Thành phố của than và điện đang chuyển mình
Nằm ở cửa ngõ của TP Hạ Long, TP Uông Bí vốn được biết đến với tư cách là một đô thị của than và điện, đóng vai trò quan trọng trong sản xuất năng lượng, đảm bảo phát triển kinh tế, xã hội cho tỉnh Quảng Ninh cũng như toàn miền Bắc. Cùng với TP Hạ Long, TP Cẩm Phả, Uông Bí đã đóng góp cho cả nước hàng triệu tấn than mỗi năm để duy trì nguồn năng lượng cho phát triển kinh tế. Song, cái giá của ngành khai khoáng và nhiệt điện chính là vấn nạn ô nhiễm môi trường đã ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người dân và sự phát triển bền vững của kinh tế – xã hội của địa phương này.
Tuy nhiên, trong nhiều năm trở lại đây, TP Uông Bí bắt đầu chuyển mình hướng đến nền kinh tế “xanh” và phát triển bền vững hơn; cơ cấu kinh tế bắt đầu chuyển dịch từ kinh tế “than – điện” sang phát triển du lịch và dịch vụ. Đây cũng là con đường phát triển kinh tế chung của tỉnh Quảng Ninh, dựa trên những lợi thế về tự nhiên và lịch sử vốn có của địa phương này.
Để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hướng tới một nền kinh tế tăng trưởng bền vững, gắn liền với an sinh xã hội thì việc xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân là việc đầu tiên mà chính quyền TP Uông Bí phải thực hiện. Do vậy, nhiều năm qua, Đảng bộ và chính quyền TP Uông Bí đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển kinh tế gắn liền cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả phục vụ của chính quyền nhằm thu hút vốn đầu tư vào các công trình hạ tầng, đặc biệt là đối với lĩnh vực du lịch, lĩnh vực mà địa phương đang có lợi thế để phát triển.
Với định hướng vì một nền kinh tế tăng trưởng, phát triển bền vững thông qua việc gia tăng đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ, giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào ngành khai thác than và sản xuất điện, hàng loạt các công trình hạ tầng du lịch tại TP Uông Bí đã được đầu tư với quy mô hàng nghìn tỷ đồng. Và với những bước chuyển mình đúng hướng, ngành du lịch của TP Uông Bí đã ngay lập tức thay da, đổi thịt với nhiều điểm du lịch tầm cỡ quốc gia xuất hiện như khu di tích – danh thắng Trung tâm Phật giáo Thiền phái trúc lâm Yên Tử; chùa Ba Vàng.
Cùng với khu di tích danh thắng Yên Tử, chùa Ba Vàng là khu du lịch tâm linh của TP Uông Bí được du khách thập phương biết đến |
Kết quả của chính sách phát triển kinh tế – xã hội đúng đắn chính là thu hút và tập trung được nguồn lực để tạo ra những giá trị mới, điều này đã hoàn toàn đúng với TP Uông Bí. Những công trình hạ tầng du lịch và các sản phẩm du lịch mới đã liên tục xuất hiện ở vùng đất của than và điện. Trong đó phải kể đến những thay đổi choáng ngợp ở khu di tích danh thắng Yên Tử. Theo ông Trần Văn Lâm, Bí thư Thành uỷ TP Uông Bí, hiện nay khu di tích – danh thắng Yên Tử đang được doanh nghiệp đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng du lịch đặc sắc để xứng tầm là Trung tâm phật giáo Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam, có thể tiếp đón hàng triệu lượt khách hành hương mỗi năm.
Với việc “tái cấu trúc” cơ cấu kinh tế, thu nhập của TP Uông Bí đã bắt đầu chuyển dịch với tỷ trọng đóng góp của ngành du lịch, dịch vụ tăng dần đều qua các năm và đã đạt mức khoảng 34% GDP của Thành phố trong năm 2017, dự kiến sẽ đạt mức 49% trong năm 2020.
Mang chính sách vào cuộc sống
Những bước chuyển mình đáng ghi nhận như trên của TP Uông Bí bắt đầu từ những chủ trương, chính sách đúng hướng và hợp lý của Tỉnh uỷ Quảng Ninh cũng như việc triển khai quyết liệt của lãnh đạo TP Uông Bí và cả hệ thống chính trị của địa phương này.
Theo kết luận ngày 2/2/2018 của Tỉnh uỷ Quảng Ninh đối với việc triển khai các nghị quyết của Tỉnh uỷ, nghị quyết của Thành uỷ TP Uông Bí thì đến nay, các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội theo nghị quyết nhiệm kỳ 2015-2020 của Đảng bộ TP Uông Bí đều đã đạt và vượt mục tiêu đề ra. Để đạt được kết quả đó, các chủ trương, kết luận của Tỉnh uỷ đều được Ban thường vụ Thành uỷ Uông Bí cụ thể bằng các nghị quyết, chương trình cụ thể với cách làm hiệu quả và sát thực, được người dân ủng hộ.
Bí thư Thành uỷ Uông Bí Trần Văn Lâm cho biết, kết quả phát triển kinh tế, xã hội của địa phương có được nhờ đường lối, chính sách phát triển đúng đắn từ cấp trên và sự quyết liệt của các cấp uỷ, chính quyền địa phương, trong đó bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng theo từng chủ đề được đề ra trong nghị quyết của Đảng bộ Thành phố hàng năm. Đặc biệt là những nỗ lực, quyết tâm của Ban Thường vụ Thành uỷ khi có sự phân công rất cụ thể trách nhiệm của từng uỷ viên trong việc lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị để đưa các nghị quyết của Tỉnh uỷ và Thành uỷ đi vào cuộc sống một cách sát thực nhất.
Ông Trần Văn Lâm, Bí thư Thành uỷ TP Uông Bí |
Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Văn Lâm cho biết thêm, với việc triển khai quyết liệt công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành uỷ, Thành phố Uông Bí đã trở thành địa phương dẫn đầu về nhiều mặt của tỉnh Quảng Ninh và được đánh giá là một điển hình để các địa phương khác học tập kinh nghiệm, như: kinh nghiệm trong việc triển khai đề án của tỉnh về tinh giảm biên chế, sáp nhập các cơ quan có cùng chức năng để giảm đầu mối, giảm biên chế; sử dụng giáo viên cấp 2 theo phương thức “một giáo viên dạy nhiều trường” để không tăng biên chế nhưng vẫn đảm bảo thực hiện nhiệm vụ dạy học hay giải quyết triệt để nợ trong xây dựng cơ bản của Thành phố.
Mối quan hệ giữa chính quyền và nhân dân ngày càng được cải thiện thông qua việc xây dựng chính quyền điện tử, cải cách thủ tục hành chính. Một chỉ tiêu đáng ghi nhận nhất chính là giải quyết triệt để khiếu nại, tố cáo kéo dài để tạo sự đồng thuận giữa nhà nước và nhân dân trong việc thực hiện các chính sách lớn, có tác động tích cực đến phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội của địa phương.
Những kết quả phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố Uông Bí là minh chứng cho thấy, để một địa phương chuyển mình nhanh chóng, ngoài những chủ trương, chính sách đúng đắn thì cần có sự quyết liệt, tận tâm của đội ngũ cán bộ thực thi chính sách. Những thành công của Thành phố Uông Bí đã có đóng góp tích cực để tỉnh Quảng Ninh bứt phá trong cuộc đua phát triển kinh tế với các địa phương khác và trở thành một địa phương năng động trong phát triển kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách bộ máy nhà nước theo hướng bền vững, vì nhân dân.