Mùa thi còn chưa vào cao điểm mà không ít sĩ tử đã phải “xếp bút nghiên” đi điều trị bệnh tâm thần. Có nghe các bác sĩ hàng đầu về sức khỏe tâm thần nói về vấn nạn “sĩ tử hóa điên trước mùa thi” mới thấy rằng tai họa này tiềm ẩn trong bất cứ gia đình nào có con em ở tuổi ăn học.
Nườm nượp sĩ tử đi luyện thi |
Giỏi quá, hóa điên
Cuối giờ chiều một ngày giữa tháng 4, dù đã sắp hết giờ hành chính nhưng bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng T4, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai vẫn rất tất bật với những ca nhập viện mới.
Ngồi trước mặt bác sĩ Dũng là bệnh nhân P.T.N.H (18 tuổi, ngụ huyện Phú Xuyên, Hà Nội). Bằng dáng điệu rất ngây ngô, nữ sinh này sờ vào tay, mặt người đối diện, cười khà khà rồi tuôn ra một tràng tiếng Anh: “Hello, how are you” (Xin chào, bạn có khỏe không?). Dứt lời, mặt H buồn thiu, giọng trầm xuống: “Cháu muốn học tiếng Anh! Cháu muốn đi học cơ, và học thật giỏi...”. Dứt lời, cô bé khóc rung người, khóc xong lại cười đỏ mặt.
Cha mẹ H đau đớn kể lại: “Đang trong giờ học, tự nhiên cháu nói, cười và nhảy lên bàn múa hát. Các bạn trong lớp sợ quá nên gọi điện thoại cho chúng tôi. Về đến nhà, cháu cứ soi gương, độc thoại đủ thứ chuyện trên đời. Cả nhà tôi không có ai tiền sử bệnh này, trước đây cháu cũng hiền dịu, nói năng điềm đạm, thế mà... Cũng tại chúng tôi ép cháu học quá mới nên nông nỗi này”.
Dù vậy, H vẫn là một trong số ít bệnh nhân chịu hợp tác với các bác sĩ chứ không như Th, 22 tuổi, sinh viên đại học năm cuối ở Hà Nội. Vốn rất thông minh, có học lực xuất sắc từ ngày học phổ thông đến tận đại học, Th không chấp nhận việc mình mắc bệnh tâm thần nên luôn bị kích động và phản ứng dữ dội mỗi khi ai đó nói cậu “có vấn đề”.
Người nhà chỉ biết Th “có chuyện” sau một lần cậu ngất xỉu do học hành lao lực, ăn uống thiếu thốn. Khi tỉnh dậy, Th bứt dây truyền nước, lấy kim tiêm đâm sâu vào người, máu me be bét. Không những thế, từ đây Th còn thường xuyên tự cào cấu, la hét, đập phá rồi có những lúc rơi vào trầm lặng, mắt nhìn chăm chăm một điểm, tóm lại là lúc dữ tợn, lúc thất thần.
Ngồi trên giường bệnh, Th không chịu mặc quần áo bệnh nhân mà vẫn khoác trên mình áo trắng quần jean, tóc rẽ ngôi gọn gàng. Thấy bác sĩ, cậu lao ra níu tay, van vỉ: “Em chỉ bị nghẹt mũi, ăn mì tôm quá nhiều nên đói bụng thôi. Bác sĩ cho em về đi thi”. Tháo cặp kính cận dày cộp, Th quẹt nước mắt “thanh minh”: “Em không có bệnh thật mà”.
Điên vì... sợ học
Cũng có trường hợp nhập viện do thất bại trong học tập như L.T.K, 24 tuổi, quê Bắc Giang. Theo bác sĩ Dũng, ông tiếp nhận nữ bệnh nhân này khi bệnh của cô đã rất nặng, và bệnh nặng như vậy là do các bác sĩ trước đó chữa “lệch” phác đồ điều trị, chẩn đoán bệnh không chính xác.
Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng T4, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai |
Nhà K có hai anh em, mẹ bán quán ăn, bố là công nhân nghỉ hưu, anh của K nghiện hút nên mọi hi vọng của gia đình đều đặt lên vai K. Tốt nghiệp phổ thông năm 18 tuổi, K được cha mẹ định hướng thi vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Thi trượt, K ngại tiếp xúc với mọi người, chỉ ngồi lì trong nhà. Đi khám, bác sĩ đoán K bị suy nhược thần kinh và cho K uống rất nhiều các loại thuốc nhưng càng uống, bệnh của K càng nặng.
Đến khi gia đình đưa K đến Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia thì cô gái 24 tuổi đã ở vào tình trạng khó cứu vãn: Suốt ngày lảm nhảm rằng mình học kế toán, học sư phạm, rồi ĐH Y, sau đó lại nói muốn xuất khẩu sang Hàn Quốc, sang Đài Loan để kiếm tiền cho gia đình... Cứ mỗi lần bác sĩ Dũng thăm khám là K lại cười sằng sặc và hô to: “Con chào bố! Con trang điểm cho xinh đẹp để đi sang Hàn Quốc đây!”.
Một trường hợp khác mới nhập viện là N.V.Tr, học sinh lớp 11 một trường ở quận Đồ Sơn, TP.Hải Phòng. “Bệnh nhân này nhập viện trong tình trạng khá bình thường, tỉnh táo. Tuy nhiên mỗi khi nghe ai nói đến việc đi học, làm bài tập về nhà là Tr lại hoảng loạn. Cậu bé này học không giỏi nhưng bị gia đình “ấn” vào trường chuyên, lớp chọn nên rất sợ học”, bác sĩ Dũng nói.
Hỏi ra mới hay gia đình Tr rất khá giả, cha mẹ đều làm nghề buôn bán rất khá giả nên yêu cầu con phải học hành đến nơi, đến chốn để đi làm cán bộ chứ không được theo nghiệp bố mẹ. Học không khá nhưng từ bé đến lớn, Tr đều được cha mẹ lo lót xin vào trường chuyên, lớp chọn nên cả tuổi thơ của em là những tháng ngày vật vã tránh “đội sổ”.
Năm lớp 10, Tr đã tự sát bằng thuốc ngủ khi đang là học lớp chọn Toán 1 của nhà trường. Sau vụ này, Tr may mắn thoát chết nhưng đầu óc bắt đầu “biêng biêng”. Trở lại trường, học đến hết kỳ 1 lớp 11, Tr lại dùng banh-xa-lam cắt cổ tay nhưng được phát hiện, cứu chữa kịp thời. Thương con, cha mẹ xin cho Tr xuống học lớp chọn Toán 2 để đỡ áp lực nhưng đã quá muộn, cuối cùng họ đành đưa con đi bệnh viện.
Mặt trái của thuốc “tỉnh táo”
Những ngày sát mùa thi, trước áp lực phải “tỉnh táo” để ôn luyện “nước rút”, không ít sĩ tử đã dại dột tìm đến thuốc Amphetamine, một loại ma túy kích thích thần kinh bị cấm. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, người dùng Amphetamine ở liều cao sẽ có được ảo giác giúp học tập, lao động, thậm chí hoạt động tình dục ở cường độ cao liên tục trong hàng tuần, thậm chí hàng tháng trời. Tuy nhiên, sau phút giây “tỉnh táo” thì hệ thần kinh của người dùng thuốc này luôn bị tàn phá khủng khiếp.
Bác sĩ Dũng từng tiếp nhận một bệnh nhân nam 18 tuổi trong trạng thái khỏa thân, luôn miệng hò hét và đập phá phách mọi đồ vật. Muốn chắc suất đỗ đại học, H ôn thi hai khối để thi vào hai trường đại học ở Hà Nội. Nghe bạn bè giới thiệu, H đã dùng Amphetamine để có thể thức đêm ôn thi. Sau 2 tuần thức không thấy mệt, H bỗng cởi bỏ quần áo và chạy lang thang ngoài đường. Bất lực trong việc khống chế H, gia đình phải nhờ Cảnh sát 113 đưa con đến bệnh viện.
Tháng 3 vừa qua, một nam sinh viên tên L, 23 tuổi, ở Hà Nội, cũng nhập viện trong tình trạng tinh thần hoảng loạn. Gia đình chỉ biết L đã dùng Amphetamine để ôn thi, sau đó cứ thấy người khác giới là cởi quần áo, đòi... quan hệ tình dục. Có lần giữa đêm hôm, L trốn nhà, trèo lên cầu Thăng Long, vừa khóc vừa giơ quần áo vẫy vẫy để... hướng dẫn cho tàu thuyền qua lại.
Khuyến cáo từ bác sĩ
TS.Ngô Thanh Hồi, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương, đưa ra lời khuyên: Để có tâm lý ổn định trong mùa thi, học sinh, sinh viên cần có phương pháp học tập, ôn tập thật hợp lý. Việc tự đặt mình vào thế khó, buộc phải đạt điểm cao ở những môn học không thuộc sở trường chỉ khiến thần kinh bị căng thẳng, gây rối loạn tâm lý, giảm trí nhớ, thậm chí mất trí nhớ.
“Vai trò của gia đình trong thời gian các sĩ tử ôn thi là cực kỳ quan trọng”, TS.Hồi nói. Các nghiên cứu tâm lý cho thấy, sự khuyến khích động viên sẽ giúp các em cảm thấy tự tin, thoải mái tinh thần, ngược lại, thái độ áp đặt, ra điều kiện hoặc răn đe sẽ khiến sĩ tử căng thẳng không đáng có.
Còn theo PGS.TS Trần Hữu Bình, Trưởng phòng Điều trị nghiện chất, nguyên Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, để tránh bị “tẩu hỏa nhập ma”, xen kẽ giữa quá trình ôn thi, người học nên có những phút chợp mắt hoặc nghe nhạc; cần kết hợp giữa học tập với các hoạt động thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe đạp, nhảy dây, bơi lội...
Yếu tố môi trường cũng có tác động rất lớn đến tâm lý học tập, nếu ở nhà quá ồn ào thì nên tìm những chỗ yên lặng hơn như thư viện, thậm chí chùa chiền, công viên để học. Trường hợp sĩ tử có các biểu hiện như mất ngủ kéo dài, ánh mắt thất thần, kêu nhức đầu, tính tình thay đổi, hành vi kỳ quặc..., gia đình phải “xếp bút nghiên” để đưa con em nhập viện thăm khám, điều trị.
Ngoài việc không được dùng các “biện pháp tâm linh” như nhờ thầy cúng, dùng bùa ngải, gia đình tuyệt đối không nên tự ý mua các loại thuốc “tỉnh táo” như Amphetamine hoặc thuốc “bổ não” như Citicholin, Piracetam, Glyceryl phosphorylcholin cho con em mình vì các thuốc này hoàn toàn không có tác dụng tăng cường trí nhớ nhưng mặt trái thì rất khủng khiếp.
Thu Hồng