Trên cơ sở Đề án tái cơ cấu đầu tư công theo Quyết định số 63/QĐ-TTg ngày 12/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh đã không ngừng đổi mới công tác lập kế hoạch đầu tư, chuyển từ việc lập kế hoạch ngắn hạn, hằng năm sang kế hoạch trung hạn 5 năm, tạo sự chủ động, hiệu quả hơn trong phân bổ nguồn vốn.
Đồng thời, tỉnh phân cấp triệt để cho các địa phương gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát (phân cấp về nguồn vốn, phân cấp về quyết định đầu tư, phân cấp về điều hành và quản lý đầu tư) giúp các địa phương, các ngành chủ động, ổn định trong công tác xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển phù hợp với nguồn lực.
Nguồn vốn hầu hết được tập trung đầu tư cho những dự án, công trình có tính động lực cao, ở từng lĩnh vực cụ thể, tạo ra sự phát triển mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho tỉnh.
Riêng về kết cấu hạ tầng giao thông đã có trên 20.000 tỷ đồng được phân bổ cho các công trình, dự án (giai đoạn 2016-2020), chiếm 42,97% tổng kế hoạch vốn. Đến nay một số dự án đã hoàn thành, đưa vào khai thác, đảm bảo tính kết nối, lan tỏa, như: Tỉnh lộ 338, 331B, 326, đường nối QL4B với QL18C, đường nối từ tỉnh lộ 398B (Hải Dương) với tỉnh lộ 345, tuyến đường Trần Quốc Nghiễn…
Về đầu tư cho giáo dục, nguồn vốn đã được tập trung để cơ bản hoàn thành việc đầu tư nâng cấp hệ thống các trường THPT trong toàn tỉnh; hoàn thành đưa vào sử dụng Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ, Trường Cao đẳng Việt - Hàn, Trường Đại học Hạ Long giai đoạn I.
Cùng với đó, các thiết chế văn hóa cũng được đầu tư hoàn thiện, đưa vào sử dụng, như: Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm; Bảo tàng; Nhà thi đấu đa năng 5.000 chỗ; Trung tâm Văn hóa thể thao vùng Đông Bắc; cải tạo Cung văn hóa lao động Việt - Nhật; Cung văn hóa thanh thiếu niên; Trung tâm Huấn luyện thể thao; nâng cấp Sân vận động Cẩm Phả.
Đặc biệt, từ thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm của tỉnh đã dẫn dắt, thu hút thêm được nhiều nguồn lực đầu tư từ xã hội để tham gia đầu tư các công trình, dự án động lực, có tính lan tỏa cao theo hướng công khai, minh bạch, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và xã hội trên nguyên tắc nhà nước không trực tiếp làm những gì nhân dân, doanh nghiệp làm được và làm tốt hơn.
Theo thống kê, đến nay đã huy động được 46.500 tỷ đồng từ các nhà đầu tư tham gia đầu tư 28 dự án trên địa bàn tỉnh, trong đó, vốn nhà nước chiếm 14%, chủ yếu tập trung cho công tác GPMB. Như vậy, cứ một đồng ngân sách bỏ ra sẽ thu hút được từ 8-9 đồng vốn ngoài ngân sách.
Năm 2020, trước tình hình khó khăn trong thực hiện đầu tư công do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng Quảng Ninh vẫn kiên trì triển khai và đạt được những kết quả rõ nét. Nguồn vốn dành cho đầu tư được tập trung cho những công trình, dự án động lực, trọng điểm, như: Cầu Cửa Lục 1, Cửa Lục 3, tuyến đường bao biển nối Hạ Long - Cẩm Phả, GPMB cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường nối KCN Cái Lân qua KCN Việt Hưng đến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, cầu Triều…
Những công trình, dự án của các địa phương, chủ đầu tư có kết quả giải ngân thấp, chậm tiến độ đều được tỉnh chỉ đạo rà soát, xem xét việc dừng, hoãn, giãn tiến độ các dự án, công trình chưa giải ngân, chưa thật sự cần thiết để đảm bảo kế hoạch vốn sát với dự kiến nguồn thu, phản ánh đúng tỷ lệ giải ngân và nguyên tắc "có thu mới có chi", tuyệt đối không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Tỉnh cũng thực hiện rà soát kỹ nhu cầu vốn GPMB các dự án do cấp tỉnh, cấp huyện làm chủ đầu tư để bố trí kế hoạch vốn kịp thời, đủ nhu cầu và thực hiện điều chuyển vốn, điều hòa vốn (nếu có) sang vốn xây lắp hoặc chi trả về ngân sách tỉnh.
Cùng với đó, thường xuyên rà soát, kiểm tra, đôn đốc, không để xảy ra tình trạng chậm trễ, tồn đọng vốn, nợ đọng xây dựng cơ bản, tồn đọng hồ sơ giải quyết các thủ tục dự án đầu tư; đẩy nhanh công tác nghiệm thu, quyết toán; chủ động giám sát, rà soát tiến độ giải ngân của từng dự án để kịp thời có phương án điều chuyển theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Kết quả này đã đóng góp tích cực cho tỉnh trong việc duy trì đà tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.