Mới đây, tại rạp hát Công nhân đã diễn ra vở kịch “18 tuổi” của đạo diễn Thái Kim Tùng. Vở diễn nằm trong dự án kịch học đường phục vụ học sinh và phụ huynh của rạp Công nhân, được kí kết giữa rạp này và một số trường học trên địa bàn TP HCM. Những buổi diễn đã thu hút đông đảo phụ huynh và học sinh đến xem.
Đây là một cách làm khá hay của một sân khấu. Nó giải quyết được cả hai vấn đề: đầu ra của sân khấu và tính thời sự, giáo dục hướng đến lớp trẻ, góp phần giải quyết bài toán giáo dục học đường đang cần sự chung tay của toàn xã hội.
Thực tế, mảng đề tài giáo dục học đường có rất nhiều chất liệu để khai thác. Đặc biệt, là những vấn đề nóng hổi đang
gây bức xúc dư luận vừa qua như vấn nạn bạo lực học đường, chạy điểm mua điểm cho đến việc quan hệ tình dục chốn học đường, lứa tuổi vị thành niên... Đó là những vấn đề nan giải đang thu hút sự quan tâm của không chỉ phụ huynh và những người làm giáo dục mà là cả xã hội. Nếu có thể khai thác hiệu quả những đề tài hay này, các vở kịch rất có thể nhận được sự quan tâm của đông đảo phụ huynh và học sinh. Thậm chí còn có thể trở thành một kênh hữu hiệu trong giáo dục học đường.
Không chỉ trong mảng đề tài về học đường. Hiện nay, các vấn đề bức xúc, thiết thực trong xã hội đầy rẫy và thu hút sự quan tâm của dư luận. Đây cũng chính là kho đề tài ngồn ngộn mà những người làm sân khấu có thể hướng đến.
Đó có thể là những câu chuyện về nạn ấu dâm và hậu quả kéo dài của nó đối với những nạn nhân trẻ con. Đó cũng có thể là chuyện giáo viên bạo hành trẻ, là sự ô nhiễm môi trường từ những hành vi phá hoại của con người, hay ném đá trên mạng xã hội có thể hủy diệt người ta như thế nào...Quá nhiều vấn đề mà chạm vào có thể làm nóng lên tâm trí của người xem. Khai thác được những điều này, những người làm sân khấu không chỉ lôi kéo được sự quan tâm của dư luận, hút khán giả đến rạp, mà còn có thể, bằng nghệ thuật và cách phản ánh tích cực, duyên dáng, góp phần chỉ mặt điểm tên những cái xấu, cái ác, lan tỏa những điều tốt đẹp trong xã hội.
Loay hoay phục dựng những vở diễn xưa, viết nên những câu chuyện tình diễm lệ lấy nước mắt khán giả hay dùng cái cười thu hút khách là mảng miếng “truyền thống” của sân khấu trước đến nay.
Tuy nhiên, nếu biết lấy chuyện xưa nói chuyện nay, nếu đem nước mắt dành cho những nỗi đau trong đời sống, đem tiếng cười chua cay chỉ trích những mặt tiêu cực của xã hội, thì kịch nói, thì sân khấu mới không xa rời đời sống, đi vào những vấn đề thiết thực của xã hội, và khiến khán giả lựa chọn như một kênh giải trí mang tiếng nói của thời đại.