Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (QH) Vũ Hồng Thanh cho biết, so với dự thảo Luật trình QH tại Kỳ họp thứ 5, nhiều nội dung đã được các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý tại dự thảo Luật.
Các giải pháp được xem xét trên cơ sở nâng cao tính tự chịu trách nhiệm của tổ chức tín dụng (TCTD), bảo đảm phù hợp với nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tính khả thi của các quy định.
Nêu một số nội dung chính tiếp thu, chỉnh lý, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ tại Báo cáo số 612/BC-CP, dự thảo Luật đã chỉnh lý quy định liên quan đến hạn chế thao túng, chi phối TCTD, trong đó điều chỉnh quy định về người có liên quan phù hợp với loại hình quỹ tín dụng nhân dân; điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phần với cổ đông cá nhân là 5% (thay vì 3% như dự thảo Luật trình QH tại Kỳ họp thứ 5) và quy định lộ trình giảm dần giới hạn cấp tín dụng xuống 10% vốn tự có đối với một khách hàng và 15% vốn tự có đối với khách hàng và người có liên quan trong 5 năm nhằm giảm thiểu tác động.
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) nêu vấn đề, thời gian qua, các TCTD có hiện tượng tập trung cho vay quá lớn vào một số ít khách hàng, hoặc cũng có hiện tượng cho vay doanh nghiệp “sân sau” hoặc mua trái phiếu doanh nghiệp “sân sau”.
Do vậy, cần sửa đổi quy định về giới hạn cấp tín dụng, giảm mức dư nợ tín dụng tối đa đối với một khách hàng và người có liên quan để hạn chế tập trung vốn tín dụng cho một khách hàng hay nhóm khách hàng lớn. Tuy nhiên, việc quy định giảm ngay giới hạn cấp tín dụng xuống 10% và 15% so với giới hạn hiện tại là 15% và 20% cũng sẽ gây tác động đột ngột đến hoạt động của các TCTD, khiến các TCTD gặp khó khăn.
Đại biểu đề nghị quy định về giới hạn cấp tín dụng theo hướng giảm giới hạn cấp tín dụng cho một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan theo lộ trình cụ thể, tránh việc tác động đột ngột của các TCTD. Đồng thời, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho đối tượng khách hàng khác. Đại biểu đề nghị giao Chính phủ cụ thể hóa lộ trình này.
Cũng quan tâm về vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cũng bày tỏ tán thành với quy định về chỉnh lý quy định liên quan đến hạn chế thao túng, chi phối TCTD. Đánh giá đây là vấn đề rất lớn nhưng đại biểu cho rằng, vấn đề quan trọng, cốt lõi hiện nay là các ngân hàng phải giám sát, quan tâm nhiều hơn đến những trường hợp “ông chủ” ngân hàng là doanh nghiệp lớn.
“Có lo ngại rằng người dân và doanh nghiệp vay rất khó khăn nhưng cổ đông và các “ông chủ” ngân hàng vay lại rất dễ”, đại biểu nêu vấn đề và đề nghị các ngân hàng phải quan tâm đến tình trạng này, có các biện pháp để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn.
Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắc Nông) nhấn mạnh, Luật Các TCTD là luật có tính chuyên sâu, phức tạp, ảnh hưởng sâu rộng đến các hoạt động kinh tế - xã hội, có tác động đến nhiều đối tượng và tác động trực tiếp đến chính sách tài chính, tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô cũng như liên quan đến pháp luật quốc tế, thông lệ quốc tế.
Đồng thời, Luật cũng liên quan đến nhiều Luật khác đang áp dụng trong thực tiễn như Bộ luật Dân sự, Luật Thi hành án dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật chứng khoán, Luật Kinh doanh bảo hiểm…
Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định trong dự thảo Luật để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, tránh sự chồng chéo với các luật khác gây nhiều tác động xấu, nhất là đối với an ninh, an toàn hệ thống ngân hàng và hoạt động kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu có các chế tài đủ mạnh để răn đe đối với các trường hợp vi phạm; gắn trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan để bảo đảm các quy định được chấp hành nghiêm; tiếp tục nghiên cứu thêm các quy định để xử lý triệt để vấn đề sở hữu chéo, thao túng, chi phối các TCTD.