Khoảng 3 năm trở lại đây, cover lại các “hit” nhạc xưa thập niên 90, 2000 trở thành “mốt” của nhiều nghệ sĩ. Mở đầu trào lưu này là việc các bài “hit” của nam ca sĩ Ưng Hoàng Phúc như Người ta nói, Vì một người ra đi… được cư dân mạng cover quá thành công, được chia sẻ rầm rộ và những người cover bỗng trở nên “nổi tiếng lây”.
Sau đó, dần dà trào lưu cover nhạc nổi tiếng các thập niên trước nổi lên. Những bài hát đình đám một thuở của Lam Trường như Tình đơn phương, Tình thôi xót xa, của Đan Trường như Tình khúc vàng, Kiếp ve sầu, hay Nếu như, Trống vắng của Phương Thanh… được cư dân mạng liên tục cover.
Theo trào lưu, nhiều nghệ sĩ trẻ thế hệ sau bắt đầu cover các ca khúc của đàn anh, đàn chị và tạo ra các album, liveshow nhạc xưa: Noo Phước Thịnh, Đông Nhi, Sơn Tùng M-TP… Cạnh đó, nhiều nghệ sĩ chưa có tên tuổi hoặc mới chạm ngõ showbiz, bước chân ra từ các gameshow cũng lựa chọn cover lại các bài hát xưa để theo kịp trào lưu. Điều quan trọng hơn, cover lại các ca khúc xưa từng được yêu thích là một giải pháp khá an toàn và ít tốn kém để nghệ sĩ trẻ, mới tiếp cận khán giả.
Thậm chí, trong trào lưu cover rầm rộ ấy, nhiều nghệ sĩ thế hệ trước cũng “chiều” khán giả bằng các cover lại bài hát trước đây của chính mình, tổ chức các đêm nhạc, liveshow nhạc xưa với bản phối mới như Ưng Hoàng Phúc, Đan Trường, hay Lam Trường thực hiện hẳn một album xưa, Quang Vinh tổ chức liveshow hoành tráng mang tên Greatest Hits - The Memories để hoài cổ…
Tất nhiên, không phải bản cover, dự án làm mới nào cũng thành công. Có nhiều nghệ sĩ làm mới bài hát xưa cũng chỉ để “theo trend”, với mục đích hâm nóng tên tuổi, ăn theo là chính, không mấy đầu tư hay tâm huyết nên cũng chỉ là làm ra thêm vài sản phẩm âm nhạc để giải trí cho thị trường. Còn số nghiêm túc và sáng tạo dựa trên nền âm nhạc cũ như Hà Anh Tuấn với dự án See Sing Share là không nhiều.
Âm nhạc cũng như thời trang, luôn như một vòng xoắn ốc, trở lại với vẻ đẹp cũ dưới những ánh sáng mới. Việc âm nhạc những thập niên 90, 2000 rầm rộ trở lại cũng nằm trong quy luật ấy, nhưng mặt khác, nó phản ánh sự “khát” ca khúc hay, chất lượng của thị trường âm nhạc hiện nay.
Tuy nhiên, cái cũ có hay, có đẹp cũng chỉ là cái cũ, thị trường âm nhạc luôn cần những sáng tạo mới mẻ, đồng thời cần hơn nữa những nghệ sĩ có lối đi riêng, biết mở những con đường nghệ thuật mới, không ngại chông gai, chứ không phải chỉ là những “người hát”, “người sản xuất âm nhạc” biết bắt kịp thị hiếu, thỏa mãn khán giả.