Dịp cuối năm này, qua 4 cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Cốc Nam và Chi Ma, mỗi ngày hàng lậu vẫn “ùn ùn” qua biên giới và tuồn sâu vào nội địa, bất chấp những nỗ lực ráo riết của lực lượng chức năng. Và xem ra, cuộc chiến chống buôn lậu trên biên giới Lạng Sơn những ngày cuối năm vẫn chưa có hồi kết.
Chúng tôi có mặt tại Chốt 424 thuộc địa bàn quản lý của Đồn Biên phòng Cửa khẩu (BPCK) Chi Ma một ngày cuối tháng 12 lúc nửa đêm để “mục sở thị” cảnh săn buôn lậu của những người lính Biên phòng.
Gọi là chốt nhưng đây chỉ là một mái lều nhỏ diện tích chỉ vài mét vuông, những tấm bạt cũ đã bạc phếch theo thời gian, rách lỗ chỗ vì mưa gió. Hơn chục năm nay, tại các chốt nhỏ này, chưa phút nào vắng bóng người lính biên phòng.
Những chiến binh “mình đồng da sắt”
Những năm gần đây, cửa khẩu Chi Ma, huyện Lộc Bình khá vắng vẻ, quạnh hiu. Tuy nhiên, ẩn sau những khe đồi, bụi lau im lìm khu vực quanh cửa khẩu, nạn buôn lậu vẫn âm thầm diễn ra từng ngày và chưa khi nào hết “nóng”.
Trời tối đen như mực. Bữa cơm tối của anh em trên chốt được dọn ra chóng vánh khi đồng hồ đã điểm 10 giờ đêm. Chốt trưởng chốt 424, Thiếu tá Trần Quang Hải lệnh cho anh em triển khai phương án “tác chiến” nhanh, gọn để thực thi nhiệm vụ. Những ngày này, các anh phải thường trực 24/24 giờ, cơm cũng chỉ tranh thủ ăn trong vài phút.
Vừa dứt bữa cơm tối qua loa cũng là lúc nhận được tin nóng “hàng” đang về, lập tức Thiếu tá Hải lệnh anh em lên đường. Con đường rẽ vào thôn Bản Thín, xã Tú Mịch đá lởm chởm, gấp khúc, sâu hun hút. Sương rơi mỗi lúc một nhiều, chả mấy chốc bóng tối đã bao trùm lên khe núi.
Chúng tôi nhập vào Đội công tác của Đồn Chi Ma, lặng lẽ tiến sâu vào nội địa.
Mặc dù đã có nhiều kinh nghiệm trong việc leo núi nhưng phía trước là dãy núi dựng đứng, đường chỉ là đường mở, đá lởm chởm, trơn trượt, nên leo được 3 – 4km, tôi và anh bạn đã hụt hơi, bị tụt lùi xa đội hình cả trăm mét.
Sợ cách xa đội hình quá dễ bị lộ, tôi động viên anh bạn cố gắng gồng mình bò lên đỉnh núi theo đoàn.
Trên đường đi, tôi quan sát có vô số đường tự mở dọc khu đường biên này, rất nhiều dấu chân người giẫm đạp khiến cây dại, cỏ lau đổ rạp, chết khô. Dưới chân núi là chằng chịt các con đường mòn, hàng đã được đóng thành từng bao, mỗi chủ xếp thành một đống. Chỉ một đoạn đường biên, tôi đếm được có đến hàng chục đống hàng xếp dọc khu vực này.
Tôi bắt đầu cảm nhận được cái lạnh thấu xương nơi rừng núi. Sau khi rời chốt khoảng 50m, chúng tôi nghe rõ tiếng người lao xao từ trên núi đi xuống, phát hiện hàng chục cửu vạn, cả đàn ông, phụ nữ, trên người không có hàng. Thiếu tá Hải quay lại bảo, có thể “chim lợn” đã “đánh hơi” thấy BĐBP nên cửu vạn về người không, tránh bị “tóm”.
Con đường lên chốt nhỏ như đường chuột chạy, dốc dựng đứng, đá lởm chởm, hôm đó trời mưa phùn nên đường trơn như đổ mỡ, mặc dù đã được “trang bị” đầy đủ mũ áo, giày bộ đội nhưng tôi vẫn nhiều lần “vồ ếch”...
Đi cùng đoàn phục kích buôn lậu đêm đó còn có Thiếu tá Vi Văn Cẩn, Chính trị viên phó Đồn BPCK Chi Ma. Anh cho biết, “trực chiến” đêm nay tại chốt 424 có 3 người, trong đó có một đồng chí tăng cường từ Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh.
Thiếu tá Cẩn “khoe”: “Cách đây 30 phút, anh em đi tuần phát hiện ra 2 người đang gùi hàng xuống núi. Khi phát hiện lực lượng tuần tra, ngay lập tức họ đã bỏ chạy, để lại toàn bộ số hàng là quần áo rét, chăn, màn”.
Cũng do khối lượng công việc nhiều nên dịp này, BĐBP tỉnh phải tăng cường cán bộ từ Bộ Chỉ huy xuống các đồn, trạm, chốt để thực hiện nhiệm vụ. Thiếu tá Vi Văn Cẩn chia sẻ: “Trên này có đêm nhiệt độ xuống tới 1 - 2 độ C, lạnh cắt da cắt thịt, anh em phải đốt lửa để chống lại cái rét. Nhưng khổ nhất là việc sinh hoạt.
Ngày nắng ráo còn đỡ, chứ mưa thế này có khi ăn mì tôm cả tuần. Vì để nấu cơm mang lên lán trực phải mất 2,5 giờ đồng hồ. Nước đánh răng, rửa mặt cũng phải tiết kiệm, sử dụng quay vòng, còn tắm là một việc rất xa xỉ, vì ngày thường anh em phải cõng nước lên mới có mà dùng”.
Tôi chợt nhận ra, khó khăn đối với các anh là vô vàn, nhưng với người lính Bộ đội Cụ Hồ, thi hành nhiệm vụ luôn là mệnh lệnh hàng đầu và trên hết.
Trung úy Võ Đình Đức Thọ, Trạm phó Trạm KSBP Tân Thanh trao đổi nghiệp vụ với đồng đội trước khi phục kích buôn lậu |
Rời khu vực cửa khẩu Chi Ma, huyện Lộc Bình, chúng tôi tiếp tục đi dọc tuyến đường thị trấn Đồng Đăng. Nhìn từ xa, dòng người nườm nượp vận chuyển hàng trên các đường mòn. Trên tuyến đường Đồng Đăng, chúng tôi đếm được hàng trăm xe ô tô, xe máy chở hàng lậu cao ngất lao vun vút trên đường hướng về bến xe Đồng Đăng và ga Đồng Đăng.
Ngoài ra, sau khi chuyển hàng từ các kho ở biên giới, bọn buôn lậu chuyển hàng về các kho rải rác bố trí ở khắp thị trấn Đồng Đăng.
Tại khu vực biên giới xung quanh cửa khẩu Tân Thanh cũng sôi động không kém. Hai bên cánh gà cửa khẩu và dọc sườn núi, các cửu vạn cũng hối hả vận chuyển hàng lậu xuống núi. Khi đến địa điểm tập kết ở sườn núi, cạnh các đường mòn, những chiếc xe chở hàng lậu, sau khi “ăn hàng” ào ào ra đường chính hướng về thành phố Lạng Sơn.
Thiếu tá Lều Minh Tiến, Phó Ðồn trưởng Đồn BPCK Tân Thanh cho biết, khu vực cửa khẩu Tân Thanh là một trong những địa bàn phức tạp, với hơn 13,4km đường biên, có nhiều đường mòn, lối tắt rất thuận tiện cho việc qua lại biên giới giữa hai nước.
Vì vậy, đồn được cấp trên tăng cường bổ sung quân số từ các đồn khác, đồng thời chỉ đạo lập hơn 30 lán trại, bố trí lực lượng chốt chặn 24/24 giờ, mỗi lán trại thường trực quân số từ 3 đến 10 người tại các điểm nóng, dọc biên giới do đồn quản lý để ngăn chặn hoạt động vượt biên trái phép và vận chuyển hàng lậu.
Ngoài ra, tỉnh Lạng Sơn cùng BĐBP tỉnh đã xây dựng hàng rào dây thép gai ở 57 điểm để bịt các lối vận chuyển hàng lậu. Tuy nhiên, lực lượng chống đỡ với buôn lậu dịp cuối năm cũng chỉ như “đá ném ao bèo”.
Lạng Sơn từ trước đến nay luôn là “chảo lửa” của tình trạng buôn lậu khu vực biên giới phía Bắc. Mỗi ngày có đến hàng nghìn lượt người vượt biên trái phép qua Trung Quốc để vận chuyển hàng lậu về Việt Nam bằng các loại đường mòn, lối tắt.
Chỉ cần vượt qua khỏi đường biên chưa đầy 10 phút, hàng đã vào đến thị trấn Ðồng Ðăng, nên nơi đây thường được ví là cái “rốn” của hàng lậu.
Một đường mòn dân buôn lậu tự mở đã bị các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng phát hiện và rào kín để tránh mang vác hàng lậu qua biên giới |
Lúc này, hai bên đường và dưới chân núi đã có đội ngũ xe ôm, ô-tô “con cóc” chờ sẵn, tiếp ứng kịp thời, chất hàng lên xe phóng thẳng về các kho tạm ở thị xã Ðồng Ðăng, Tân Thanh, làng xóm sát biên...
Từ đó, hàng được gom lại và chuyển về sâu trong nội địa để tiêu thụ.
Trung úy Võ Đình Đức Thọ, Trạm phó Trạm BPCK Tân Thanh cho biết, để bắt được một gùi hàng không hề đơn giản. Bởi hầu hết dân “cửu” rất khỏe, nhiều kinh nghiệm đi núi, mặc dù gùi trên lưng tới 50 - 70kg nhưng họ vẫn đi băng băng, lẩn vào trong rừng mà không cần đèn pin.
Có khi nhìn thấy họ đi trước mặt, chỉ cách khoảng 15 - 20m, nhưng vẫn không tài nào đuổi theo kịp họ. Có lúc bắt được họ rồi, nhưng việc gùi hàng xuống núi cũng không dễ.
“Bắt hàng lậu, nhất là bắt về ban đêm khó khăn vô cùng, nếu lực lượng mỏng, họ sẵn sàng lao vào cướp lại hàng. Để cướp hàng, những “cửu” nữ đã áp sát các chiến sĩ biên phòng rồi cùng nhau lao vào ôm ghì lấy, có lần họ còn la lên bảo cán bộ đánh, ức hiếp phụ nữ… gây sự chú ý để các đối tượng khác cướp hàng.
Thậm chí có lần chúng tôi còn bị “cửu” nữ lao vào ôm, bóp hạ bộ. Chỉ cần với “độc chiêu” này, cửu nữ đã “làm khó” lính biên phòng - Trung úy Thọ chia sẻ.
(Còn tiếp)