Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo mục tiêu kép vừa chống dịch Covid-19, vừa không gây gián đoạn quá mức cần thiết cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, Bộ Công Thương đã có công văn gửi Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 về việc xây dựng quy trình thống nhất áp dụng cho phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua các cảng biển và cửa khẩu biên giới.
Trước đó, ngày 21/2/2020, Bộ Y tế cũng có công văn số 829/BYT-MT hướng dẫn công tác kiểm dịch y tế phòng chống lây nhiễm Covid-19 đối với phương tiện và người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa tại các cửa khẩu đường bộ, đường sắt, cảng biển và cảng hàng không.
Tuy nhiên, hướng dẫn tại Công văn số 829/BYT-MT của Bộ Y tế mới chỉ áp dụng cho hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới giáp Trung Quốc, chưa được áp dụng đối với tuyến biên giới giáp với Lào và Campuchia.
Trước các diễn biến phức tạp của dịch bệnh, cả Việt Nam, Lào và Campuchia đã bắt áp dụng các biện pháp chặt chẽ hơn tại cửa khẩu biên giới đất liền, hạn chế, thậm chí ngừng hẳn việc cho phép công dân qua lại biên giới (như Campuchia).
Từ đây, đã bắt đầu phát sinh hiện tượng ùn tắc hàng hóa xuất nhập khẩu tại một số cửa khẩu tại các tỉnh giáp biên giới với Lào và Campuchia.
Để vừa thống nhất triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý, phòng chống dịch bệnh, vừa tránh những tác động tiêu cực đối với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã đề nghị Ban Chỉ đạo:
Giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ Giao thông vận tải xây dựng ngay quy trình về kiểm dịch y tế biên giới đối với phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa tại các cửa khẩu đường bộ, đường sắt, cảng biển, cảng hàng không để thống nhất áp dụng trên toàn quốc theo hướng đảm bảo yêu cầu của công tác phòng chống dịch bệnh nhưng cũng không gây ảnh hưởng quá mức cần thiết tới lưu thông hàng hóa qua biên giới.
Sau khi có quy trình thống nhất, giao UBND các tỉnh biên giới (chủ yếu là biên giới phía Tây, phía Tây Nam) làm việc với chính quyền địa phương phía Bạn để thống nhất áp dụng.