Đằng sau vẻ hài hước trên sân khấu, nghệ sĩ hài Quang Tèo ở ngoài đời là một người rất tình cảm, nghiêm túc. Công việc của người nghệ sĩ hài là chọc cười khán giả, nhưng anh tâm sự: “Ít ai biết rằng, có những lúc những nghệ sĩ đang nở nụ cười trên sân khấu kia lại chịu cảnh "Kép Tư Bền" cười trong nước mắt”…
* Ngày đầu vào nghề, tên anh là Tiến Quang, giờ đâu đâu cũng thấy xuất hiện tên Quang Tèo. Nghệ danh này xuất xứ từ đâu mà làm anh "phát" thế?
- Năm 1983, khi đang học năm nhất đại học, tôi trả tiểu phẩm bằng vai một người khuyết tật tên là Tèo. Hắn bị khoèo chân khoèo tay và méo mồm, nhưng lại "bám" vào sự tật nguyền để đi buôn rượu lậu. Vì thích thú vai diễn đó nên mọi người gọi tôi là Tèo. Nhưng mãi sau này, khi đóng hài tôi mới dùng nó cùng với tên của mình. Có lần, một cậu bé gặp tôi đã reo lên: "A, Quang Tèo!" và cậu bị ông bố suỵt: "Không được gọi thế, con phải gọi là chú Quang!". Thật ra, tôi thích người ta gọi mình là Quang Tèo. Cái tên ấy mang lại thành đạt và niềm vui cho tôi.
* Anh đến với sân khấu hài và trở thành một nghệ sĩ được yêu thích như thế nào?
- Có lẽ khán giả vẫn chưa quên nhân vật Tức “Anh Ách”, Trần “Rừng Rực” qua những tiểu phẩm vui của chương trình truyền hình quân đội, nhưng để có tên tuổi thì tôi phải nhờ đến đạo diễn Khải Hưng. Phát hiện chất nông dân trong tôi nên anh mới sắp xếp cho tôi đóng cặp với Giang "Còi" khi Gặp nhau cuối tuần mới xuất hiện.
Hiện tại, tôi có thể khẳng định đã ít nhiều có một vị trí trong lòng khán giả. Cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, tôi nhớ nhất là những lần đi lưu diễn ở các miền quê, được nghe người dân gọi cái tên Quang Tèo thân thuộc, thấy vui lắm. Khi đã được yêu quý, tôi không nề hà đi bất cứ đâu, kể cả vùng sâu vùng xa, miễn là được mời. Đi để mưu sinh một phần, nhưng một phần vì lòng tri ân với khán giả.
* Theo anh, khó khăn với các nghệ sĩ hài hiện nay là gì?
- Theo tôi, đó là khâu kịch bản. Tìm được kịch bản hay quả thực bây giờ nhiều khi “đỏ con mắt” mà chưa thấy. Hoặc nếu có kịch bản hay thì ai cũng muốn có trong tay nên thành thử đôi lúc… khó lắm! Mà là diễn viên, thì chúng tôi lại phải tự đắp "thịt" cho những khung kịch bản; tự nghĩ thêm những chi tiết đặc sắc nhất để làm sao cho vai diễn của mình được sinh động, có hồn, thực sự đem đến được tiếng cười cho khán giả một cách sâu sắc nhất, bổ ích nhất. Có khi phải tự biên, tự diễn sao cho phù hợp với cá tính của mình nữa.
* Mãi đóng mác "nông dân" trên sân khấu hài, anh không sợ thất bại hay sao khi khán giả ngày càng đòi hỏi các món ăn tinh thần phong phú và đa dạng?
- Nó là mô típ cũ nhưng tất nhiên mỗi tiểu phẩm mình lại phải tạo được ra một nét riêng chứ. Không thể nói tôi chỉ xuất hiện với vai diễn là một người nông dân mà bảo tôi không phá cách. Khán giả gặp Quang Tèo là một người nông dân làm ruộng khác với một nông dân học đòi buôn bán, một Quang Tèo sợ vợ khác với một Quang Tèo núp bóng trưởng thôn… Tôi luôn nhắc bản thân cống hiến hết mình để phục vụ khán giả, luôn tìm cách làm sao để hình ảnh của mình mỗi lần xuất hiện là có một cái mới, để tạo được dấu ấn trong lòng khán giả.
Bộ đôi Quang Tèo - Giang Còi |
Tom và Jerry, hai con vật ấy suốt ngày đuổi nhau, cả đời đuổi nhau như thế nhưng có bao giờ ngã ngũ đâu, nên không chỉ trẻ con mà người lớn cũng vẫn thấy thích xem. Nước mình phần lớn là nông dân, dù là kỹ sư hay nghệ sĩ thì cũng xuất thân từ nông dân. Mà người nông dân thì họ có những nét mộc mạc, đôi khi hơi thô và ngố... nhưng rất đáng yêu. Những cuộc “cãi chày, cãi cối” như thế sẽ để nhớ và còn được ủng hộ nếu có những kịch bản hay, khai thác được những đặc điểm của người nông dân.
* Nỗi sợ nhất của một diễn viên hài như anh?
- Tôi sợ nhất đi viếng đám ma. Vào đó, không chào hỏi thì người ta bảo khinh người, chào một vài câu người ta lại cười sằng sặc. Cái cảm giác người nhà đám ma nhìn mình như đang làm trò gì đó nhố nhăng ở lễ tang khiến tôi cảm thấy khó chịu vô cùng. Vì vậy, trừ những mối quan hệ không thể từ chối, tôi rất ngại xuất hiện trong đám ma.
* Đã bao giờ anh gặp phải tình huống như anh Kép Tư Bền trong truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Công Hoan, đang có chuyện buồn mà vẫn phải cười trên sân khấu?
- Diễn viên hài lúc nào cũng phải chọc cười người khác. Đôi khi chính họ có những nỗi buồn không biết nói cùng ai, chỉ biết khóc thầm. Chúng tôi mang nụ cười cho khán giả nhưng bản thân cuộc sống của mình không phải lúc nào cũng được vui vẻ như vậy.
Tôi nhớ nhất một lần đi diễn ở tỉnh xa, trước khi lên sân khấu vài phút thì nhận được tin bố vừa mất ở nhà. Chương trình đã được xướng tên giới thiệu, khán giả đã đang hồi hộp chờ đợi, đường về thì xa, tiết mục cũng chỉ có thời lượng chưa đầy 30 phút nên tôi quyết định: “Thôi, mình cứ lên diễn phục vụ khán giả rồi mới về”. Có những lúc cười trong nước mắt là như thế.
* Trên sân khấu anh hài hước nhưng ngoài đời lại rất nghiêm túc. Vì sao vậy?
- Tôi đã nhiều tuổi, là bố của hai em bé rồi, phải đứng đắn đàng hoàng chứ không nhố nhăng được. Giống như bao nhiêu ông bố khác, tôi cũng lăn lộn, bươn chải, mong muốn công việc trôi chảy để có điều kiện kinh tế chăm sóc gia đình.
Tôi không chỉ diễn hài kịch mà tôi diễn bi kịch rất đạt. Tôi đã từng khóc rưng rức khi vào vai Phó Xung trong vở diễn “Ấp sậu lúc hoàng hôn” của đạo diễn Tạ Xuyên. Khán giả lên tặng hoa mà nước mắt tôi còn giàn giụa vì xúc động. Hài hước thế thôi nhưng tôi cũng là người sống rất tình cảm.