Sốt xuất huyết bùng phát, lây lan khó kiểm soát ở nhiều tỉnh, thành

Phun thuốc diệt muỗi để phòng chống sốt xuất huyết.
Phun thuốc diệt muỗi để phòng chống sốt xuất huyết.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trong tuần qua, có hơn 10.000 ca mắc sốt xuất huyết, 2 ca tử vong. Sốt xuất huyết tiếp tục ghi nhận tăng cao tại một số tỉnh phía Nam, miền Trung, Tây Nguyên. Tại Hà Nội, sốt xuất huyết tiếp tục tăng mạnh.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, đến nay Thủ đô ghi nhận khoảng 9.500 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 12 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số mắc tăng 3,3 lần. Riêng trong tuần qua ghi nhận hơn 1.200 ca mắc và 3 trường hợp tử vong.

Theo nhận định của chuyên gia, đỉnh dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội vào trung tuần tháng 11. Vì vậy, ngành y tế và chính quyền địa phương phải tăng cường giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao, từ đó triển khai các hoạt động đáp ứng phù hợp và kịp thời. Đồng thời, phát động người dân diệt bọ gậy, loăng quăng nơi mình sinh sống để phòng tránh muỗi sinh sôi, phát triển; đi ngủ mắc màn.

Theo Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, tính đến ngày 31/10, Quảng Nam đã ghi nhận 12.955 ca mắc sốt xuất huyết, cao hơn tổng số ca mắc của cả năm 2019 là năm có số mắc cao nhất từ năm 2016 đến nay và cũng là năm có đỉnh dịch cao nhất (11.651 ca). Trên địa bàn tỉnh này đã ghi nhận 1 ca tử vong do sốt xuất huyết.

Thời gian tới, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, với mức độ bùng phát và lây lan nhanh, khó kiểm soát. Sở Y tế tỉnh Quảng Nam yêu cầu các đơn vị y tế tập trung chỉ đạo hệ thống chính trị khẩn trương giải quyết triệt để các ổ dịch đã kéo dài dai dẳng, không để lây lan trên diện rộng, khó kiểm soát.

Triển khai mạnh mẽ các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng (bọ gậy) trên địa bàn ngay trong tháng 10 và 11, duy trì hoạt động vệ sinh môi trường 1 - 2 lần/tuần tại các khu vực có nguy cơ cao và các khu vực có chỉ số muỗi, loăng quăng (bọ gậy) cao, 2 lần/tháng tại các khu vực còn lại. Vận động người dân cùng tham gia.

Tại các huyện vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, vùng đồng bào dân tộc sinh sống, khu vực di biến động về dân cư, khu vực có ổ dịch cũ được yêu cầu tăng cường lực lượng vừa đẩy mạnh truyền thông chống dịch, kết hợp làm sạch vệ sinh môi trường…

Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long Hồ Thị Thu Hằng nhận định, mặc dù số ca mắc sốt xuất huyết mới có giảm so với giai đoạn đầu, tuy nhiên vẫn ở mức cao, có nguy cơ diễn biến phức tạp. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 2.832 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 42 trường hợp nặng và 3 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc cao gấp 6,8 lần và tăng 3 trường hợp tử vong; số ổ dịch tăng gấp 7,2 lần (782/109 ổ).

Hiện ngành Y tế tỉnh rà soát lại các cơ số thuốc, trang thiết bị để bổ sung kịp thời, đảm bảo cho địa phương trong triển khai thực hiện nhiệm vụ; đồng thời lưu ý các địa phương cần tập trung rà soát, đánh giá tình hình ổ dịch trên địa bàn, đề xuất các giải pháp hiệu quả xử lý triệt để các ổ dịch phát sinh, huy động sự tham gia của các ngành, đoàn thể cùng chung tay thực hiện các giải pháp phòng, chống sốt xuất huyết...

Dịch sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh tại Quảng Ngãi. Có thời điểm, chỉ trong 4 ngày đã ghi nhận gần 200 ca bệnh nặng, được chỉ định nhập viện điều trị nội trú. Thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Thị Thuận - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Bệnh viện tỉnh là tuyến cuối, tập trung những ca nặng, có cảnh báo. Trong trường hợp thiếu tiểu cầu thì bệnh viện chuẩn bị sẵn các phương án, huy động từ những câu lạc bộ máu sống để kịp thời truyền ngay cho bệnh nhân. Thời gian qua, những trường hợp giảm tiểu cầu đều có đủ tiểu cầu để truyền”.

Ngành Y tế khuyến cáo, năm nay, dịch sốt xuất huyết đến sớm và dự đoán kéo dài, diễn biến phức tạp, nhất là vào mùa mưa. Vì vậy, người dân cần chủ động các biện pháp phòng chống, không được chủ quan. Đặc biệt, các trường hợp sốt cao kéo dài không nên dùng biện pháp dân gian tự chữa bệnh tại nhà mà nên được thăm khám, điều trị tại cơ sở y tế…

Việc điều trị sốt xuất huyết phải tuân theo phác đồ điều trị chuẩn. Khi xác định dương tính với sốt xuất huyết, người bệnh sẽ được kê đơn điều trị tại nhà hoặc nhập viện điều trị nội trú tùy thuộc vào tình trạng bệnh. Trong thời gian này, bác sĩ có thể kê một số thuốc để giảm sốt như Paracetamol. Cần tránh các thuốc giảm đau có nguy cơ tăng biến chứng chảy máu như aspirin, ibuprofen và naproxen sodium.

“Tự ý uống hạ sốt liên tục, uống kháng sinh là sai lầm khá phổ biến khi điều trị sốt xuất huyết tại nhà. Nguyên nhân là bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra, không phải vi khuẩn. Do đó, kháng sinh không có tác dụng điều trị bệnh này”, bác sỹ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) khuyến cáo.

Ngoài ra, người bệnh cần có chế độ ăn uống lành mạnh, giàu chất xơ và vitamin C, uống nhiều nước và nghỉ ngơi, tránh ăn đồ nhiều dầu mỡ, khó tiêu. Duy trì điều trị và theo dõi trong khoảng 12 ngày, người bệnh có thể quay lại cơ sở y tế để tái khám và nếu không xảy ra biến chứng bất thường có nghĩa là bệnh đã khỏi.

Đọc thêm

Rước họa vì thói quen nhiều người hay làm

Bệnh nhân nhập viện vì uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
(PLVN) -  Liên tiếp trong thời gian gần đây, các bác sĩ tại các bệnh viện thường tiếp nhận nhiều trường hợp cấp cứu vì tự ý uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Điều đáng nói, nhiều người hiện nay tự ý sử dụng các loại thuốc này để điều trị nhiều căn bệnh như: Viêm gan B, sỏi túi mật….

Không dễ dãi với mặt hàng đặc thù liên quan sức khỏe

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược (dự kiến được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2024), mới đây khi được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã được chỉ ra một số nội dung cần xem xét.