Người dân, doanh nghiệp là “hạt nhân” chuyển đổi số
Để hiện thực hóa đề án phát triển đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 định hướng đến năm 2030, Quảng Ngãi đẩy mạnh thực hiện hoàn thiện hạ tầng số, làm nền tảng phát triển chuyển đổi số trong giai đoạn mới.
Theo đó, Quảng Ngãi xây dựng kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh của tỉnh bảo đảm về mặt pháp lý và các tiêu chuẩn kỹ thuật; bảo đảm sẵn sàng hạ tầng dùng chung trên cơ sở huy động nguồn lực có sẵn, đầu tư mới kết hợp với thuê dịch vụ công nghệ thông tin.
Quảng Ngãi nỗ lực hiện thực hóa mô hình đô thị thông minh. (Ảnh: Anh Huy). |
Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, có tích hợp và chia sẻ để phục vụ công tác quản lý và điều hành. Xây dựng kho dữ liệu số, hình thành hệ thống dữ liệu mở của các lĩnh vực như: y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch, giao thông, môi trường, nông nghiệp.
Theo lãnh đạo sở TT&TT tỉnh Quảng Ngãi, định hướng phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số cùng với đô thị thông minh là một trong các thành tố quan trọng trong chuyển đổi số. Do đó, UBND tỉnh đã phê duyệt khung kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh tỉnh Quảng Ngãi.
Đây là hành lang pháp lý, là thành tố quan trọng trong Quyết định số 950 của Thủ tướng Chính phủ, với 2 nội dung gồm khung kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh và Đề án phát triển đô thị thông minh.
Theo vị này, với việc ban hành khung kiến trúc ICT kết hợp cùng với khung phát triển Chính phủ điện tử 2.0, sắp tới là 3.0, thì phải đẩy mạnh thực hiện mục tiêu chuyển đổi số. Cụ thể, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, là mục tiêu, là động lực của chuyển đổi số.
Quảng Ngãi xác định người dân, doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số. (Ảnh: HX). |
Được biết, dữ liệu số luôn là một thành phần quan trọng trong xây dựng và phát triển chính quyền số. Trong năm 2024, các cơ quan, địa phương Quảng Ngãi thường xuyên sử dụng các hệ thống dùng chung của tỉnh, các nền tảng số dùng chung để quản lý điều hành và cung cấp dịch vụ công. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh đã kết nối, tích hợp dữ liệu với các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin Trung ương để tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính, khai thác dữ liệu. 100% cơ quan cấp sở đã triển khai số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực.
Sở TT&TT tỉnh Quảng Ngãi thông tin, tỉnh đã đầu tư nhiều loại hạ tầng số, khai thác nhiều nền tảng, cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin. Đẩy mạnh triển khai “làm giàu dữ liệu” đối với các hệ thống thông tin, nền tảng số như kho dữ liệu lưu trữ điện tử, cổng dữ liệu mở, App công chức và App công dân và quản trị tổng thể.
Thí điểm TP Quảng Ngãi
Chính quyền tỉnh Quảng Ngãi quyết định chọn TP Quảng Ngãi làm thí điểm mô hình thành phố thông minh trong Đề án phát triển đô thị thông minh tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Bởi đây là thành phố tỉnh lỵ, trung tâm kinh tế xã hội của tỉnh. Đây sẽ mô hình trung tâm để tỉnh tổng kết, rút ra những kinh nghiệm để tiến tới triển khai trên diện rộng trong giai đoạn tiếp theo.
Theo tìm hiểu, UBND TP Quảng Ngãi đang đẩy nhanh hoàn thiện các hệ thống cơ sở dữ liệu như: hệ thống Gis trong quản lý đô thị, tài nguyên, môi trường và đất đai, hệ thống tiếp nhận phản ánh của người dân, doanh nghiệp, hệ thống theo dõi theo thời gian thực giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi phát động chương trình chuyển đổi số. (Ảnh: Anh Huy). |
Với những ứng dụng này, bất kỳ thời điểm nào, lãnh đạo nào TP Quảng Ngãi cũng có thể truy cập vào ứng dụng trên điện thoại di động để theo dõi tiến độ thực hiện hành chính công.
Đồng thời, địa phương này cũng đang hướng tới xây dựng và triển khai mô hình Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh bảo đảm thực hiện các chức năng điều hành, giám sát, hỗ trợ chỉ huy và quản lý chất lượng dịch vụ do các địa phương cung cấp.
Theo ông Trà Thanh Danh, Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi, địa phương sẽ tiến tới tích hợp theo dõi cập nhật thông tin dữ liệu về kinh tế-xã hội giữa cơ quan Phòng Tài chính-Kế hoạch với 23 xã, phường và Chi cục Thống kê của thành phố. Qua đó, từng thời điểm, lãnh đạo thành phố có thể truy xuất được cơ sở dữ liệu, biết được các chỉ tiêu kinh tế-xã hội như thế nào để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.
Tỉnh Quảng Ngãi chọn thành phố Quảng Ngãi làm điểm xây dựng mô hình thành phố thông minh. (Ảnh: Anh Huy). |
Chủ tịch TP Quảng Ngãi cũng thông tin, cùng với việc đang triển khai và kỳ vọng hoàn thiện 3 nhóm cơ sở dữ liệu trong năm 2025, địa phương sẽ tiếp tục xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu gắn với số hóa cơ sở dữ liệu nhằm tích hợp thành một cơ sở dữ liệu dùng chung đủ lớn, đủ mạnh để bắt đầu mô hình vận hành dựa trên dữ liệu, đưa ra quyết định trong quản trị xã hội của thành phố.
Năm 2025 là năm cuối cùng thực hiện các mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2020-2025, trong đó, trọng tâm là hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số.
Mục tiêu của Đề án phát triển đô thị thông minh tỉnh Quảng Ngãi hướng tới tăng trưởng nhanh, phát triển bền vững; khai thác và phát huy các tiềm năng, lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; khai thác tối ưu hiệu quả tài nguyên, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng cuộc sống của người dân và cung cấp tối đa tiện ích để phục vụ người dân và doanh nghiệp trong sinh hoạt, phát triển sản xuất, kinh doanh.
TP Quảng Ngãi đang tập trung xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu gắn với số hóa cơ sở dữ liệu hợp thành một cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ công tác quản trị đô thị. (Ảnh: HX). |
Theo Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Quảng Ngãi, đến năm 2025 tỉnh sẽ hoàn thành thiết lập cơ sở dữ liệu dùng chung, dữ liệu chuyên ngành tại Quyết định số 862 ngày 4/7/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh về danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung. Tiếp tục phát triển dữ liệu, làm giàu dữ liệu tại các cơ sở dữ liệu đã có, bảo đảm dữ liệu phục vụ chỉ đạo điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh tỉnh. Đồng thời, tăng cường kết nối, thực hiện phân tích, tạo lập dữ liệu mới bằng các nền tảng số dùng chung, bảo đảm dữ liệu phục vụ hoạt động của các cơ quan, đơn vị, từng bước bảo đảm dữ liệu phục vụ chính quyền số cấp tỉnh.