Xây dựng hàng loạt chương trình cho trái cây Việt
Một ngày làm việc quay cuồng với đủ các đầu việc, tập trung vào tập hợp cung cấp thông tin liên quan đến chính sách quản lý XNK của nước sở tại; giúp đỡ, tư vấn cho DN trong nước khi tìm hiểu thị trường và kết nối ký kết hợp đồng với các đối tác ngoại.
Thậm chí, Thương vụ còn phải kiêm luôn việc “điều tra” lai lịch DN nước sở tại để có thông tin giúp DN trong nước bàn chuyện giao thương, ký kết. Không ít đều mong muốn một ngày có tới 48 tiếng mới có đủ thời gian để thực hiện hàng loạt đầu việc.
Nhưng dù thiếu thời gian, các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài không chỉ thực hiện tròn vai của mình mà còn gánh thêm sứ mệnh sứ giả nông sản Việt. Rất nhiều chương trình quảng bá cho nông sản Việt tại các nước bản địa đã được Thương vụ tổ chức bài bản, hấp dẫn và cuốn hút những người nước ngoài, kích thích họ tìm đến nông sản Việt để thử và cảm nhận.
Trong số các hoạt động này phải kể đến các chương trình tại Úc. Từ Ngày thanh long tại Úc, Tuần lễ quảng bá và tiêu thụ thanh long ruột đỏ tại Úc, Tuần lễ sầu riêng tại Úc đến Hành trình thưởng thức sầu riêng tại Úc, Ngày vải thiều Việt Nam tại Úc… Gần đây nhất là chương trình “Nhãn Việt Nam mình!” với thông điệp như một lời giới thiệu, tâm tình về hương vị Việt Nam với bạn bè Úc và đồng bào ở xa Tổ quốc.
Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Úc cho biết, trong nhiều lần đi tìm hiểu thị trường, nắm bắt được người Úc chưa biết nhiều đến quả sầu riêng Việt Nam, trong khi lại rất hay sử dụng sầu riêng của Malaysia và Thái Lan.
Một chiến dịch quảng bá sầu riêng đông lạnh Việt Nam được lên kế hoạch để cạnh tranh trực tiếp với hai thị trường nói trên. Hình ảnh quả sầu riêng Việt Nam được xuất hiện ở hầu hết các địa điểm tham quan nổi tiếng ở nước Úc đã để lại ấn tượng khá sâu sắc với cộng đồng người Việt tại Úc cũng như người Úc.
“Sau chiến dịch xúc tiến sầu riêng đông lạnh, một số chủ cửa hàng đã gọi điện cho biết có hiện tượng cạnh tranh để mua được sầu riêng Việt Nam từ nhà nhập khẩu. Từ tấm lòng của người tiêu dùng Úc, của kiều bào, chủ các cửa hàng, Thương vụ mong rằng DN xuất khẩu Việt Nam cố gắng giữ uy tín về chất lượng cho các lô tiếp theo. Thương vụ sẽ quảng bá thương hiệu cho các DN làm ăn uy tín”, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Úc chia sẻ.
Mang gạo Việt đến Bắc Âu xa xôi
Trước năm 2019, gạo Việt Nam gần như vắng bóng tại Thụy Điển, kim ngạch nhập khẩu chỉ đạt hơn 100.000 USD/năm. Nhận nhiệm vụ Trưởng cơ quan Thương vụ tại Thụy Điển, bà Nguyễn Hoàng Thúy đã ngay lập tức đi vận động các DN nhập khẩu hàng từ châu Á nhập khẩu gạo Việt Nam. “Chúng tôi phải quảng cáo giới thiệu khá nhiều với các đơn vị, phải nhấn mạnh gạo Việt Nam ngon lắm mà giá rẻ hơn hẳn gạo Thái Lan”, bà Thúy kể lại.
Từ những lời “kích thích” của Thương vụ Việt Nam, một số DN bắt đầu nhập khẩu thử. Và kết quả không ngờ. Bà Thúy chia sẻ: “Vài tháng sau, khi chúng tôi quay lại thăm DN này, họ nhất định bắt chúng tôi phải mang một bao gạo Việt Nam về ăn thử và quảng cáo ngược lại với chúng tôi rằng: “Gạo Việt Nam ngon lắm, cô nhất định phải mang về ăn thử”. Thật sự là lúc đấy rất vui và cảm động vì DN đã tự nhận ra sản phẩm của Việt Nam chất lượng và giá cả hợp lý sẽ tốt hơn rất nhiều so với việc mình tự đi quảng cáo sản phẩm của mình”.
Sau đó, nhiều DN khác cũng nhập khẩu theo. Kim ngạch nhập khẩu gạo Việt Nam vào Thụy Điển đã tăng lên 1 triệu USD ngay trong năm 2019.
Bà Thúy tâm sự, thị trường Bắc Âu là thị trường nhỏ và xa xôi. Việc sử dụng hình thức xúc tiến thương mại truyền thống gây tốn kém và không hiệu quả. Do đó, trong thời gian vừa qua, để quảng bá cho Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam - châu Âu (EVFTA), Thương vụ cũng xây dựng tờ rơi điện tử, tóm tắt cam kết theo ngành hàng, so sánh lợi thế về thuế của hàng Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh. Sau đó phân loại riêng từng mặt hàng để gửi đến đúng đối tượng, ví như giới thiệu về thế mạnh của gạo, Thương vụ gửi riêng cho các DN nhập khẩu gạo, giới thiệu về thủy sản gửi riêng cho các DN nhập khẩu thủy sản.
Cứ thế, bằng nhiều cách làm khác nhau, các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã trở thành những sứ giả cho nông sản Việt. Đất nước Việt Nam với thế mạnh nông sản đã có thể sản xuất, cung cấp đi nhiều nước, có thể cạnh tranh với các thị trường truyền thống về các mặt hàng nông sản, một phần nhờ cầu nối Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài.