Thành công của chương trình vận động nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời; đưa quy định cấm quảng cáo các sản phẩm thay thế sữa mẹ cho trẻ dưới 24 tháng tuổi; đặc biệt là việc đề nghị tăng thời gian nghỉ thai sản của nữ lao động từ 4 lên 6 tháng là những tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra vô vàn ẩn số đối với các nữ lao động làm nông nghiệp.
Thiệt thòi… làm mẹ ở nông thôn
Khẳng định là thành công, nhưng TS. Nguyễn Hữu Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu về Gia đình và Giới - vẫn băn khoăn vì trong chương trình vận động nuôi con bằng sữa mẹ, mới chỉ quan tâm đến việc khuyến khích tất cả các bà mẹ đang nuôi con nhỏ cho con bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu, mà quên rằng, không ít trong số các bà mẹ đó không hề có sữa, không có đủ sữa cho con bú đủ 6 tháng, thậm chí không được cho con bú.
"Trong thời gian tới, Hội Liên hiệp phụ nữ VN sẽ tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức thực hiện và giám sát thực hiện Luật Quảng cáo và Nghị định 21/2006/NĐ-CP về việc kinh doanh, quảng cáo các sản phẩm thay thế sữa mẹ cho trẻ dưới 24 tháng tuổi; nghiên cứu, đề xuất chính sách cho phụ nữ nông thôn thực hiện chính sách thai sản hỗ trợ NCBSM hoàn toàn trong 6 tháng đầu; tham gia đề xuất đưa khám và điều trị suy dinh dưỡng trẻ nhỏ vào chương trình BHYT… ". (Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng Ban Gia đình – Xã hội, Hội LHPN VN) |
Chính bởi thế, theo TS. Hữu Minh, nên chăng phải tính đến những trường hợp nêu trên để có những nghiên cứu, cung cấp thức ăn bổ sung hợp lý đối với những đối tượng này.
Bên cạnh đó, theo ông Minh, dường như hiện nay chúng ta mới chỉ đề cập tới việc hỗ trợ chế độ thai sản cho đối tượng các nữ lao động ở thành phố, những nữ lao động ở nông thôn chưa được chú ý tới. Trong khi họ là thành phần dân cư chiếm phần lớn.
“Rơi vào tình huống không có sữa, phải sử dụng thức ăn bổ sung cho con nhưng không có tiền mua sữa, nếu như những bà mẹ ở nông thôn được tư vấn, hướng dẫn để biết cách bổ sung những thức ăn vừa đảm bảo dinh dưỡng, vừa an toàn và có sẵn ở đồng quê như cua, lươn, ốc, ếch và các loại rau, củ…, thì tốt biết bao” – ông nhấn mạnh.
Có một thực tế đáng buồn là, kết quả một nghiên cứu mới đây của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy, sau thiếu máu và sắt, số trẻ em thiếu kẽm (một chất có tác dụng làm tăng sức đề kháng, phòng chống tiêu chảy, suy dinh dưỡng) cũng rất lớn. Trong khi đó, kẽm lại không có tên trong danh mục thuốc thiết yếu được bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán.
Chính vì lẽ đó, bà Lê Bạch Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia- cho biết, Viện đang đề xuất với Bộ Y tế và Khoa dinh dưỡng các bệnh viện hỗ trợ xuất ăn cho trẻ suy dinh dưỡng (vì phần lớn các em đến từ các miền quê nghèo), đồng thời đề nghị cơ quan Bảo hiểm đưa đối tượng này vào diện được BHYT thanh toán. Tuy nhiên, vẫn chưa có sự thống nhất cao từ phía cơ quan này. Việc miễn phí xuất ăn cho trẻ điều trị suy dinh dưỡng cũng rất khó lòng thực hiện được ở các vùng xa xôi, khó khăn.
Chăm sóc tốt cho bà mẹ và trẻ em mới được coi là “làng văn hóa”?
Thực tế có tới trên 70% nữ lao động ở nông thôn không được thụ hưởng chế độ, chính sách về thai sản, đồng nghĩa với việc sẽ có ngần ấy đứa trẻ phải chịu thiệt thòi theo mẹ chúng. Vẫn biết rằng cần phải hướng tới việc bảo đảm chế độ thai sản và dinh dưỡng hợp lý cho các lao động nữ ở nông thôn, nhưng làm cách nào vẫn là bài toán chưa có lời giải.
Theo bà Lê Bạch Mai, có thể thực hiện bằng cách, hỗ trợ họ một khoản tiền khoảng 2 triệu đồng để nuôi con, mua quần áo sơ sinh…, vận động họ nghỉ lao động khoảng 2 tháng cho lại sức, đồng thời hướng dẫn chị em làm thế nào để vừa đi làm mà vẫn cho con bú được.
Để làm được điều này, không dễ dàng gì và cần phải có sự vào cuộc và giúp sức của chính quyền địa phương, đặc biệt là UBND xã và Hội Phụ nữ xã – bà Mai khẳng định. Nên chăng, theo bà Mai, phải đưa tiêu chí chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh vào chỉ tiêu để xét công nhận làng văn hóa. Trước hết, sẽ triển khai thực hiện tại các vùng đồng bằng, sau đó mới tiến hành nhân rộng ra các vùng sâu, xa…
Để làm được việc này, bà Cao Hồng Vân, GĐ Trung tâm Dinh dưỡng và Phát triển cho rằng, nên gắn hoạt động này với các hoạt động khác (xây dựng vùng nông thôn mới, xây dựng làng văn hóa, xóa đói giảm nghèo…). Thực tế, theo nhận xét của bà Vân, chúng ta đã có những chủ trương, chính sách rất tốt nhưng, để lao động nữ nông thôn được hưởng các chính sách này là một chặng đường rất dài bởi tỷ lệ nhóm này chiếm khá đông trong dân cư.
Chính vì thế, cùng với việc khuyến khích chính quyền địa phương vào cuộc, cần phải tiến hành nghiên cứu cụ thể và tính toán hợp lý để có sự hỗ trợ thích hợp và mang tính khả thi cao…
Đoan Trang