Sông Đáy “gồng mình” gánh chất thải từ làng nghề

Sông Đáy “chở nặng” bã thải, nước đặc quánh và ô nhiễm trầm trọng
Sông Đáy “chở nặng” bã thải, nước đặc quánh và ô nhiễm trầm trọng
(PLVN) - Sông Đáy là nơi thoát nước, thoát lũ chính cho các vùng dân cư các huyện Hoài Đức, Quốc Oai (Hà Nội). Thế nhưng, nhiều năm nay, con sông này trở thành “điểm đen” ô nhiễm.

Dòng chảy đục ngầu, rác phủ mặt nước

Cứ vào độ tháng 9 âm lịch hàng năm, dòng sông Đáy lại bốc lên một thứ mùi đặc trưng mà người ta thường gọi là “mùi ô nhiễm”. Theo ghi nhận của PV nhiều ngày nay, nước sông Đáy khu vực chảy qua cầu Yên Sở (Hoài Đức – Hà Nội) có dấu hiệu ô nhiễm trầm trọng. Dòng chảy đục ngầu, quánh đặc bốc lên thứ mùi hôi thối, tanh tưởi nồng nặc, gây khó chịu cho bất cứ ai vô tình đi qua nơi đây.

Mặt sông nổi lềnh phềnh những váng đen đặc, bọt trắng kết hợp cùng túi ni long, rác thải sinh hoạt khiến cảnh tượng ô nhiễm ở đoạn sông càng thêm nặng nề.

Bà Nguyễn Thị Miên (thôn 9, trại Cát Nổi, xã Yên Sở, Hoài Đức) bức xúc: “Nước sông Đáy khoảng 7-8 năm đổ lại đây luôn đen quanh năm, nhưng cứ vào mùa này thì nước bẩn nặng hơn, bốc mùi, đặc biệt là vào buổi tối.  Trong khu vực tôi ở, cứ tối đến là nhà nhà đóng cửa kín mít, có người còn phải bịt cả khẩu trang.”

Cũng trong nỗi bức xúc tương tự, ông Lê (Yên Sở, Hoài Đức) nói: “Chục năm trước, nhà tôi vẫn dùng nước sông Đáy để sản xuất nông nghiệp, khi đó nước trong chứ không đục ngầu như bây giờ. Mấy năm trước nhà tôi vẫn trồng ruộng rau muống ở bờ sông, thỉnh thoảng có đồng ra đồng vào. Nhưng rồi, nước sông cứ ngày một bẩn, tôi không thể trồng để bán rau ăn nữa, chỉ dám cắt cho bò, cho lợn ăn”.

Gánh nước thải từ các làng nghề 

Trong khu vực huyện Hoài Đức có ba làng nghề chế biến nông sản lớn là Dương Liễu, Minh Khai, Cát Quế. Mỗi ngày người dân ở đây thực hiện sơ chế, tẩy rửa hàng trăm tấn nông sản, không thông qua bất kể một công đoạn xử lý chất thải nào mà xả thẳng vào dòng chảy sông Đáy, khiến lòng sông thay vì bồi lắng phù sa thì được đắp thêm lớp bã thải ngày một dày.

Qua tìm hiểu của PV, chỉ riêng xã Dương Liễu, mỗi ngày đã có khoảng hơn 1 nghìn tấn củ sắn, dong riềng được đưa vào sản xuất. Nguy hại hơn khi chế biến tinh bột dong riềng, sắn thải ra đến 85% khối lượng chất thải so với khối lượng nguyên liệu đầu vào (khoảng 800 tấn bã thải, chưa tính khối lượng nước thải).

Mặc dù gần đây, xã Dương Liễu đang thi công công trình cải tạo mương vùng ngoài đê, thế nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn không được cải thiện là bao. Ở 4 thôn vùng bãi là Me Táo, Mới, Hòa Hợp, Đồng Phú vẫn đầy rẫy những rãnh nước, kênh nước lộ thiên. Dưới dòng kênh ấy, bã sắn, bã dong riềng lấn chiếm hết 2/3 diện tích dòng chảy. Chất thải này phân hủy theo thời gian, bốc mùi chua nồng, hôi thối.

Việc sản xuất trong các làng nghề có quy mô manh mún, chủ yếu các hộ tự sản xuất và gần như không có hộ nào đầu tư cho việc xử lí nước thải càng khiến tình trạng ô nhiễm nặng hơn. Một người dân làm miến ở thôn Me Táo (Dương Liễu) phân trần: “Nhà tôi làm nghề chế biến tinh bột sắn từ thời ông bà ngày xưa, nhà 4-5 người tự làm với nhau, mỗi ngày chỉ làm 1-2 tấn, số lượng khá ít nên không đầu tư hệ thống lọc chất thải. Bấn quá nên đành xả thẳng ra cống, ra sông. Mọi nhà ở đây đều làm thế”.

Một hộ, hai hộ rồi cả thôn, cả xã sản xuất theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, dần dần gây nên áp lực khổng lồ cho hệ thống thoát nước. Và dòng sông Đáy cứ thế bị bức tử trong nhiều năm nay. Lợi nhuận chỉ chuyển từ người này qua người khác. Khi mà những hộ chế biến nông sản ngày một khấm khá hơn thì ở vùng khác, người dân đang vướng vào cảnh khốn đốn khi họ đang sống nhờ dòng nước sông Đáy.

Theo ông Ngô Văn Minh - cán bộ văn phòng UBND xã Dương Liễu, ô nhiễm làng nghề gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sông Đáy là vấn đề bức xúc nhiều năm nay của chính quyền địa phương: “Về phía xã hiện nay gần như không có một chế tài để xử lý các hộ vi phạm gây ô nhiễm môi trường. Đến giờ phút này chính quyền xã kêu cứu các cơ quan chức năng, vì hệ lụy từ nghề chế biến củ dong, củ sắn gây ra quá lớn”, vị cán bộ xã Dương Liễu chia sẻ. “Xã vẫn tích cực tuyên truyền đến các hộ. Đồng thời, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền, đặc biệt là Phòng Tài nguyên Môi trường, Công an huyện, Cục Cảnh sát môi trường tăng cường xử phạt các hộ vi phạm. Xã cũng đề xuất UBND thành phố nghiên cứu xây dựng nhà máy xử lý nước thải ở khu vực Miền Bãi cho 3 xã Dương Liễu, Cát Quế, Minh Khai để giảm áp lực cho dòng sông Đáy”./.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Thanh niên tham gia tích cực vì khí hậu

Các chuyên gia lĩnh vực biến đổi khí hậu trao đổi tại Lễ công bố báo cáo của công tác thanh niên về chính sách khí hậu. (Ảnh: PV)
(PLVN) - Với sự sáng tạo và sức trẻ năng động, thanh niên Việt Nam được coi là lực lượng nòng cốt đóng vai trò đặc biệt quan trọng, tham gia tích cực vì khí hậu suốt thời gian qua.

Ra quân đạp xe hưởng ứng giờ Trái đất năm 2024

Các đoàn viên thanh niên đạp xe hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất 2024.
(PLVN) - Sáng nay - 23/3/2024, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ TN&MT phối hợp với Đoàn Thanh niên Bộ TN&MT, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF Việt Nam) tổ chức Chương trình ra quân đạp xe hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024.

Bạc Liêu cảnh báo nguy cơ cháy, nổ vào mùa khô

 Bạc Liêu cảnh báo nguy cơ cháy, nổ vào mùa khô
(PLVN) - Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ các cấp trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống cháy nổ, đồng thời đưa ra khuyến cáo để người dân nâng cao ý thức trong việc phòng cháy, chữa cháy, nhất là vào thời tiết nắng nóng như hiện nay.