như sừng tê giác, xạ hương, xạ con cầy hương đực, chuột hương, hươu xạ; Trân châu, Ngọc trai; Chu sa, Thủy ngân; Hùng hoàng (Asen); Hoàng liên, Hoàng cầm, Chi tử, Uất kim; Băng phiến.
Các vị Tê giác, Hoàng cầm, Hoàng liên, Chi tử... đều có tác dụng thanh nhiệt, an thần, trấn kinh mạnh, làm tế bào não giảm hưng phấn sẽ tiêu thụ ít ôxy nên có tác dụng trấn tĩnh, chống co giật.
Xạ hương tuyên thông, khai khiếu mạnh làm hồi phục ý thức, nhận biết không gian, thời gian, xung quanh, bản thân ở người bán mê, hôn mê và thông mạch, tác dụng này cũng làm sảy thai...
Sau thời kỳ dài thất truyền, gần đây hiệu Đồng Nhân đường, Bắc Kinh phục dựng lại, nhưng dùng sừng Trâu cũng mang tính hàn để thay thế sừng Tê Giác.
Thuốc thiên tính hàn, do các vị Xạ hương, Ngưu hoàng, Thủy ngưu giác nhưng tác dụng hoạt huyết, hành khí rất mạnh, tuyệt đối không dùng cho người bệnh hư hàn và dùng cho người xuất huyết não thì nhiều trường hợp chảy máu nặng thêm.
Tháng 7/2014, Cục Quản lý dược gửi công văn 11393/QLD-ĐK đến Sở Y tế các tỉnh, TP, BV thuộc Bộ Y tế và các công ty đăng ký, sản xuất thuốc lưu hành tại Việt Nam có những nội dung: “Dùng cho nhiệt bệnh, tà nhập tâm bào, cao nhiệt kinh quyết, sốt cao co giật, thần hôn, hôn mê, loạn ngữ, mê sảng; hôn mê do trúng phong, viêm não, viêm màng não, xuất huyết não thể bế chứng: có sốt cao, huyết áp tăng...;
... “Thuốc chống chỉ định với tai biến mạch máu não, viêm não thể thoát chứng và thể chảy máu vào não thất của tai biến mạch máu não, người thể hàn, dương hư, tỳ vị hư hàn; phụ nữ có thai; người suy giảm chức năng gan, thận”;...
“Hiện nay đã có 4 loại được Bộ Y tế cấp số đăng ký. Các thuốc này đều là thuốc y học cổ truyền, cần được sử dụng theo chỉ dẫn trong đơn của bác sĩ y học cổ truyền hoặc thầy thuốc đông y”.
An Cung Ngưu Hoàng Hoàn như đã nói đó là một trong những bài thuốc cổ phương điển hình của y học phương Đông. Thế nhưng cũng như mọi mặt trong đời sống xã hội hiện nay, chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật rằng, những tiến bộ y học hiện đại đang mở ra nhiều phương thức phòng và chữa bệnh tiến bộ hơn rất nhiều. Không cần thiết phải mua An Cung dự trữ trong nhà, bởi khi dùng thuốc phải có chỉ định của bác sĩ.