Không nên lập quy hoạch rừng sản xuất thuộc sở hữu tư nhân
Dự thảo Luật bảo vệ và phát triển rừng hiện nay đang yêu cầu phải lập quy hoạch đối với cả rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất, kể cả rừng thuộc sở hữu Nhà nước và thuộc sở hữu tư nhân.
Theo quan điểm của các chuyên gia pháp luật tại VCCI – đơn vị đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, cách làm này hiện đang là sự can thiệp quá mức của Nhà nước vào quyền của chủ sở hữu rừng tư nhân là rừng sản xuất.
Việc không nên quy định lập quy hoạch đối với rừng sản xuất thuộc sở hữu tư nhân, bởi rừng sản xuất thuộc sở hữu tư nhân (không có chức năng phòng hộ hay đặc dụng) thì được hiểu rằng không có ảnh hưởng đến lợi ích công cộng, vì vậy mà tư nhân có toàn quyền trong việc trồng, phát triển, bảo vệ, khai thác mà không cần cũng như không nên phụ thuộc và quy hoạch của Nhà nước.
Quy hoạch chỉ nên dừng lại ở những nội dung có liên quan đến tài sản nhà nước và lợi ích công cộng. Lợi ích công cộng được thể hiện thông qua việc phân loại rừng theo chức năng phòng hộ và đặc dụng. Nằm ngoài hai yếu tố này thì nên để xã hội tự do, Nhà nước không nên can thiệp.
Bên cạnh đó, liên quan đến quy hoạch đối với rừng sản xuất, khoản 1 Điều 73 của Dự thảo quy định: "Việc phát triển rừng sản xuất phải theo đúng quy hoạch rừng". Như vậy, nếu một cá nhân, tổ chức muốn trồng rừng sản xuất ngoài quy hoạch sẽ được coi là vi phạm pháp luật.
Muốn được trồng rừng đúng luật, tổ chức, cá nhân đó lại phải xin chính quyền điều chỉnh quy hoạch, mà việc này hoàn toàn mang tính xin - cho. Quy định này thể hiện sự bất hợp lý khi quy hoạch rừng bao gồm cả rừng sản xuất thuộc sở hữu tư nhân.
Một vấn đề nữa là khoản 10 Điều 11 của Dự thảo giao Chính phủ quy định chi tiết về quy hoạch rừng. Đây cũng là một trong những nội dung rất quan trọng, mà doanh nghiệp và người dân quan tâm, vì nó ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của họ đối với tài sản là rừng. Do đó, các chuyên gia pháp luật cũng đề nghị cơ quan soạn thảo thể hiện luôn trong Luật mà không giao Chính phủ quy định chi tiết.
Thông tin về rừng – phải được minh bạch đến nơi đến chốn
Liên quan đến vấn đề minh bạch thông tin, Dự thảo Luật hiện nay mới chỉ có quy định minh bạch thông tin về quy hoạch rừng mà chưa có quy định yêu cầu minh bạch đối với 2 nhóm thông tin quan trọng khác là kết quả phân chia, xác định ranh giới rừng và kết quả kiểm kê rừng. Đây là những nội dung quan trọng, giúp tăng cường sự giám sát của người dân và xã hội đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Do đó, các chuyên gia pháp luật đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung các quy định tương ứng vào Điều 8 và Điều 36 của Dự thảo về việc công khai thông tin liên quan đến kết quả phân chia, xác định ranh giới rừng và kết quả kiểm kê rừng (chi tiết đến từng lô).
Thực tiễn kinh nghiệm quản trị nhiều lĩnh vực tài nguyên khác cho thấy, các quy định về công khai minh bạch có ý nghĩa rất quan trọng. Về lý luận, xuất phát từ nguyên tắc tài nguyên thiên nhiên thuộc sở hữu toàn dân, nên luôn cần phải có quy định về việc công khai thông tin liên quan đến hiện trạng tài sản là tài nguyên thiên nhiên để toàn dân được biết.
Về thực tiễn, việc công bố rộng rãi thông tin liên quan đến tài nguyên sẽ giúp thu hút người dân địa phương vào việc giám sát các tài nguyên này trên địa bàn. Thực tế cho thấy, người dân địa phương luôn có nhu cầu giám sát việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên trên địa bàn, nhưng cản trở lớn nhất đối với họ là không có đủ thông tin để làm việc này. Do đó, công bố thông tin về rừng sẽ giúp tăng cường kênh giám sát để bảo vệ rừng tốt hơn.
Ngoài ra, việc công bố quy hoạch rừng cũng cần được thực hiện thông qua website của cơ quan nhà nước, chứ không chỉ dừng lại ở quy định "qua các phương tiện thông tin đại chúng" như tại Điều 12 của Dự thảo. Điều này sẽ thuận tiện hơn cho người dân và doanh nghiệp trong việc tra cứu thông tin khi có nhu cầu. Nội dung công bố cũng phải bảo đảm bao gồm cả các phụ lục và bản đồ, chứ không chỉ dừng lại ở văn bản quy hoạch.
Theo VCCI, muốn thu hút đầu tư tư nhân vào lâm nghiệp thì điều quan trọng nhất là bảo hộ quyền của các nhà đầu tư khi bỏ vốn vào các hoạt động lâm nghiệp. Chỉ khi nào người dân và doanh nghiệp tin tưởng vững chắc rằng mình có đủ các quyền của chủ tài sản đối với rừng thì họ mới yên tâm bỏ vốn và công sức đầu tư.
Mấu chốt của việc bảo hộ quyền của chủ sở hữu tập trung vào 3 vấn đề: điều kiện và thời hạn để bỏ vốn đầu tư vào lâm nghiệp; các quyền năng của chủ sở hữu đối với tài sản là rừng; và các trường hợp thu hồi rừng. Muốn làm được điều này đòi hỏi các quy định cụ thể của đạo luật này phải được xây dựng theo hướng ghi nhận vững chắc quyền của chủ rừng và hạn chế sự can thiệp của Nhà nước vào các quyết định của chủ rừng.
Ngoài quy hoạch rừng, Dự thảo Luật bảo vệ và phát triển rừng sửa đổi hiện nay đang quy định nhiều loại quy hoạch khác như quy hoạch lâm nghiệp (Điều 31), quy hoạch rừng giống (Điều 70), quy hoạch phát triển bền vững hoạt động chế biến lâm sản (Điều 91), quy hoạch vùng nguyên liệu (Điều 91).
Theo quan điểm của VCCI, các quy hoạch này là không cần thiết vì đó là sự can thiệp quá mức của Nhà nước vào thị trường. Cụ thể, đối với rừng giống, việc nhà nước đầu tư rừng giống nên được thể hiện trong kế hoạch đầu tư công của ngành nông nghiệp, theo pháp luật về đầu tư công, không nên lập quy hoạch vì sẽ ảnh hưởng cả đến đầu tư tư nhân.
Đối với hoạt động chế biến lâm sản thì chủ yếu do tư nhân thực hiện và nên được quản lý bằng các quy chuẩn kỹ thuật, cùng với việc giám sát nguồn gốc lâm sản đưa vào chế biến để chống việc khai thác lâm sản trái phép, chứ không nên được quản lý bằng quy hoạch.
Đối với các vùng nguyên liệu thì nên được vận hành theo nhu cầu của thị trường. Thực tiễn xây dựng các quy hoạch vùng nguyên liệu của ngành nông nghiệp từ trước đến nay cho thấy các chính sách này không phát huy tác dụng, gây tốn kém kinh phí rất lớn.