Sử dụng giấy để lau mặt, lau chén bắt… trước khi ăn đã trở thành thói quen với đại bộ phận người dân. Hầu hết quán xá, và trong gia đình ai cũng đều sử dụng một vài loại giấy lau, nhưng ít có ai phân biệt được đâu là giấy ăn, đâu là giấy vệ sinh nên cứ… "lau đại".
Điều đáng nói hơn là ít người nhận thức được sự độc hại, những bệnh tật nguy hiểm tiềm tàng rình rập từ những loại giấy lau kém chất lượng.
Rất nhiều chất độc hại trong giấy lau
Việt Nam hiện có trên 400 hiệu giấy tiêu dùng khác nhau. Với sự đa dạng như trên, chất lượng mức độ an toàn với sức khỏe của các sản phẩm này cũng khác nhau. Có những nguồn sản phẩm được sản xuất từ dây chuyền cũ kỹ lạc hậu, nguồn nguyên liệu không đảm bảo, kỹ thuật xử lý, tái chế rất cẩu thả nên dư lượng hóa chất, chất bẩn và vi khuẩn rất cao. Các loại giấy thiếu an toàn này có khả năng gây dị ứng, tổn thương, tiêu chảy…, đặc biệt với trẻ em, người sức khỏe yếu.
Xưa nay, người tiêu dùng ngộ nhận là giấy càng trắng thì càng sạch. Thực tế, có nhiều loại giấy rất trắng do được sử dụng chất tẩy cực mạnh còn tồn tại rất nhiều hóa chất có thể gây dị ứng cho da, tiêu hóa và những nguy cơ khác.
Rất nhiều ý kiến nhấn mạnh cần kíp phải ban hành quy chuẩn về chất lượng giấy lau. |
Phát biểu trong buổi Hội thảo “Thị trường giấy tiêu dùng, thực trạng và những nguy cơ bị bỏ ngỏ” diễn ra sáng 23/11 tại TP HCM, Tiến sĩ Vũ Quốc Bảo, Tổng Thư ký Hiệp hội giấy và bột giấy Việt Nam cho rằng: Hiện chưa có công nghệ thay thế để không sử dụng clor trong việc tẩy trắng giấy. Khi sản xuất, các chất thơm và phenol có trong quá trình sản xuất giấy bị clor hóa tạo ra chất Policlobiphenyl rất độc hại đối với sức khỏe con người.
Việc người dân có thói quen sử dụng giấy chưa được kiểm soát độc chất để lau tay, miệng hay thậm chí lau chùi bát đĩa trước khi ăn uống sẽ bị ảnh hưởng bởi các loại chất này. “Nói thật, mỗi lần đi ăn uống tôi không dám dùng giấy để lau bát đũa và miệng vì sợ…”.
Phó Giáo sư, tiến sĩ Lê Văn Cát, Phòng Hóa môi trường, Viện Hóa học khẳng định: Nếu xử lý đúng quy trình, lượng xút và javen trong giấy ăn thành phẩm thì hầu như không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên nếu vượt quá mức cho phép, lượng hóa chất tồn dư có thể gây kích ứng da và trở thành “ổ” bệnh về đường tiêu hóa như tiêu chảy, rộp môi… đối với người mẫn cảm.
Chung quản điểm trên, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Mai, nguyên Viện phó Viện Vệ sinh y tế cộng đồng nhấn mạnh: Bụi giấy ở những loại giấy lau kém chất lượng sẽ xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp, hóa chất chống ẩm và màu công nghiệp khi tiếp xúc với da có thể gây dị ứng khi kết hợp với sự bài tiết của mồ hôi. Nguy hiểm hơn, khi dùng giấy lau miệng, những hóa chất này sẽ xâm nhập vào cơ thể, về lâu dài có thể gây ung thư…
Theo các chuyên gia, để hạn chế nhiễm chất độc này, trước hết cần thay đổi ý thức của người dân trong việc sử dụng giấy lau và không nên dùng loại giấy tái chế, kém chất lượng. Nên dùng khăn ăn thay thế cho khăn giấy, bát đũa nên rửa sạch, phơi khô trước khi ăn. Giấy vệ sinh nên mua các loại giấy mịn, chất lượng cao và đã được kiểm soát độc chất…
Người tiêu dùng cần được bảo vệ nghiêm
Được biết, việc sản xuất giấy ăn chỉ có thể sử dụng nguyên liệu được lấy từ các nguồn như gỗ, trúc, các loại cỏ… Thế nhưng, hiện nay, người tiêu dùng vẫn cứ hay đánh đồng với loại giấy vệ sinh “ba trong một” được sản xuất từ các nguồn từ giấy phế phẩm văn phòng cho đến giấy thu gom từ các chợ, bãi rác...
Việc sử dụng các nguồn nguyên liệu kém chất lượng cộng với việc sử dụng hóa chất vô tội vạ để làm trắng và mềm giấy, bất chấp hậu quả cho sức khỏe người sử dụng và cả môi trường, chính là vi phạm pháp luật.
Đó là chưa nói đến các loại giấy vệ sinh kém chất lượng đang được làm giả, làm nhái không chỉ lừa dối và làm tổn hại sức khỏe người tiêu dùng, mà còn gây thiệt hại cho uy tín của thương hiệu và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, làm xáo trộn môi trường kinh oanh, làm cản trở sự phát triển nền kinh tế của đất nước. Luật gia Phan Thị Việt Thu, Tổng thư ký Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP HCM nhấn mạnh.
Bà Thu cho biết thêm: Chúng tôi luôn sẵn sàng tiếp nhận những khiếu nại của người tiêu dùng về lĩnh vực này. Xưa nay chúng tôi chưa thấy có người tiêu dùng nào khiếu nại về vấn đề này cả. Có phải vì nó nhỏ quá hay vì người dân của mình còn chưa mạnh dạn? Dù giá trị của giấy vệ sinh không cao, nhưng nếu chúng kém chất lượng thì người tiêu dùng cần tẩy chay, vì nó rất độc hại với sức khỏe của chính mình về lâu về dài.
Về mặt pháp lý, các chuyên gia đề xuất Nhà nước cần có biện pháp giải quyết triệt để như phải ấn định rõ ràng tiêu chuẩn sản xuất các loại giấy để làm cơ sở kiểm tra chất lượng, vì hiện nay chưa có tiểu chuẩn nào.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần theo dõi, kiểm soát quá trình làm ra giấy vệ sinh và giấy ăn của các cơ sở sản xuất, nhất là với các cơ sở thủ công, từ khâu nguyên liệu, mức độ sử dụng hóa chất an toàn và cả hệ thống xử lý nước thải để tránh gây ô nhiễm môi trường.
Các sản phẩm giấy vệ sinh và giấy ăn phải được đưa vào danh sách kiểm tra thường xuyên của các đơn vị quản lý thị trường, chứ không bỏ ngõ như hiện nay… Ngoài ra, Cục an toàn vệ sinh thực phẩm cũng cần có biện pháp cấm các cửa hàng ăn uống sử dụng giấy vệ sinh kém chất lượng để cho khách lau tay, bắt đĩa, miệng…
Ngọc Quý