Trồng, kinh doanh cây cảnh không chỉ là một thú chơi tao nhã của những gia đình có điều kiện mà còn là một nghề hái ra tiền của nhiều gia đình. Vì thế, từ lâu đã hình thành một thị trường cây cảnh sôi động không kém thị trường bất động sản.
Những cây cảnh bạc tỷ. |
Thời gian qua, việc sản xuất, mua bán cây cảnh vẫn còn khá tự do và thiếu bàn tay quản lý của nhà nước. Đã có cả các loại cây cảnh có nguồn gốc từ rừng được mua bán khá tự do; thậm chí, có những cây rừng khá lớn được “bứng” về trồng trong vườn làm… đại cảnh sau đó được rao bán với giá hàng chục, thậm chí là hàng trăm triệu đồng mà hầu như không chịu một sự quản lý nào từ phía Nhà nước.
Ngày 5/10 vừa qua, Thủ tướng đã ký Quyết định 39/QĐ-TTg ban hành Quy chế quản lý cây cảnh, cây bóng mát và cây cổ thụ - văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên về quản lý việc vận chuyển, kinh doanh cây cảnh, cây bóng mát và cây cổ thụ.
Sự ra đời của quy chế này không chỉ là sự tăng cường quản lý nhà nước đối với một loại lâm sản khá đặc biệt để tránh việc “triệt hạ” rừng làm cây “đại cảnh” như thời gian vừa qua. Luật sư Nguyễn Hữu Cường, Phó Chủ nhiệm ĐLS tỉnh Lạng Sơn trao đổi thêm về nội dung Quy chế này:
- Theo Luật sư, việc ban hành Quy chế quản lý cây cảnh, cây bóng mát và cây cổ thụ nhằm những mục đích gì?
- Theo Điều 1 của Quy chế thì Quy chế này được ban hành để quản lý việc vận chuyển, cất giữ và kinh doanh cây cảnh, kể cả các loại cây cảnh được nhập khẩu, tạm nhập tái xuất hay chuyển khẩu.
Với mục đích như trên, trong Quy chế có ban hành các quy định cụ thể của việc quản lý, như: cơ quan quản lý, thủ tục quản lý đối với các loại cây cảnh, cây bóng mát và cây cổ thụ có nguồn gốc do trồng, khai thác từ rừng tự nhiên hoặc là nhập khẩu. Tôi thấy, thủ tục quản lý mà Quy chế quy định chủ yếu là buộc các chủ sở hữu, người vận chuyển và cất giữ cây cảnh phải lập hồ sơ cây và khai báo với cơquan quản lý về số lượng, chủng loại, kích thước của cây.
- Ông đánh giá như thế nào về vai trò của Quy chế này đối với việc sản xuất, kinh doanh các loại cây cảnh?
- Tôi cho rằng, việc ban hành Quy chế quản lý cây cảnh, cây bóng mát và cây cổ thụ là rất cần thiết đối với một loại sản phẩm hàng hóa khá đặc biệt như cây cảnh. Đây là sản phẩm hàng hóa vừa có tính chất là lâm sản, vừa có tính chất nông sản lại là một loại hàng hóa mang tính nghệ thuật. Việc quản lý tốt hơn đối với mặt hàng này một phần góp phần bảo vệ rừng, tránh tình trạng khai thác rừng bừa bãi để làm cây cảnh, nhưng quan trọng hơn là từng bước đưa việc quản lý, kinh doanh cây cảnh vào nề nếp.
Hiện việc sản xuất, kinh doanh cây cảnh khá tự do. Ngoài các DN sản xuất, kinh doanh cây cảnh và dịch vụ cây cảnh được quản lý thông qua hệ thống quản lý DN như đăng ký kinh doanh và thuế thì các hộ nông dân sản xuất cây cảnh hoặc những cá nhân sở hữu cây cảnh hầu như không chịu sự quản lý nào từ phía Nhà nước.
Do thiếu quy chế quản lý nên có hiện tượng phá rừng để “bứng” đại thụ về làm đại cảnh trong thời kỳ mà các “đại gia” thích chơi “đại cảnh”. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng không kiểm soát được nhiều hoạt động kinh doanh cây cảnh khác dẫn đến tình trạng nhiều cá nhân, hộ gia đình hoạt động kinh doanh nhưng không đăng ký.
- Theo ông, với việc ban hành Quy chế này thì Nhà nước sẽ khuyến khích hay hạn chế việc kinh doanh các loại cây cảnh?
- Quy định trong Quy chế quản lý cây cảnh không hạn chế đối với loại hình sản xuất, kinh doanh mặt hàng này và cũng không hạn chế thú chơi tao nhã của người dân. Ngược lại, với việc quy định tăng cường việc quản lý càng giúp cho người sở hữu cây cảnh an tâm hơn vì ngoài chiếm hữu thực tế đối với cây, các cá nhân này còn chứng minh quyền sở hữu tài sản bằng các giấy tờ đăng ký, kê khai sở hữu cây với cơ quan nhà nước.
- Xin cảm ơn ông!
Bình Minh (thực hiện)