Những sáng tạo trong nuôi trồng thuỷ sản không chỉ vinh danh ông là Vua tôm sú đất Bạc Liêu mà còn được ghi nhận là Điển hình tiên tiến trong công tác bảo vệ môi trường phát triển kinh tế bền vững.
Sáng kiến của một lão nông
Gặp Ông Võ Hồng Ngoãn 2 lần tại Hà Nội trong buổi lễ vinh danh: Giải thưởng thuỷ sản vàng và Điển hình tiên tiến về bảo vệ môi trường, tôi tò mò muốn tìm hiều về những nỗ lực của ông?
Năm 2001, nghề nuôi tôm sú thất bát tại các tỉnh: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, tôm chết nhiều do dịch bệnh, nhưng với ông Sáu (tên thân mật) đó là thời điểm để khởi nghiệp. Với số vốn ban đầu là 70 triệu đồng, ông đầu tư 3ha vuông đất vào nuôi tôm.
Ông Võ Hồng Ngoãn |
Vụ đầu tiên, năm 2001 đã mang lại cho ông 120 triệu đồng tiền lãi. Vụ thứ hai, ông đầu từ vốn và diện tích nhiều hơn nhưng số tiền thu lại chỉ hoà vốn, do tôm bệnh dịch chết. Quy trình nuôi tôm những vụ sau cứ lâm vào điệp khúc được – mất thất thường. Trăn trở nhiều đêm, ông quyết định nhờ đến các kỹ sư thuỷ sản ở Bạc Liêu tư vấn và tìm hiểu thêm qua sách báo…, cuối cùng một mô hình nuôi tôm sú kiểu ông Sáu đã ra đời.
Thay vì nuôi theo mật độ dày truyền thống từ 25-30con/m2, ông chỉ nuôi với mật độ 7 - 9con/m2. Với 7ha nuôi tôm thưa, ông thu lời trên 1 tỷ đồng. Thấy mô hình nuôi thưa hiệu quả, ông Sáu Ngoãn đầu tư mở rộng quy mô lên 10ha, 25ha và đến nay là 50ha. Theo anh Nguyễn Mạnh Cường- Kỹ sư thuỷ sản, tỉnh Bạc Liêu phân tích: “Ưu điểm của mô hình nuôi thưa mà ông Sáu áp dụng là tỉ lệ hao hụt thấp, sản phẩm đạt chất lượng cao, ít bệnh, ít gây hại cho môi trường, ít sử dụng hóa chất và tạo ra tôm sú sạch”.
Với quy trình nuôi tôm sạch, năm 2007 dù giá tôm trên thị trường thấp, nhưng tôm sú của ông Sáu vẫn bán được 145 – 150.000 đồng/kg. Và trên diện tích nuôi 50ha năm đó ông thu lãi gần 5 tỷ đồng. Ông Sáu Ngoãn cho rằng: “Môi trường rất quan trọng trong nuôi trồng thủy sản. Giữ sạch môi trường nuôi thì ngành thuỷ sản mới tồn tại và phát triển. Phát triển thuỷ sản mà không lưu ý đến môi trường thì hiệu qủa sẽ không bền vững”.
Tôn trọng môi trường để phát triển bền vững
Mô hình nuôi tôm mật độ thấp của ông được các chuyên gia thủy sản và các nhà khoa học đồng tình ủng hộ. “Nhưng đấy chưa phải là điều ngạc nhiên nhất. Bởi những người làm thuỷ sản chúng tôi thực sự ngỡ ngàng khi ông Sáu ứng dụng thành công việc lấy ốc bươu vàng làm thức ăn cho tôm”, anh Cường kể.
Thực tế, giá thức ăn tăng cao khiến ông Sáu Ngoãn nghĩ đến việc thử cho tôm ăn ốc bươu vàng. Thấy được, ông mua về hàng tấn ốc bươu vàng cho tôm ăn trước sự bất ngờ của bà con trong vùng và cán bộ thủy sản. Ốc bươu vàng là loài vật gây hại cho lúa, thay vì dùng thuốc sâu để tiêu diệt, việc ông chủ trang trại tôm sử dụng ốc bươu vàng – một loại thức ăn tươi, giầu can xi và khoáng chất cho tôm sú thì quả là bách lợi .
Hơn nữa, trước đây bà con không dám cho tôm ăn ốc bươu vàng vì các công ty bán thức ăn khuyến cáo không nên dùng. Chỉ có ông Sáu là đi ngược với khuyến cáo, nhưng ông đã làm và thành công.
Chỉ tính riêng vụ nuôi tôm năm 2009, ông thu mua gần 300 tấn ốc bươu vàng cho tôm ăn. Do ốc bươu vàng giá thấp, mỗi kg ốc thịt chỉ 4.500 đồng, trong khi đó giá thức ăn công nghiệp trung bình từ 20.000 – 22.000 đồng/kg, chỉ tính việc sử dụng ốc bươu vàng thay thế thức ăn công nghiệp đã giảm chí phí hàng trăm triệu đồng. Đồng thời, ông còn gián tiếp tạo công ăn việc làm cho hàng trăm hộ nghèo có nguồn thu nhập khá nhờ bắt ốc bươu vàng.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm, trong một lần đi công tác Miền nam đã tới thăm trang trại và nhận xét: “Việc sử dụng ốc bươu vàng cho tôm sú ăn của ông Sáu là một sáng kiến hay, vừa ích nước, vừa lợi nhà và bảo vệ môi trường”.
Từ 3ha nuôi tôm ban đầu, giờ ông Sáu đã có một trang trại nuôi tôm hơn 50ha được quy hoạch, thiết kế bài bản, có hệ thống cấp, thoát nước riêng biệt, vận dụng dòng chảy của nước để đưa các lớp tảo lơ lửng ra ngoài mà không cần xử lý bằng hoá chất; kiểm tra nhiệt độ trong ao bằng nhiệt kế giúp điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp, giảm lãng phí, tránh ô nhiễm nguồn nước.
Nhận xét về ông chủ trại tôm, kỹ sư thuỷ sản Nguyễn Mạnh Cường nói: “Đấy là một nông dân biết học hỏi, lắng nghe, tìm ra cách làm mời và cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với mọi người”.
Trang trại ông Sáu lúc nào cũng đông như trẩy hội. Không chỉ người nuôi tôm, cán bộ lãnh đạo chuyên ngành thủy sản ở các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, mà các Viện, Trường Đại Học chuyên ngành Thủy sản ở các nước như: Thái Lan, Campuchia, Bangladesh… xuống tận vuông tôm của ông để học hỏi kinh nghiệm và được ông nhiệt tình hướng dẫn.
Niềm vui nối tiếp niềm vui, tháng 3 vừa qua trang trại của ông được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp chứng nhận thương hiệu độc quyền “Trang trại nuôi tôm sú sạch Sáu Ngoãn Việt Nam”. Và trung tuần tháng 11 năm 2010, ông được vinh danh là một trong 77 Điển hình tiên tiến toàn quốc về bảo vệ môi trường do Bộ Tài nguyên và môi trường xét tặng.
Việt Đức - Thu Hương