Rồi chúng ta sẽ vượt qua…

Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam TS Vũ Hoài Nam thăm hỏi, chia sẻ với người dân Làng Nủ.
Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam TS Vũ Hoài Nam thăm hỏi, chia sẻ với người dân Làng Nủ.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Ngay sau khi những thông tin bão lũ, sạt lở dồn dập đưa về từ các tỉnh miền núi phía Bắc, chỉ trong hai ngày vừa kêu gọi, vừa chuẩn bị, những người làm báo Pháp luật Việt Nam đã lên đường tới tâm lũ. Đợt 1 với 1.000 suất quà trao tận tay đồng bào bị thiệt hại nặng nề tại Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng và đợt 2 tại Bắc Kạn, Tuyên Quang…

“Hơn 40 năm qua, chúng tôi mới gặp một trận lũ kinh hoàng như vậy”

Ngày 12/9, những tấn hàng hóa từ miền Nam, từ các đơn vị chung tay vì đồng bào được đưa về, tất cả anh chị em báo Pháp luật Việt Nam tại Hà Nội đã cùng nhau đóng gói, chia thuốc men, xà phòng, lương khô, gạo, mì, nước, sữa, xà phòng… hơn 10 món hàng vào một túi quà cùng tiền mặt… 1.000 túi hàng được đóng gói công phu, trân trọng từng suất để trao cho bà con.

Mỗi người một việc, cũng như người dân cả nước đều nóng lòng hướng về nơi bà con đang vật lộn với nỗi đau, mất mát nhà cửa, người thân, nơi người dân đang dọn dẹp bùn lầy sau trận “đại hồng thủy” chưa từng có nhiều năm qua…

Ngày 13/9, Đoàn công tác đặc biệt của Báo xuất phát khi những nỗi lo về nguy cơ sạt lở vẫn còn rình rập, nhưng không một ai nao núng tinh thần. Thế rồi, ngay khi đến thành phố Yên Bái, chúng tôi đã gặp các anh chị vừa trải qua những ngày mà đồ đạc, nhà cửa, đường sá chìm trong nước. Đó là những ngày nước ngập kín tầng một, hoặc nhà ngay khu sạt lở phải đi sơ tán…

Các anh chị tại Sở Tư pháp cho biết, khi nước rút, các nhà đều đã tranh thủ đẩy bùn cao hàng mét ra khỏi nhà, trước khi bùn khô sẽ quánh lại. Còn phía ngoài đường phố là các lực lượng quân đội, công an và chính quyền giúp dân dọn dẹp bùn lầy và rác từ đâu cuốn vào ngập phố. Khi chúng tôi tới, thành phố Yên Bái vẫn chưa có nước. Các gia đình bị ngập mới chỉ đẩy được bùn ra, đang đợi nước để vệ sinh nhà cửa. Nước được tiết kiệm từng chút một cho việc bếp núc, sinh hoạt tạm thời…

Buổi thăm hỏi, tặng quà được tổ chức thân tình, ấm áp tại trụ sở Sở Tư pháp Yên Bái. Trong buổi lễ, 20 cán bộ, viên chức của Sở Tư pháp và Cục THADS đã nhận được những phần quà động viên từ Báo Pháp luật Việt Nam gồm các nhu yếu phẩm cần thiết như thuốc, nước uống, thực phẩm và tiền mặt. Món quà tuy nhỏ bé, nhưng có thể giúp các gia đình khắc phục một phần khó khăn trước mắt.

Những túi quà được trao tân tay bà con vùng “ rốn lũ “ Trấn Yên" ( Yên Bái).

Những túi quà được trao tân tay bà con vùng “ rốn lũ “ Trấn Yên" ( Yên Bái).

Tiến sĩ Vũ Hoài Nam - Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam chia sẻ: “Với vai trò là cơ quan ngôn luận của Bộ Tư pháp, Báo Pháp luật Việt Nam luôn quan tâm đến đời sống của cán bộ, viên chức của ngành, đặc biệt là những người đang công tác tại các vùng miền xa xôi, khó khăn. Chúng tôi hy vọng rằng những món quà nhỏ bé này sẽ phần nào giúp đỡ các đồng chí vượt qua khó khăn trước mắt…”. Ông cũng bày tỏ: “Điều may mắn nhất là chúng tôi nhận được tin các cán bộ của Sở Tư pháp, Cục THADS tỉnh Yên Bái đã được an toàn sau cơn hoạn nạn. Dù có tổn thất về vật chất, nhưng những khó khăn đó rồi chúng ta cũng sẽ vượt qua”…

Ông Nguyễn Huy Cường - Giám đốc Sở Tư pháp Yên Bái tâm sự: “Hơn 40 năm qua, Yên Bái Mới phải chứng kiến một trận lũ kinh hoàng như vậy. Trong lúc khó khăn như thế này, sự quan tâm, động viên từ các cơ quan, tổ chức là nguồn động lực rất lớn giúp chúng tôi vượt qua nghịch cảnh. Thay mặt cho các cán bộ, viên chức của Sở, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến Báo Pháp luật Việt Nam”. Ông cũng mong muốn Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục kêu gọi các nhà tài trợ, dành sự quan tâm để các cán bộ ngành Tư pháp, THADS nói riêng và người dân tỉnh Yên Bái nói chung sớm khôi phục được sự ổn định. Bởi hiện nay, sau khi nước rút, đã để lại một hậu quả cực kỳ nặng nề về môi trường. Đồ đạc, nhà cửa cũng bị tổn thất nghiêm trọng. Nguy cơ sạt lở vẫn còn đe dọa…

Nhận món quà của Báo Pháp luật Việt Nam, bà M - một cán bộ của Cục THADS tỉnh Yên Bái xúc động: “Nhà tôi nằm trong vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất TP Yên Bái. Hiện tại toàn bộ tài sản đã bị hư hỏng, nước đã rút, nhưng đất sạt lở vào cả nhà, điện, nước chưa có, chúng tôi vẫn chưa biết bao giờ có một cuộc sống bình thường. Trong bối cảnh thiên tai, sự hỗ trợ kịp thời cả về vật chất lẫn tinh thần đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nó giúp những người bị ảnh hưởng cảm thấy được quan tâm, không bị bỏ rơi, cho chúng tôi thêm nghị lực để vượt qua khó khăn”…

Trước đó, vào sáng 13/9, Đoàn đại diện Báo Pháp luật Việt Nam mang 200 suất quà (gồm thuốc, sữa, lương khô, ủng, áo phao, xà bông, thuốc…), 100 thùng nước lọc, 100 thùng mì tôm, 500kg gạo, 300 cái bánh chưng, 2 bao quần áo… những món quà tình nghĩa của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp tiếp sức Nhân dân tỉnh Cao Bằng sau ảnh hưởng nặng nề của cơn bão Yagi. Bà Nguyễn Hồng Vân, Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh Cao Bằng xúc động gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Báo Pháp luật Việt Nam: “Trong lúc khó khăn nhất, sự chung tay của cả cộng đồng nói chung, Báo Pháp luật Việt Nam nói riêng đã mang lại nguồn động viên rất lớn cho đồng bào tỉnh Cao Bằng. Đây không chỉ là những món quà vật chất, mà là niềm hy vọng mà quý Báo đã gửi đến người dân Cao Bằng, đó là sự quan tâm, yêu thương và chia sẻ giúp bà con thêm sức mạnh vượt qua giai đoạn này”.

Thiệt hại nặng nề vùng “rốn lũ” Trấn Yên

Những con đường trắng băng nước, ngập úng hoa màu.

Những con đường trắng băng nước, ngập úng hoa màu.

Cũng trong sáng 14/9, tại điểm tiếp nhận của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Yên Bái, Báo Pháp luật Việt Nam đã trao 280 suất quà gồm các loại thuốc, nhu yếu phẩm thiết yếu: nước khoáng, nước mắm, mì chính, bột canh, dung dịch khử khuẩn... Nguồn quà tặng này sẽ được chuyển tới bà con ở các vùng còn đang gặp khó khăn, chưa thể trở về cuộc sống bình thường.

Bà Nông Thị Kim Cúc - Phó Chủ tịch UB MTTQ tỉnh Yên Bái cho biết, trong rất nhiều chuyến hàng cứu trợ, có những trường hợp đặc biệt, vượt hàng trăm, hàng nghìn km trong đêm từ TP HCM, Kon Tum, Nha Trang, Huế, Nghệ An... để chuyển nhu yếu phẩm đến người dân. Đó là một người dân ở Hải Dương đã vận động người dân trong xóm cắt rau, luộc trứng và mang theo những phần quà này vượt hơn 30km trong đêm ra đường quốc lộ để gửi xe khách chuyển lên Yên Bái. Nhiều người đã cao tuổi dù không có điều kiện khá giả những vẫn ủng hộ vô cùng ấm áp...

Tại huyện Trấn Yên, ông Trần Anh Tuấn - Bí thư Huyện ủy chia sẻ, toàn huyện Trấn Yên có 7 xã và thị trấn bị ngập lụt, bị cô lập hoàn toàn trong ba ngày, các tuyến đường đều không tiếp cận được. Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất mở khẩn cấp từ đường cao tốc thì mới đưa thuyền xuống được để cứu trợ bà con. Khó khăn nhất hiện nay là các xã bị ngập lụt, hoa màu mất trắng, gần 1.000ha dâu tằm - thu nhập chính của bà con cũng thiệt hại toàn bộ.

Tuy bị tổn thất rất nặng, nhưng Trấn Yên chỉ có 3 trường hợp bị tử vong: “Ngay từ khi có thông tin bão số 3, chúng tôi đã thành lập các đoàn xuống các xã quyết tâm di dời hơn 4.100 hộ gần bờ sông, suối và núi cao. Nếu không di dời thì sạt lở rất nghiêm trọng, do đó chúng tôi kiên quyết, cưỡng chế di dời để bảo vệ người dân... Chúng tôi cảm ơn tất cả những sự quan tâm, giúp đỡ của các cá nhân, tổ chức trên cả nước đối với huyện Trấn Yên” - ông Tuấn nói.

Chúng tôi xuống thôn Ninh Thuận (xã Nga Quán, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái), nơi này con đường vừa được hàng trăm lực lượng quân đội dọn dẹp. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng tôi không bị kéo chân dính chặt bùn quánh như xi măng.

Thôn Ninh Thuận có 171 hộ dân với khoảng 600 người bị ảnh hưởng toàn bộ. Ông Trương Thanh Hải - Bí thư thôn cho biết: “5 ngày nay người dân chúng tôi sống nhờ vào hàng cứu trợ. Điện mất, nước mất không thể nấu ăn, sinh hoạt. Có khoảng 70 hộ gia đình vì ngập bùn đất quá cao nên phải nhờ lực lượng chức năng mang hàng cứu trợ đến tận nhà. Dù đã có phương án phòng trước nhưng nước lên quá nhanh khiến 80% tài sản của người dân bị thiệt hại, có nhiều gia đình mất trắng tài sản”.

Những chuyến xe của đoàn công tác đặc biệt Báo PLVN đến với đồng bào miền núi phía Bắc hậu bão số 3

Những chuyến xe của đoàn công tác đặc biệt Báo PLVN đến với đồng bào miền núi phía Bắc hậu bão số 3

Tại thôn Ninh Phúc, toàn bộ 425 hộ dân bị ảnh hưởng nặng, vì vị trí nằm ven sông, nước chảy xiết nên nước ngập đến tận mái nhà. Trước đây toàn xã chỉ có 2 hộ nghèo, nhưng sau mưa bão thì rất nhiều hộ không trong diện khó khăn cũng trở thành khó khăn. “Dù người dân chuyển đồ đạc lên cao nhưng nước ngập lên quá cao nên người dân bị hư hỏng toàn bộ tài sản sinh hoạt hàng ngày, hoa màu mất trắng, may mắn không có thiệt hại về người”, Bí thư thôn cho biết.

Bà Bùi Thị Mai, 63 tuổi bày tỏ, do sống một mình, chồng mất, con đi làm xa nên khi nước ngập bà chỉ biết nhìn đồ đạc ở tầng 1 chìm trong nước. Dù máy giặt, tủ lạnh đã được bà vệ sinh sạch sẽ nhưng khả năng là không thể dùng được nữa. Điện cũng chưa thể cắm thử bởi nhà ngập nước lâu. Bà cùng một số nhà khác vừa từ trên khu tập trung trường học của thôn trở về nhà sau lũ. Cả thôn vẫn được hỗ trợ cơm nước và các nhu yếu phẩm theo hình thức sẽ có các xe chở nước, chở vật dụng đi qua, nhà nào cần gì thì ra lấy đó…

“Bùn ngập lên đến hàng mét, nước rút mấy ngày rồi mà giờ mới dọn dẹp được. Những ngày qua chúng tôi sống nhờ vào hàng cứu trợ của mọi người gửi cho, mì tôm, bánh mì, sữa, nước uống... Chúng tôi cảm ơn các nhà hảo tâm, các cấp chính quyền đã giúp đỡ. Giờ chúng tôi mong muốn các nhà hảo tâm ủng hộ các nhu yếu phẩm sử dụng lâu dài như dầu ăn, mì chính, muối, các thiết bị gia dụng, điện tử... để sớm ổn định cuộc sống, vì tất cả trôi hết rồi”…

Và lặng người ở Làng Nủ

Sáng 15/9, Đoàn công tác của Báo Pháp luật Việt Nam đã bàn giao những suất quà cùng nhiều hiện vật thiết yếu tới Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai.

Tại buổi trao quà, Tiến sĩ Vũ Hoài nhấn mạnh: “Khi bão lũ xảy ra trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Báo Pháp luật Việt Nam đã nhanh chóng thành lập các đoàn đi hỗ trợ và phát động ủng hộ đồng bào các tỉnh miền núi phía Bắc. Chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn là 2 ngày, Báo đã huy động sự tham gia của rất nhiều tổ chức, cá nhân. Đoàn công tác đặc biệt của Báo lên đường với phương châm đến nhanh nhất để chia sẻ, hỗ trợ đồng bào”.

Nghẹn lòng chiều Làng Nủ

Nghẹn lòng chiều Làng Nủ

Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam cho biết, kế hoạch hỗ trợ đồng bào ảnh hưởng bão lũ sẽ được thực hiện trong 2 giai đoạn: Giai đoạn đầu là chuyển nhu yếu phẩm, thuốc men. Giai đoạn 2, dài hơi hơn là hỗ trợ gạo, vật dụng, thiết bị, sửa nhà cửa, khắc phục giao thông, đường sá. Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp cùng các đơn vị hỗ trợ bà con các tỉnh vùng núi phía Bắc nói chung và Lào Cai nói riêng.

Ông Lý Văn Hải - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai cho biết, sau mưa lũ do bão, toàn tỉnh Lào Cai tính đến ngày 15/9 có 113 người chết, 59 người mất tích, 84 người bị thương. Ước tính toàn tỉnh thiệt hại khoảng 3.200 tỷ đồng. Về tình hình khắc phục thiệt hại sau mưa lũ, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Lào Cai thông tin, được sự cung ứng của Bộ, ngành Trung ương, sự tài trợ của các nhà hảo tâm, nhu yếu phẩm cơ bản phục vụ đủ cho bà con. Về lâu dài là khắc phục sản xuất, làm nhà cho những người bị lũ cuốn trôi, sửa nhà, tạo kế sinh nhai, khắc phục đường giao thông, đường điện, thủy lợi, trường học, nước uống…, tỉnh Lào Cai rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, các Bộ, ngành, các nhà hảo tâm và báo chí trong và ngoài nước.

Bát Xát là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của mưa bão. Bà Bàn Thanh Thảo, quyền Chủ tịch UBND huyện Bát Xát xúc động trước những món quà, những tình cảm mà người dân Bát Xát đã nhận được. Theo quyền Chủ tịch UBND huyện Bát Xát, lượng hàng hỗ trợ bà con tại Bát Xát cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu thiết yếu trước mắt của bà con. Hiện bà con rất cần những vật dụng phục vụ cuộc sống lâu dài như chăn màn, nồi xoong, bát đĩa, các phương tiện phục vụ sản xuất, phục vụ điện nước, phục vụ y tế dự phòng, bảo đảm sức khỏe của người dân. “Chúng tôi cần sự ủng hộ, huy động, đóng góp của các nhà hảo tâm về tiền mặt để bà con khắc phục sửa chữa, làm mới nhà cửa, hỗ trợ kiến thiết các công trình y tế, trường học, đường giao thông”, bà Thảo nói.

Tại thị trấn Bắc Hà, huyện Bắc Hà, ông Phạm Quốc Cường - Trưởng Ban Bạn đọc Báo Pháp luật Việt Nam đã thay mặt những người làm báo Pháp luật Việt Nam và các nhà tài trợ bàn giao 380 suất quà, trong đó có 42 suất quà được trao trực tiếp cho người dân xã Thải Giàng Phố. Tiếp nhận quà, có bà Nguyễn Thị Nga - Phó Bí thư thường trực huyện Hà Bắc, bà Nguyễn Thị Thúy - Phó Giám đốc Sở Tư pháp, ông Vũ Trường Chinh - Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Lào Cai.

Và chặng cuối, chúng tôi đã đến Làng Nủ, nơi mà chỉ trong vài phút đồng hồ đã bị nước lũ cuốn trôi tất cả. Thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) có 167 hộ với 760 đồng bào người dân tộc Tày sinh sống. Nơi đây từng là một vùng đất yên bình, người dân sinh sống đoàn kết, gắn bó. Tuy nhiên, trận lũ quét rạng sáng ngày 10/9 đã cuốn theo không chỉ tài sản mà cả tính mạng của nhiều người. Đặt chân đến Làng Nủ, cảnh tượng trước mắt khiến mọi người đều thẫn thờ, ngôi làng nhỏ bé, nơi người dân từng sống bình yên, giờ đây chỉ còn là một bãi bùn mênh mông. Trận lũ quét đã khiến 52 người thiệt mạng, 40 ngôi nhà bị vùi lấp. Hàng chục người bị thương và mất tích.

Ngoài 100 triệu đồng và nhiều phần quà tặng được gửi cho chính quyền địa phương để trao lại cho người dân, cá nhân Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam đã trao trực tiếp 37 suất quà cho 37 hộ gia đình ở Làng Nủ.

Những gương mặt chờ đợi tìm người thân Làng Nủ.

Những gương mặt chờ đợi tìm người thân Làng Nủ.

Đã một tuần qua đi mà cảnh tượng vẫn tang thương và ảm đạm. Chứng kiến cảnh những người còn ở lại khi nghe thấy tiếng “tìm thấy rồi”, tất cả lại chạy ào ra với hy vọng người thân mình sống sót trở về. Nhưng không may mắn được như vậy. Lại thêm một thi thể được tìm thấy. Người nhà nạn nhân thì khóc ngất, hàng xóm động viên: Thôi, nhà bác còn may hơn, tôi bây giờ còn chưa biết người nhà tôi đang ở đâu trong đống bùn đất kia. Ai cũng thấy xót xa. Rồi mọi người lại hướng ánh mắt về phía các chiến sỹ đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm những người còn mất tích. Hy vọng, hy vọng và hy vọng..., tất cả đều hy vọng tìm thấy những người còn mất tích.

“Mong cuộc sống làng quê này sớm bình an trở lại. Cuộc sống tuy vô thường nhưng vẫn phải tiếp tục. Chúng ta hãy chung tay hỗ trợ bằng khả năng của mình để xoa dịu những nỗi đau. Đoàn chúng tôi ra về khi trời chập choạng tối, nhìn dãy quan tài xếp dọc bờ suối như đang chờ đợi điều gì đó thực sự khó diễn tả. Ai cũng không cầm được nước mắt”...

Tận tay trao quà tới bà con Làng Nủ, Tiến sĩ Vũ Hoài Nam xúc động nói: “Những gì chúng tôi trao cho bà con nơi đây chỉ là một chút an ủi nhỏ nhoi giữa mất mát vô cùng to lớn”. Ông hứa sẽ tiếp tục hành trình để hỗ trợ bà con Làng Nủ sớm có một cuộc sống mới tốt hơn…

Chúng tôi rời Làng Nủ, những người ồn ào nhất cũng trở nên lặng thinh. Nhưng trên tất cả, luôn có những ánh lửa cuối đường hầm, những điều thiện lương, đẹp đẽ trong trái tim mỗi người Việt bỗng xích lại gần nhau bởi hai tiếng “đồng bào”. Trong tận cùng đau khổ, là những điều đẹp đẽ. Tất cả chúng ta, mỗi người Việt dù ở đâu trên thế giới đều hướng về, sẻ chia như Làng Nủ và những ngôi làng khác bị thiệt hại nặng nề là quê hương, là người thân ruột thịt của mình vậy…

Rồi Làng Nủ mới theo đúng phong tục người Tày gần chân núi Voi sẽ xanh tươi, trù phú trở lại. Rồi những đứa trẻ Làng Nủ đang ngơ ngác, thẫn thờ vì mất cha, mẹ, anh em sẽ được người thầy đáng kính ở Hà Nội bảo trợ đến năm 18 tuổi. Cô bé con 5 tuổi sẽ được ca sỹ Hòa Minzy chăm sóc nếu bà ngoại và dì bé đồng ý… Những đứa trẻ Làng Nủ và những người còn lại sẽ có một gia đình rộng lớn hơn, đó là nghĩa đồng bào, là tình người thiện lương chở che, đùm bọc…

Trên cung đường chúng tôi đi qua sau bão lũ, là những chuyến xe đong đầy bao yêu thương, trĩu nặng những ân tình của bà con miền Nam, miền Trung hướng về miền Bắc, là niềm thôi thúc “máu chảy ruột mềm”… Chúng tôi trở về Hà Nội trong đêm mưa tầm tã. Và hành trình ấy vẫn tiếp tục, khi tuần này hàng chục tấn hàng gồm gạo, nước, đồ gia dụng, quần áo đã tiếp tục lên đường tới đồng bào Bắc Kạn, Tuyên Quang...

Đọc thêm

Tìm kiếm 2 nạn nhân rơi theo xe rác xuống sông

Lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế đang nỗ lực tìm kiếm 2 người trên xe chở rác mất tích khi rơi xuống sông.
(PLVN) - Chiều 21/11, lực lượng chức năng huy động tối đa lực lượng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn vụ ô tô chở rác đâm lan can cầu treo Bình Thành (Thừa Thiên Huế) rồi lao xuống sông khiến hai người mất tích.

Dựng barie chắn ngõ nhỏ tại Hà Nội: Cần xử lý hợp tình, hợp lý

Barie chắn đầu ngõ 126 Thượng Đình giờ cao điểm. (Nguồn: MXH)

(PLVN) - Trong giờ cao điểm, nhiều người tận dụng những ngõ nhỏ giao cắt làm đường tắt để rút ngắn thời gian di chuyển nhưng chính hành động này không chỉ gây phiền toái cho người dân sống trong các ngõ nhỏ mà còn trực tiếp gây ùn tắc giao thông, gia tăng khó khăn cho lực lượng Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ phân luồng, điều tiết.

Đề xuất nhân văn của TP Hồ Chí Minh

Ảnh minh hoạ.
(PLVN) - Trong một báo cáo mới đây gửi Thủ tướng Chính phủ, TP HCM đề xuất muốn dùng ngân sách để xử lý một số khoản vay với người nghèo, là khoản vay tín dụng ưu đãi thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; nhưng quá hạn, khó thu hồi. Trong bối cảnh cả nước đang thực hiện các phong trào hỗ trợ người nghèo như xóa nhà tạm, nhà dột nát (dự kiến hoàn thành trong năm 2025); “Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”… thì đây là một động thái được dư luận rất quan tâm.

Kêu gọi hành động vì một hành tinh đáng sống cho trẻ em

Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam Silvia Danailov. (Ảnh: Thanh Hương)
(PLVN) - Ngày 20/11, Lễ kỷ niệm Ngày Trẻ em Thế giới tại Việt Nam năm nay do UNICEF và các đối tác thực hiện đã đưa ra lời kêu gọi hành động vì khí hậu - để mọi trẻ em có thể được lớn lên khỏe mạnh và an toàn trước các mối đe dọa về khí hậu và môi trường.

Phụ nữ bị bạo lực rất cần nơi tạm lánh trong trường hợp khẩn cấp

Bà Ngô Thị Tuyết Em, Giám đốc Trung tâm Vì sự phát triển phụ nữ Đồng Bằng Sông Cửu Long
(PLVN) - Hành trình 30 năm tham gia Cương lĩnh và hành động Bắc Kinh,  Việt Nam đã có nhiều sự tiến triển vượt bậc. Góp phần không nhỏ vào những thành quả này là những mô hình như Ngôi Nhà Bình Yên. Tuy nhiên vẫn cần sự nỗ lực, chung sức để những người phụ nữ nạn nhân của bạo lực, buôn bán được hỗ trợ nhiều hơn nữa.  Bà Ngô Thị Tuyết Em - Giám đốc Trung tâm Vì sự phát triển phụ nữ Đồng Bằng Sông Cửu Long đã có cuộc trò chuyện với Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam về vấn đề này:

Xúc động với món quà đặc biệt “bông hoa gà” tặng thầy dịp 20/11

Xúc động với món quà đặc biệt “bông hoa gà” tặng thầy dịp 20/11
(PLVN) - Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, một học sinh trường tiểu học Kim Đồng (thôn 1, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) đã chuẩn bị một bông hoa bằng... con gà để tặng thầy chủ nhiệm của mình. Món quà đặc biệt kèm lời chúc dễ thương khiến người thầy rất hạnh phúc.

Thầy giáo 'quân hàm xanh' trên đảo Hòn Chuối Cà Mau

Thầy giáo 'quân hàm xanh' trên đảo Hòn Chuối Cà Mau
(PLVN) - Lớp học tình thương trên Đảo Hòn Chuối nằm cách thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) khoảng 20 hải lý, do Thiếu tá Trần Bình Phục (Đồn Biên phòng Hòn Chuối, BĐBP Cà Mau) trực tiếp giảng dạy. Hình ảnh thầy giáo quân hàm xanh đã trở nên quen thuộc, gần gũi và thân thương đối với học sinh và cư dân nơi đây.