Bên soạn thảo luật chưa làm tròn nhiệm vụ
Báo cáo việc triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội trong các tháng cuối năm 2016, năm 2017 và một số nội dung về tiếp tục đổi mới quy trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội (QH), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, theo Chương trình đã được QH thông qua, trong các tháng cuối năm 2016, QH sẽ xem xét thông qua 4 dự án luật, cho ý kiến 14 dự án luật khác; UBTVQH xem xét, thông qua 4 dự án pháp lệnh. Trong năm 2017, QH sẽ xem xét thông qua và cho ý kiến 29 dự án luật, 1 dự thảo Nghị quyết.
Tuy nhiên, theo ông Định, bên cạnh những kết quả to lớn đã đạt được, thời gian qua, công tác lập pháp vẫn còn không ít hạn chế. Đơn cử, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn phải điều chỉnh nhiều lần; vai trò, trách nhiệm của các cơ quan hữu quan trong cơ quan chưa đề cao và phát huy tối đa; công tác phối hợp giữa các cơ quan chưa chặt chẽ và hiệu quả; quy định trong một số đạo luật chưa phản ánh sát thực tế yêu cầu cuộc sống; văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật ban hành chậm; chậm gửi hồ sơ, tài liệu đến các cơ quan của QH, đại biểu QH; một số dự án không đảm bảo tiến độ, chất lượng.
Đồng quan điểm với Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, ông Nguyễn Sĩ Cương, Phó Chủ nhiệm, Ủy ban Đối ngoại của QH cho rằng, có một số nội dung mà ban soạn thảo trình sang QH rất yếu, khi kiểm tra, chỉnh sửa mất rất nhiều công sức và thời gian. “Ngay sau khi trình, bên trình “đổ” luôn trách nhiệm cho QH mà không thể hiện sự hợp tác, không tiếp thu ý kiến của Chính phủ, của Bộ Tư pháp”, ông Cương nói.
Ông Cương nêu một loạt những thiếu sót trong quy trình xây dựng các văn bản luật, pháp lệnh. Như tại khâu thẩm tra, thời gian trình dự thảo luật trước UBTVQH phải trước 20 ngày và trước 30 ngày đối với QH. Tuy nhiên, rà soát lại thì rất nhiều dự án vi phạm quy định này, dẫn đến rất nhiều đại biểu không có tài liệu nghiên cứu để tham gia ý kiến.
Cũng theo ông Cương, rất nhiều hồ sơ không đầy đủ và mang tính hình thức khi đưa đến tay đại biểu QH. “Dự thảo luật nhiều cái làm như đề cương, không cụ thể đáp ứng nhu cầu. Nhiều đánh giá tác động không có ý nghĩa của đánh giá tác động. Nếu cứ dễ dãi, xuê xoa thì không báo giờ nâng cao chất lượng được”, ông Cương nhận xét.
Ngoài ra, ông Cương cho biết, khâu tổng hợp cũng rất yếu, nhất là thảo luận tại tổ, tại nghị trường. Bộ phận tổng hợp xong rồi để đấy, đến lúc gửi lại cho các đại biểu xong thì không thấy ý kiến đâu nữa. Nếu có ý kiến, bộ phận tổng hợp không giải trình mà cứ lờ đi.
Phải thực hiện nghiêm Luật Ban hành VBQPPL
Đa số các đại biểu đều cho rằng, để khắc phục những tồn tại hạn chế, tồn tại trong công tác lập pháp, QH cần luôn quan tâm và có nhiều cải tiến, đổi mới trong hoạt động lập pháp. Mới đây nhất, QH thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), năm 2015 và có hiệu lực từ 01/7/2016, trong đó có nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng với các quy định trước đây. Các nội dung này cần được quán triệt đầy đủ và triển khai thực hiện nghiêm túc để đảm bảo cao hơn nữa chất lượng cũng như hiệu quả của công tác xây dựng luật.
Theo bà Trần Thị Dung, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, để triển khai toàn bộ chương trình của 3 kỳ họp tới đây, các cơ quan cần có sự kiên quyết thực hiện khoản 2, Điều 11 Luật Ban hành VBQPPL. Đó là, cơ quan được giao ban hành văn bản quy định chi tiết không được ủy quyền tiếp. Dự thảo văn bản quy định chi tiết phải được chuẩn bị và trình đồng thời với dự án luật, pháp lệnh và phải được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của văn bản hoặc điều, khoản, điểm được quy định chi tiết.
“Nhiệm kỳ nào cũng rút kinh nghiệm, năm nào cũng rút kinh nghiệm, “sợi dây kinh nghiệm rất dài, rút mãi không hết”. Do vậy, chúng ta cần thực hiện nghiêm những quy định đã ban hành”, bà Dung thẳng thắn nói.
Còn ông Định cho rằng, Luật đã quy định cụ thể hơn về trách nhiệm các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền tham gia vào quá trình xây dựng, ban hành VBQPPL từ khâu lập đề nghị xây dựng VBQPPL, chủ trì, tham gia soạn thảo, thẩm định, thẩm tra dự án, dự thảo đến ban hành. “Đây chính là căn cứ quan trọng để xác định mối quan hệ về trách nhiệm giữa các chủ thể trong từng khâu của quá trình soạn thảo và ban hành VBQPPL. Luật đã quy định cụ thể trách nhiệm của các chủ thể, đề nghị các cơ quan thực hiện đúng quy định của Luật”, ông Định nói.