Sau lũ, nhiều người dân bị rắn lục đuôi đỏ tấn công

Bà T. với cánh tay sưng phồng do rắn cắn.
Bà T. với cánh tay sưng phồng do rắn cắn.
(PLO) -Theo thống kê của Phòng Kế hoạch tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, từ giữa tháng 12/2016 đến nay đã có hơn 30 ca bệnh nhập viện vì rắn cắn. Tất cả đều bị rắn lục đuôi đỏ cắn, có nhiều ca nặng có nguy cơ tử vong. 

Nhiều người bị rắn cắn

Bác sĩ Võ Bảo Dũng - Trưởng khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, cho biết: “Những bệnh nhân này nhập viện trong tình trạng sưng, phồng rộp vết cắn, rối loạn đông máu. Ngay khi nhận bệnh, chúng tôi đã điều trị khẩn cấp bằng cách tiêm huyết thanh kháng nọc rắn kết hợp với các điều trị chống rối loạn đông máu”.

Tại khoa Nội tổng hợp, một trong những nạn nhân nặng nhất là bà Nguyễn Thị T. (52 tuổi, ngụ xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước). Bà T. cho biết, cách đây 7 ngày, trong lúc đang lui cui dọn dẹp nhà cửa bị ngập sau lũ, bà lấy tay đưa vào gầm giường quét dọn thì đụng phải rắn lục đuôi đỏ và bị cắn. 

“Một số người dân ở gần nhà tôi cũng bị rắn lục đuôi đỏ cắn do dọn dẹp sau lũ lụt. Sau khi bị rắn cắn, tôi đã tự sơ cứu bằng cách buộc chặt phần tay rồi đi viện. Đến nay, cánh tay trái của tôi vẫn còn sưng phồng, chảy mủ vì vết cắn khá nặng”, bà T. cho biết.

Trong khi đó, chị Lê Thị Phụ (42 tuổi, ngụ xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân) đang mang bầu và chỉ còn vài tuần nữa là hạ sinh. Nhưng ngày 30/12 vừa qua, sau khi nước lũ rút, chị xuống nhà bếp để nấu cháo cho lợn thì chẳng may bị rắn lục đuôi đỏ cắn vào chân phải gây bầm tím, sưng to. 

“Lúc vợ bị rắn cắn, tôi đang làm thuê ở TP.Hồ Chí Minh nghe tin mới tức tốc về. Do vợ tôi sắp đến ngày sinh nên vợ chồng tôi rất lo lắng, không biết ảnh hưởng gì tới thai nhi không nữa”, anh Phùng Ngọc Dũng (45 tuổi, chồng chị Phụ) lo sợ.

Chân phải chị Phụ bị sưng to vì rắn cắn.
Chân phải chị Phụ bị sưng to vì rắn cắn. 

Một trường hợp khác là anh Nguyễn Văn H. (41 tuổi, ngụ thị trấn Phù Mỹ, huyện Phù Mỹ) bị rắn lục đuôi đỏ cắn khi đang dọn dẹp trong kho hàng tại TP.Quy Nhơn. Do chủ quan, anh không đến cơ sở y tế mà qua ngày hôm sau, khi bị sốt cao đột ngột mới đi thăm khám. Hiện tại, vết cắn ở chân anh còn khá nặng. 

Nguyên nhân do lũ

Theo bác sĩ Dũng: “Do lũ lụt, nước ngập hang nên có cả trường hợp rắn bò vào nhà dân để cắn người. Nhiều trường hợp được đưa đến bệnh viện trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, chúng tôi cố gắng hết sức chữa trị nên tất cả đều đã qua cơn nguy kịch”, bác sĩ Dũng cho biết.

Về rắn lục đuôi đỏ, bác sĩ Dũng cho hay, đây là loài cực độc trong số các loại rắn lục, mình xanh và đuôi có màu nâu đỏ, chiều dài khoảng 60cm. Các trận lũ liên tiếp làm rắn lục đuôi đỏ gặp điều kiện thuận lợi, nguồn thức ăn dồi dào đã kích thích chúng sinh sản nhiều bất thường.

Thị lực của rắn lục rất tốt vào ban đêm nhưng ngược lại vào ban ngày. Do vậy, chúng thường không chủ động cắn người, người dân bị rắn cắn đa phần là do vô tình dẫm hay đụng phải rắn. Vì thế người dân vùng lũ khi dọn dẹp nhà cửa nên đi ủng, mang bao tay đề phòng rắn cắn.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề vệ sinh của người dân sau lũ, ông Hoàng Phi Long - Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, cho biết: “Hiện nay, để phòng tránh bệnh tật cho người dân sau lũ chúng tôi đã chỉ đạo ngành y tế dọn dẹp vệ sinh, giếng nước. Chúng tôi cũng khuyến cáo người dân trên địa bàn cần chủ động phòng chống rắn lục đuôi đỏ”.

Anh H. bị cắn ở chân khá nặng.
Anh H. bị cắn ở chân khá nặng.

Hậu quả và cách xử trí

Theo bác sĩ Dũng, tùy vào lượng nọc độc khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn có thể gây hậu quả từ nhẹ đến nặng. Nặng thì bị rối loạn đông, chảy máu kéo dài dẫn đến hiện tượng đông máu rải rác trong hệ thống mạch máu và có nguy cơ tử vong. Ở mức trung bình thì có thể chảy máu, hoại tử vùng bị cắn, có khi phải cắt bỏ ngón chi bị hoại tử. Nếu nhẹ thì bị sưng nề, đau nhức vết cắn và các vùng xung quanh.

Bác sĩ Dũng cũng lưu ý, ngay sau khi bị rắn lục đuôi đỏ tấn công, nếu chỗ bị cắn chảy máu thì cần băng ép lên vết thương, sau đó đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được dùng huyết thanh kháng nọc rắn càng sớm càng tốt. 

Khi băng ép không nên buộc chặt vòng quanh chi (ga-rô) trên nơi có vết cắn vì có thể gây hoại tử chi nếu thời gian buộc kéo dài; nếu ga-rô thì phải đảm bảo mạch ở phía dưới còn bắt được (vẫn còn máu đến nhưng hạn chế máu đi từ vết cắn về tim). 

“Nọc độc rắn lục có chất gây chảy máu khó cầm, không nên cố rạch, xẻ rộng vết cắn để nặn máu, dễ dẫn đến chảy máu khó cầm”, bác sĩ Dũng nhấn mạnh.

Đọc thêm

Rước họa vì thói quen nhiều người hay làm

Bệnh nhân nhập viện vì uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
(PLVN) -  Liên tiếp trong thời gian gần đây, các bác sĩ tại các bệnh viện thường tiếp nhận nhiều trường hợp cấp cứu vì tự ý uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Điều đáng nói, nhiều người hiện nay tự ý sử dụng các loại thuốc này để điều trị nhiều căn bệnh như: Viêm gan B, sỏi túi mật….

Không dễ dãi với mặt hàng đặc thù liên quan sức khỏe

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược (dự kiến được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2024), mới đây khi được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã được chỉ ra một số nội dung cần xem xét.

Tháng cao điểm an toàn thực phẩm: Địa phương phải kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm

Nhiều học sinh là nạn nhân ngộ độc do đồ ăn trước cổng trường. (Ảnh minh họa - Nguồn: SKĐS)
(PLVN) - Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương kiên quyết xử lý nghiêm, đình chỉ hoạt động các cơ sở nếu không bảo đảm điều kiện, không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và cộng đồng...

Người phụ nữ có 2 bàng quang

Người phụ nữ có 2 bàng quang. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
(PLVN) - Các bác sĩ khoa Phẫu thuật tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E mới tiếp nhận và phẫu thuật thành công cho nữ bệnh nhân cao tuổi có 2 bàng quang.