AFP dẫn lời Người phát ngôn Cơ quan Giảm nhẹ Thiên tại Indonesia Sutopo Purwo Nugroho cho biết, vụ việc xảy ra vào lúc 21h30 (14h30 GMT) tại Eo biển Sunda nằm giữa hai đảo Sumatra và Java.
Những đợt sóng đã đổ ập vào các bãi biển nổi tiếng của Indonesia mà không có bất cứ cảnh báo nào đã khiến số người thương vong lớn. Theo cơ quan chức năng Indonesia, tính đến 10h40 GMT ngày 23/12 đã có 222 người được xác nhận đã tử vong, 843 người bị thương và 28 người còn mất tích.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết đã yêu cầu các cơ quan liên quan trong Chính phủ thực hiện các biện pháp khẩn cấp, tìm kiếm các nạn nhân và chăm sóc những người bị thương. Phó Tổng thống nước này Jusuf Kalla tại một cuộc họp báo cho biết số nạn nhân tử vong nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục tăng.
Ngay trong ngày 23/12, các thiết bị hạng nặng đã được huy động tới những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất để hỗ trợ tìm kiếm và sơ tán các nạn nhân. Theo một thành viên trong đội cứu hộ, hầu hết các nạn nhân thiệt mạng và bị thương đã bị gãy xương.
Hàng trăm tòa nhà đã bị những con sóng đánh sập. Những hình ảnh được người đăng tải sau khi những cơn sóng đi qua cho thấy hàng loạt những bụi cây bị bật gốc, rác vương vãi khắp nơi…
Theo giới chức Indonesia, đợt sóng thần có thể là do những đợt thủy triều dâng bất thường do chu kỳ mới của Mặt Trăng và một đợt lở đất dưới đáy biển sau khi núi lửa Krakatoa phun trào. “Tổng hợp các yếu tố này đã gây ra đợt sóng thần bất ngờ đổ bộ vào bãi biển”, ông Nugroho nói nhưng cho biết cơ quan địa chất Indonesia vẫn đang xác định nguyên nhân chính xác của vụ việc.
Trung tâm thông tin sóng thần nhận định, dù hiếm khi xảy ra nhưng những đợt núi lửa phun trào có thể gây ra sóng thần do sự di chuyển đột ngột của dòng nước hay các lý do khác. Năm 1883, núi lửa Krakatoa từng phun trào, đẩy những cột tro bụi, đất đá và khói cao đến hơn 20km lên bầu trời và gây ra sóng thần có thể cảm nhận trên khắp thế giới. Vụ việc đã khiến hơn 36.000 thiệt mạng.
Cơ quan địa chất Indonesia cho biết, trước ngày 22/12, trong suốt nhiều ngày liền, núi lửa này đã có dấu hiệu hoạt động mạnh trở lại, phun những cột khói hàng nghìn m lên trời. Gần 21h00 ngày 22/12, núi lửa đã phun trào trở lại.
Theo Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia đã liên hệ với Bộ ngoại giao Indonesia để tìm hiểu thông tin và được biết, tính đến 10h30 sáng 23/12 chưa ghi nhận thông tin có người Việt Nam bị ảnh hưởng trong thảm họa trên.
Bộ Ngoại giao đã đề nghị Đại sứ quán tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng sở tại để nắm tình hình người Việt Nam bị ảnh hưởng (nếu có) để kịp thời thực hiện các biện pháp bảo hộ cần thiết; cập nhật trên cổng thông tin về tình hình và số đường dây nóng để công dân ta có thể liên hệ khi cần trợ giúp.
Trong trường hợp cần sự trợ giúp khẩn cấp, đề nghị liên hệ Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia theo số điện thoại đường dây nóng +62 21 31907165 hoặc Tổng đài Bảo hộ công dân +84981848484.
Được tin vụ việc, ngày 23/12, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi điện thăm hỏi đến Tổng thống Indonesia Joko Widodo; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gửi điện thăm hỏi đến Chủ tịch Hội đồng Hiệp thương Nhân dân Indonesia Zulkifli Hasan.
Lãnh đạo Việt Nam bày tỏ cảm thông và gửi lời chia buồn sâu sắc tới Lãnh đạo Indonesia trước những tổn thất lớn về người và tài sản do một thảm họa thiên tai nữa gây ra, chỉ chưa đầy 3 tháng sau trận sóng thần khủng khiếp xảy ra tại tỉnh Sulawesi tháng 9 vừa qua; bày tỏ tình đoàn kết, sẵn sàng chia sẻ khó khăn của nhân dân Việt Nam với nhân dân Indonesia và tin tưởng rằng nhân dân Indonesia sẽ nhanh chóng khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã gửi điện thăm hỏi tới Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi.