Từ 5 năm nay, mặc dù người dân và chính quyền xã Tam Xuân II, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam - một xã nằm dọc bên bờ sông Trường Giang với gần 13.000 người dân đang phải sống trong tình trạng thiếu nước sạch nghiêm trọng dù đã nhiều lần kêu cứu nhưng vẫn chưa thấy hồi âm từ các cấp có thẩm quyền. Trong khi đó, địa phương này lại có đến 3 công trình nước sạch được đầu tư đến hàng tỷ đồng nhưng các công trình chỉ hoạt động cầm chừng hoặc bị bỏ hoang cho mưa nắng...
Nhọc nhằn mùa khát
Thôn An Khuôn có tổng cộng 170 hộ, đã 5 năm nay họ không biết nước sạch là gì, tất cả nước sinh hoạt đều lấy từ nước giếng đầu làng và nước ruộng.
Anh Bùi Công Đức, quảy đôi ghánh nước mới lấy được ngoài mương lúa, mệt nhọc nói: “Nước này để nấu cho heo và cho trâu bò, mình muốn uống thì phải lọc lại. Muốn có nước sạch thì phải sang bên kia sông (xã Tam Tiến) mua hoặc ra xã ngoài mới có”.
Nhìn thùng nước sóng sánh, phủ một lớp bột màu vàng của phèn và thuốc trừ sâu mà chúng tôi ai cũng rùng mình.
“Mấy năm nay, chúng tôi đều phải mua nước uống, mỗi đôi nước 20 lít họ bán 1.000 đồng nhưng bữa ni mùa nắng nên tăng lên 1.500 đồng, một tuần đi hai ba lần, mỗi lần phải gánh hai ba chục đôi như vậy”, anh Đức cho biết.
Đã mấy năm nay nước sạch không về tới thôn An Khuôn, hệ thống ống dẫn cũng bị người dân đào lên, nằm lăn lóc bên vệ đường, có người cắt ngang đường ống dẫn qua nhà mình những mong hứng được nước.
Ngoài bến đò, dưới cái nắng nóng gần 370 C, nhiều người đang lỉnh kỉnh thùng phi, quang gánh, họ vừa sang sông mua nước về.
Ông Bùi Tưng, năm nay đã 82 tuổi, cố nhấc đôi ghánh nước xuống ghe, vừa thở vừa nói: “Nước này quý lắm đấy, không có để rửa đâu, chỉ để uống thôi. Dân ở đây chia nước thành 3 loại, loại mua về là để uống, nước ruộng và giếng đầu làng khi lọc lại sẽ dùng để nấu ăn còn tắm thì có nước sông”.
Đã 82 tuổi nhưng hằng tuần bác Tưng vẫn bơi ghe qua sông mua nước. |
Để tiết kiệm nước, già trẻ, trai gái làng An Khuôn đều tắm nước sông và về tắm sơ lại bằng nước sạch theo kiểu người lớn dội nước phía trên thì trẻ nhỏ chui phía dưới để khỏi phí nước.
Ngay tại giếng nước đầu làng, nhiều người đang tắm, nhiều xe bò đang chờ lấy nước, thứ nước màu vàng óng này sẽ được bà con “xử lý” lại theo kiểu lọc thủ công (cho chảy qua một thùng đựng đá và cát) rồi dùng để nấu ăn.
“Lọc rồi nhưng nước vẫn có mùi cưng cứng và hơi lờ lợ”, anh Đức lắc đầu ngán ngẩm, rồi nhìn bâng quơ: “Chứ giờ không có nước thì biết làm sao?”.
Vì không có nước sạch, hệ thống mạch nước ngầm ở đây lại bị nhiễm mặn nên bà con phải tận dụng nước trời. Nhà ai cũng xây bể lớn để chứa nước mưa nhưng “Nguyên tháng này trời không đổ giọt mưa, đành dùng nước ruộng vậy”, chỉ vào cái bể trơ đáy, ông Tưng ngậm ngùi.
Chờ đến bao giờ?
Ông Nguyễn Đăng Hưởng, Chủ tịch xã Tam Xuân II cho biết: “Không riêng gì thôn An Khuôn mà các thôn Bà Bầu, An Đông, Tân Thuận, Vĩnh An, Thạch Kiều cũng chịu chung cảnh thiếu nước, tổng cộng có gần 800 hộ hiện đều không đảm bảo về nguồn nước sinh hoạt, có thể nói là thiếu nước một cách nghiêm trọng!”.
Ông Hưởng cho biết thêm, hiện tại địa phương có 3 bể nước tự chảy, mỗi bể có thể tích từ 35-50m3 nước, do tổ chức Đông Tây hội ngộ tài trợ nhưng chỉ có công trình tại thôn Vĩnh An là còn hoạt động nhưng cũng chỉ họat động cầm chừng, nguồn nước lại không đảm bảo, người dân phải xử lý lại mới dùng được.
Công trình nước tự chảy gần tỷ bạc bị bỏ hoang và xã Tam Xuân II có 3 công trình như thế này... |
Còn 2 bể kia, một bể đã ngưng hoạt động, một bể ngay sau lưng UBND xã, đã đầu tư gần cả tỷ đồng và được thi công từ năm 2009 nhưng đến nay còn chưa hoàn thành.
Giải thích về sự không hiệu quả của các công trình này, ông Hưởng cho biết: “Do công nghệ của xã còn lạc hậu, không thể trực tiếp tự quản lý và bảo dưỡng hệ thống sau khi được bàn giao. Thêm vào đấy, hệ nước ngầm của địa phương đang bị suy thoái không phục vụ đủ vào mùa khô, đặc biệt là nguồn nước đã bị nhiễm mặn rất nặng”.
Trước thực trạng này, ông Hưởng cho biết địa phương đã nhiều lần gởi đơn kêu cứu cấp trên và đã được UBND tỉnh chỉ đạo cho Trung tâm nước sạch Quảng Nam (Sở Nông nghiệp & Phát triển NT Quảng Nam) đầu tư và vận hành hệ thống nước sạch có kinh phí 7 tỷ đồng tại xã Tam Xuân II, với hình thức Nhà nước chịu 60%, người dân chịu 40% nhưng “Đoàn đã về khảo sát từ tháng 4/2011 song cho đến nay, UBND huyện chưa đối ứng tài chính và tiền từ dân cũng chưa thu được vì vậy dự án vẫn chưa triển khai”.
Theo ông Võ Công Định, Ban Nông nghiệp xã Tam Xuân II, nước ngầm của xã bị nhiễm mặn là do hệ thống đê ngăn mặn của xã đã xuống cấp trầm trọng, hằng năm đến mùa mưa lũ nước sông tràn vô đồng gây nhiễm mặn.
Theo quan sát của chúng tôi, nhiều km đoạn đê qua thôn An Khuôn tuy chưa vào mùa mưa nhưng đã có dấu hiệu sạt lỡ.
Ông Định cho biết: “Đê ngăn mặn này được đắp từ năm 1995, do công lao động của dân địa phương, có nhiệm vụ bảo vệ cho hơn 400ha đất lúa của xã và nhiều diện tích hồ tôm nhưng đến nay đã quá xuống cấp”.
Công trình nước sạch tiền tỷ xây xong rồi bỏ phí, hàng chục ngàn con người không có nước sinh hoạt, hàng trăm ha lúa, nhiều diện tích đất nuôi tôm luôn có nguy cơ bị mất trắng vì đê ngăn mặn không đảm bảo đó là những thực trạng mà nhiều năm nay người dân xã Tam Xuân II phải chịu đựng. Không biết đến bao giờ họ mới thôi cái cảnh nhọc nhằn gánh nước mùa khô và được uống một ngụm nước có vị ngọt vốn có của nó ngay trên mảnh đất mình đang sống?
Xuân Hiếu – Phước Trịnh