Báo cáo thẩm tra của Quốc hội nêu rõ: Mức chi điều chỉnh tiền lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công tăng khoảng 7-8%/năm là hợp lý. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ cần đưa chỉ tiêu này thành mục tiêu thực hiện, không mang tính chất định hướng, gắn với yêu cầu kiên quyết thực hiện tinh giản biên chế và sắp xếp lại bộ máy, đẩy mạnh việc thực hiện tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập; điều chỉnh tiền lương theo lộ trình đã được đề ra.
Trong điều hành, căn cứ khả năng thu, đề nghị Chính phủ ưu tiên bố trí nguồn điều chỉnh tăng lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp ưu đãi với mức tăng cao hơn theo lộ trình.
"Có ý kiến cho rằng, giai đoạn 2011-2015, chưa thực hiện được lộ trình cải cách tiền lương đã đưa ra, do vậy, đề nghị giai đoạn 2016-2020, cần tăng mức chi điều chỉnh tiền lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công lên 10-12%/năm, góp phần bảo đảm đời sống cho người hưởng lương. Chính phủ cần lưu ý tăng cường công tác quản lý và chú trọng đến sự an toàn và hiệu quả hoạt động của các quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm y tế." - báo cáo của UB TCNS Quốc hội nêu rõ.
Về bội chi NSNN: Chính phủ xây dựng mức bội chi NSNN đến năm 2020 dưới 4%GDP (bình quân cả giai đoạn không quá 3,9%GDP) tính theo quy định của Luật NSNN năm 2015. Đây là mức bội chi hợp lý, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia và nguồn lực để đầu tư phát triển (ĐTPT). Do vậy, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS nhất trí với phương án Chính phủ trình. Có ý kiến đề nghị để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, tỷ lệ bội chi bình quân cả giai đoạn nên giảm xuống ở mức dưới 3,8%GDP.
Trước dự kiến điều chỉnh lại cơ cấu chi NSNN theo hướng tăng dần tỷ trọng chi ĐTPT lên mức bình quân 25-26% cả giai đoạn, giảm tỷ trọng chi thường xuyên khoảng 67% xuống mức khoảng 60-62% trong giai đoạn 2016-2020, Ủy ban TCNS cho rằng, nhìn chung trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới, ngân sách của nước ta hiện nay là ngân sách tiêu dùng, nặng về chi thường xuyên, chưa phải là ngân sách phát triển vì tỷ lệ tích lũy từ ngân sách cho ĐTPT còn rất thấp. ĐTPT từ nguồn NSNN chủ yếu dựa vào vay để bù đắp bội chi, vay ngoài nước, vay phát hành trái phiếu chính phủ và số thu từ xổ số kiến thiết, thu từ đất còn chiếm tỷ trọng lớn.
Do quy mô nền kinh tế còn nhỏ, dẫn đến quy mô thu NSNN còn thấp, nên việc điều chỉnh cơ cấu chi theo phương án Chính phủ trình là phù hợp với xu hướng cơ cấu lại NSNN đã đề ra. Do đó, đa số ý kiến tán thành với đề nghị của Chính phủ về việc dự kiến bố trí tổng chi ĐTPT khoảng 2 triệu tỷ đồng (phân bổ tối đa 1,8 triệu tỷ đồng, còn lại dự phòng 10%), chiếm 25-26% tổng chi NSNN, chỉ là định hướng vì còn phụ thuộc rất lớn vào khả năng thu NSNN hàng năm, mức cụ thể do Chính phủ trình Quốc hội quyết định theo từng năm.
Ngoài ra, Ủy ban TCNS nhận thấy, chi ĐTPT của ngân sách Trung ương (NSTW) là 1.120 nghìn tỷ đồng, chiếm 56% tổng số vốn đầu tư từ nguồn NSNN. Điều này cho thấy, trong quá trình triển khai thực hiện, việc giữ vai trò chủ đạo của NSTW cần được đặc biệt quan tâm, theo đúng tinh thần của khoản 2 Điều 55 Hiến pháp năm 2013: “Ngân sách nhà nước gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, trong đó ngân sách trung ương giữ vai trò chủ đạo, bảo đảm nhiệm vụ chi của quốc gia. Các khoản thu, chi ngân sách nhà nước phải được dự toán và do luật định”, đồng thời, phải bảo đảm tỷ lệ hỗ trợ có mục tiêu của NSTW cho ngân sách địa phương không quá 30% tổng chi ĐTPT của NSTW hàng năm (theo Điều 40 của Luật NSNN năm 2015), do đó, cần chú trọng nâng cao chất lượng đầu tư theo hướng trọng tâm, trọng điểm, tránh đầu tư dàn trải, kém hiệu quả.