Tại cuộc họp báo mới đây giới thiệu những điểm mới của Luật QLT 2019, ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế cũng đã thừa nhận, thu thuế với hoạt động TMĐT xuyên biên giới hiện đang rất nhức nhối, không riêng với Việt Nam mà của toàn cầu.
Vấn đề được đặt ra là ngành thuế thu thuế đối với hoạt động TMĐT nước ngoài vào Việt Nam bằng cách nào khi mọi giao dịch thanh toán hiện nay được thực hiện thông qua chuyển khoản?
Ông Huy cho biết, đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc uỷ quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam.
Ngành Thuế đã và đang xây dựng cơ sở dữ liệu và triển khai rộng rãi các dịch vụ thuế điện tử, hoá đơn điện tử, nộp thuế online; bổ sung quy định trách nhiệm của các bộ, ngành, các tổ chức, đơn vị liên quan đến hoạt động kinh doanh TMĐT, quản lý giám sát dòng tiền, thực hiện khấu trừ thuế đối với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ TMĐT trong trường hợp tổ chức kinh doanh không có hiện diện thương mại tại Việt Nam.
Đại diện Tổng cục Thuế cho biết thêm, hoạt động TMĐT xuyên biên giới gồm cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo 2 chiều. Một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài, một chiều từ nước ngoài vào Việt Nam. Công tác QLT đối với người Việt Nam cung cấp dịch vụ, hàng hoá ra nước ngoài thì đã đăng ký khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định. Còn hàng hoá chiều từ nước ngoài vào Việt Nam chịu sự giám sát của cơ quan hải quan. Cơ quan hải quan sẽ thu các khoản thuế nhập khẩu, giá trị gia tăng theo pháp luật hiện hành.
Bộ Tài chính đã giao cho Tổng cục Hải quan xây dựng đề án đối với thu thuế TMĐT hàng hoá xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, ngành Hải quan chỉ thực hiện thu thuế với hàng hóa, còn cung cấp dịch vụ từ nước ngoài vào Việt Nam do cơ quan thuế quản lý và thu. Cơ quan thuế sẽ thực hiện thu các khoản thuế gián thu như thuế giá trị gia tăng và thuế trực thu bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân…
Trường hợp nhà cung cấp nước ngoài không đăng ký, khai thuế tại Việt Nam mới dùng biện pháp khấu trừ tại nguồn. Có 2 dạng áp dụng cho tổ chức và cá nhân. “Đối với tổ chức đã có quy định, còn phù hợp thì sẽ tiếp tục kế thừa. Đối với cá nhân sẽ yêu cầu khấu trừ tại nguồn, dựa vào dòng tiền thanh toán. Tuy nhiên, để làm được việc này cần phải có cơ sở pháp lý để ngân hàng thương mại được phép khấu trừ. Tới đây, cơ quan thuế sẽ tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng tiêu chí, điều kiện, hướng dẫn ngân hàng thương mại khấu trừ theo quy định thuế", ông Huy cho hay…
Khoản 4 Điều 42 Luật QLT số 38/2019/ QH 14 quy định: “Đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam”.
Ngoài ra, Luật cũng quy định Cơ quan QLT phải tổ chức hệ thống thông tin điện tử, xây dựng cơ sở dữ liệu và triển khai rộng rãi các dịch vụ thuế điện tử như khai thuế điện tử, hoá đơn điện tử, nộp thuế online để có thể có đầy đủ các công cụ để thực hiện QLT nói chung và QLT của các hoạt động TMĐT.
Đồng thời để thực hiện QLT đối với các hoạt động TMĐT không chỉ có trách nhiệm của cơ quan QLT mà cần phải có sự vào cuộc của các bộ, ban ngành. Vì vậy, Luật QLT đã bổ sung quy định trách nhiệm của các bộ, ngành, các tổ chức, đơn vị liên quan đến hoạt động kinh doanh TMĐT, quản lý giám sát dòng tiền, thực hiện khấu trừ thuế đối với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ TMĐT trong trường hợp tổ chức kinh doanh không có hiện diện thương mại tại Việt Nam.