Mỹ có thể phân phối vắc-xin phòng Covid-19 trước cuối năm nay
Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, ngày 9/11 cho biết Mỹ có thể phân phối vaccine phòng Covid-19 cho người dân trước cuối năm nay.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với kênh CNN (Mỹ), ông Fauci đề cập đến vắc-xin phòng Covid-19 do công ty Pfizer đang phát triển là “điều đáng kể”.
Ngoài ra, ông Fauci cũng nói sẽ giữ vai trò hiện tại và không có ý định từ chức. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần chỉ trích ông Fauci. Về phần mình, Tiến sĩ Fauci thừa nhận đã không còn trao đổi với Tổng thống Trump về dịch Covid-19 từ đầu tháng 10.
Cùng ngày 9/11, Pfizer thông báo vắc-xin phòng Covid-19 mà công ty này đang phát triển đã đạt được 90% hiệu quả dựa trên thử nghiệm ban đầu.
Pfizer và đối tác Đức BioNTech cho biết chưa phát hiện dấu hiệu đáng quan ngại nào từ loại vaccine họ đang phát triển. Hai công ty này đang chờ đợi được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp Phê duyệt sử dụng khẩn cấp (EUA) trong tháng này.
Nếu được thông qua, Pfizer ước tính có thể sản xuất 50 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 trong năm nay, đủ để bảo vệ 25 triệu người. Công ty này cũng kỳ vọng trong năm 2021 sản xuất được 1,3 tỷ liều vắc-xin phòng Covid-19.
Chính quyền Tổng thống Trump tuyên bố đến giữa năm 2021 sẽ có đủ vắc-xin phòng Covid-19 cho 330 triệu người dân Mỹ.
Australia sản xuất vắc-xin ngừa Covid-19
Kể từ 9/11, Tập đoàn y tế lớn nhất Australia CSL sẽ bắt đầu sản xuất vắc-xin ngừa Covid-19 do hãng dược phẩm đa quốc gia AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford của Anh phát triển, trong bối cảnh vắc-xin này vẫn trong quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.
CSL dự kiến sẽ sản xuất 30 triệu liều vắc-xin tại nhà máy ở Broadmeadows, phía bắc thành phố Melbourne. Nếu các thử nghiệm lâm sàng thành công, những liều đầu tiên sẽ được cung cấp vào nửa đầu năm 2021, ưu tiên cho những người cao tuổi và dễ bị tổn thương.
WHO kêu gọi 'không nản chí' chống Covid-19
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 9/11 kêu gọi tiếp tục cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. WHO khuyến cáo rằng thế giới dường như đã "mệt mỏi" vì dịch bệnh, nhưng virus corona chưa hề "bỏ cuộc".
Phát biểu tại cuộc họp thường niên của Hội đồng Y tế thế giới (WHA), Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo, dịch bệnh sẽ mạnh lên khi thế giới yếu đi. Ông chỉ ra rằng điểm yếu của con người không chỉ là sức khỏe suy giảm mà còn là tình trạng bất bình đẳng, chia rẽ, phủ nhận cơ sở khoa học, tâm lý chờ may mắn cùng tính thờ ơ.
Ông Tedros nhấn mạnh, virus là thứ không thể đàm phán cùng, cũng không thể nhắm mắt chờ dịch bệnh qua đi, và hy vọng duy nhất giúp đẩy lùi dịch bệnh là khoa học, các giải pháp và sự đoàn kết. Theo ông, thế giới cần khôi phục tinh thần, cùng nhau hướng tới mục tiêu chung "đã nhạt phai nhiều" trong những năm qua.
Thêm nhiều nước châu Âu áp hạn chế vì Covid-19
Thủ tướng Hungary Viktor Orban hôm 9/11 công bố lệnh phong tỏa một phần đất nước bắt đầu từ 11/11 và kéo dài trong 30 ngày trong bối cảnh ca nhiễm và tử vong của đất nước lần lượt là 114.778 và 2.493. Các hạn chế bao gồm gia hạn lệnh giới nghiêm ban đêm, cấm tụ tập, đóng cửa quán bar, nhà hàng, địa điểm văn hóa, trong khi các trường đại học chuyển sang học trực tuyến.
Bồ Đào Nha áp đặt tình trạng khẩn cấp và ra lệnh cho khoảng 70% dân số ở nhà vào các đêm trong tuần từ 23h đến 5h hôm sau trong hai tuần tới. Người dân chỉ được ra khỏi nhà vào buổi sáng cuối tuần cho đến 13h, trừ khi để mua đồ cần thiết.
Tại Italy, quốc gia ghi nhận 960.373 ca nhiễm và 41.750 ca tử vong, chính phủ tuần trước áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm trên toàn quốc cũng như các biện pháp cứng rắn hơn ở 4 khu vực, đóng cửa hầu hết các cửa hàng, quán bar, nhà hàng và hạn chế việc đi lại của người dân.
Tại Pháp, quốc gia tuần trước tái áp đặt phong tỏa toàn quốc trong khi vẫn giữ các trường học và doanh nghiệp cần thiết mở cửa, Bộ trưởng Y tế, Olivier Véran nói rằng có dấu hiệu ban đầu các biện pháp có thể được bắt đầu để làm chậm sự gia tăng mới nhất.