Như Báo Pháp luật Việt Nam phản ánh trong các số báo trước, sau 4 tháng nộp hồ sơ hợp lệ tại Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Bình để thay đổi giấy phép đầu tư và đăng ký kinh doanh của Công ty TNHH Kaolin Quảng Bình - Bohemia (Công ty QBBK) nhưng đến nay đã 4 tháng vẫn không được giải quyết, chủ sở hữu mới của Công ty QBBK rất lo lắng và thất vọng.
Khi các lý do để kéo dài việc xem xét thay đổi giấy phép đầu tư cho chủ đầu tư không tiếp tục “phát huy tác dụng” vì hầu hết các lý do này là không có căn cứ pháp luật, lẽ ra các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình phải hoàn tất việc cấp giấy chứng nhận đầu tư và thay đổi người đại diện theo pháp luật đối với Công ty QBBK. Thế nhưng, việc hoàn tất các thủ tục này hiện vẫn đang “dậm chân tại chỗ” khi “quả bóng” trách nhiệm đang được UBND tỉnh Quảng Bình và Sở KH &ĐT đá đi, đá lại cho nhau.
Trở lại nội dung vụ việc, ông Josef Cupka là người được Tòa án TP Prague chỉ định làm người quản lý phần vốn đầu của Công ty TRADE B.G.M tại Công ty QBBK theo phán quyết tuyên bố phá sản đối với Công ty Công ty TRADE B.G.M. Bản án của Tòa án TP Prague đã được TAND cấp cao tại Đà Nẵng công nhận và cho thi hành tại Việt Nam. Căn cứ các bản án này, ngày 9/11/2016, ông Josef Cupka đã nộp hồ sơ hợp lệ tại Sở KH & ĐT tỉnh Quảng Bình để sửa đổi giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Công ty QBBK.
Tuy nhiên, vụ việc kéo dài đến tận tháng 2/2016 chỉ vì lý do UBND tỉnh Quảng Bình đưa ra là xem xét việc thi hành các bản án nêu trên qua cơ quan thi hành án hay không. Cuối cùng, với các ý kiến của cơ quan chứng năng nêu ra, trong đó có ý kiến của Bộ Tư pháp, thì việc ông Josef Cupka được ghi nhận quyền chủ đầu tư trong các bản án đồng nghĩa với việc các cơ quan chức năng phải tự động thực hiện các nghĩa vụ của mình để đảm bảo quyền này của nhà đầu tư, trong đó có việc thay đổi giấy chứng nhận đầu tư và đăng ký kinh doanh của Công ty QBBK. Do vậy, không thể trì hoãn thủ tục thay đổi giấy phép đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với Công ty QBBK theo yêu cầu của chủ đầu tư chỉ vì lý do xem có cần cơ quan thi hành án làm thủ tục thi hành án hay không, vì vai trò của cơ quan thi hành án là không cần thiết.
Tưởng rằng mọi việc chấm dứt ở đó thì ngày 1/3/2017, trong buổi làm việc với đại diện Ngân hàng Xuất khẩu Séc (CEB), UBND tỉnh Quảng Bình lại đưa ra thêm lý do bất hợp lý nữa là phải đợi xem xét giải quyết đơn ngày 28/2/2017 của ông Martin Adamec, Chủ tịch HĐTV trên danh nghĩa của Công ty QBBK hiện nay, với nội dung cho rằng, Ngân hàng CEB không phải là chủ nợ của Công ty TRADE B.G.M, kèm theo một bản án tiếng nước ngoài không có giá trị thi hành ở Việt Nam. Lý do này nhanh chóng bị đại diện nhà đầu tư nêu rõ là không hợp lý và không hợp pháp, không thể là căn cứ trì hoãn việc làm thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật đối với hồ sơ mà nhà đầu tư đã nộp.
Mọi việc đã rõ ràng và lẽ ra, Sở KH& ĐT tỉnh Quảng Bình phải ngay lập tức trả “món nợ” đến hạn đối với thủ tục hành chính mà nhà đầu tư đã nộp từ 4 tháng trước. Thế nhưng, trở ngại và rào cản lại tiếp tục nảy sinh và lần này là vấn đề thẩm quyền, trách nhiệm của UBND tỉnh và Sở KH &ĐT tỉnh Quảng Bình.
Theo Luật sư Lưu Tiến Dũng, người đại diện cho chủ đầu tư nộp hồ sơ tại Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Bình, ông đã nhiều lần liên hệ với lãnh đạo Sở KH&ĐT để yêu cầu cơ quan này thực hiện các thủ tục hành chính đối với hồ sơ mà ông đã nộp. Thế nhưng, câu trả lời của cơ quan này là phải đợi UBND tỉnh, trực tiếp là Phó chủ tịch thường trực Nguyễn Xuân Quang, phê duyệt về mặt chủ trương. Đến nay, do Sở KH &ĐT chưa được phê chuẩn nên chưa dám thực hiện thủ tục hành chính. Do đó, nhà đầu tư tiếp tục phải chờ đợi.
Luật sư Lưu Tiến Dũng cho biết, trong cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoài Nam, Phó GĐ Sở KH &ĐT tỉnh Quảng Bình, lãnh đạo Sở KH &ĐT cho cho Luật sư Lưu Tiến Dũng biết, Sở KH &ĐT đã báo cáo nhưng UBND tỉnh Quảng Bình không ra văn bản chỉ đạo mà cho rằng, việc này thuộc thẩm quyền của Sở nên Sở phải tự thực hiện. Về phía Sở KH &ĐT, nếu không có văn bản đồng ý chủ trương của UBND tỉnh thì Sở KH &ĐT không thể thực hiện được. Đại diện của ông Josef Cupka cũng cho biết thêm, vì lo lắng đối với tài sản không được quản lý nên Ngân hàng CEB đã làm việc với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Séc tại Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Bình và nếu sự việc tiếp tục kéo dài khiến cho quyền lợi của nhà đầu tư bị ảnh hưởng, các nhà ngoại giao sẽ có ý kiến với Chính phủ Cộng hòa Séc và Chính phủ Việt Nam để đề nghị can thiệp.
Sự việc kéo dài thủ tục hành chính cấp giấy phép sửa đổi giấy phép đầu tư và đăng ký kinh doanh của Công ty QBBK đã được pháp luật quy định rõ ràng về thời gian, quyền và trách nhiệm của nhà đầu tư cũng như cơ quan thụ lý hồ sơ. Vai trò của UBND tỉnh Quảng Bình cũng như Sở KH &ĐT trong việc giải quyết hơ sơ xin thay đổi giấy phép đầu tư của doanh nghiệp cũng được quy định rõ và vụ việc này không phải là cá biệt để đùn đẩy từ cơ quan này đến cơ quan khác. Do vậy, việc kéo dài thủ tục hành chính bằng các lý do không thuyết phục không chỉ vi phạm quy định của pháp luật mà còn đi ngược với chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo, Chính phủ phục vụ mà Thủ tướng đã đề ra.