Quan hệ Mỹ - Iran: Chưa kịp hòa lại đã... chiến!

Một cuộc diễu hành lực lượng của Iran
Một cuộc diễu hành lực lượng của Iran
(PLO) -  Với quyết định áp dụng trở lại những biện pháp trừng phạt Iran, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hoàn tất bước đi cuối cùng của việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran. 

Thỏa thuận này có tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động tổng thể chung, viết tắt là JCPOA, được ký kết sau 10 năm đàm phán giữa Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức và Iran hồi mùa hè năm 2015. Nội dung mấu chốt nhất của JCPOA là Iran ngừng làm giàu chất liệu phóng xạ và Mỹ, EU dỡ bỏ những biện pháp trừng phạt Iran. 

Thỏa thuận này được coi là một trong những thành tựu đối ngoại nổi bật nhất của Tổng thống Mỹ Barack Obama, người tiền nhiệm của ông Trump, và của EU. Nó mở ra triển vọng hòa giải và hòa bình giữa Mỹ và Iran. Hai nước này không có quan hệ ngoại giao và thù địch lẫn nhau kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979 ở Iran. 

Hồi tháng 5 vừa qua, ông Trump đã quyết định rút nước Mỹ ra khỏi JCPOA. Với việc áp dụng trở lại các biện pháp trừng phạt Iran, ông Trump hủy hoại triển vọng hòa giải và hòa bình nói trên, làm cho mối quan hệ song phương này lại trở nên căng thẳng và thù địch, làm cho cả khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh lâu nay vốn đã rất bất an và bất ổn, vốn đã không thiếu chiến tranh và xung đột bạo lực trở nên còn trầm trọng và nguy hiểm hơn trước, chẳng khác nào lửa được đổ thêm dầu, hậu quả và hệ luỵ hiện thật không thể lường hết được.

Ông Trump rút nước Mỹ ra khỏi JCPOA vì muốn buộc Iran có thỏa ước khác với Mỹ không chỉ về vấn đề hạt nhân mà còn về cả nhiều vấn đề khác nữa liên quan đến lợi ích của Mỹ và của đồng minh của Mỹ ở khu vực. JCPOA chỉ xử lý vấn đề hạt nhân của Iran trong khi ông Trump nhìn nhận cả chương trình hạt nhân lẫn chương trình tên lửa của Iran đều là mối đe doạ an ninh đối với Mỹ. 

Ngoài ra, ông Trump còn nhằm tới mục tiêu là buộc Iran phải thay đổi toàn bộ chính sách đối với các đồng minh và đối tác của Mỹ ở khu vực. Có thể ông Trump tin rằng bằng cách áp dụng trở lại và gia tăng đến mức tối đa những biện pháp trừng phạt Iran, Mỹ sẽ buộc Iran phải chịu khuất phục và đàm phán ký kết thỏa ước mới với Mỹ. Muốn lại trừng phạt Iran thì Mỹ phải rút khỏi JCPOA. Giữa hai nước này hòa giải và hòa bình chưa đâu ra đâu thì đã lại căng thẳng và đối địch.

Phía Mỹ và cá nhân ông Trump tính toán như thế, nhưng thành công được hay không lại là chuyện khác. Iran đã biểu thị thái độ không nhượng bộ Mỹ và đáp trả Mỹ đến cùng. Giáo chủ Khamenei của Iran đã tuyên bố “Iran không có gì phải lo”. Iran có nhiều con “át chủ bài” để đối phó Mỹ, trong đó có cả biện pháp quyết liệt nhất là phong toả eo biển Hormuz. Tuy nhiên, có thể là một chuyện, có nên làm hay không là chuyện khác bởi việc phong toả eo biển này kéo theo nguy cơ xảy ra đụng độ quân sự trực tiếp giữa Mỹ và Iran. 

Mỹ đã tái áp dụng các biện pháp trừng phạt Iran
Mỹ đã tái áp dụng các biện pháp trừng phạt Iran

Mỹ rút khỏi JCPOA không có nghĩa là thỏa thuận này bị huỷ bỏ. EU, Nga và Trung Quốc muốn duy trì JCPOA và nếu Iran tiếp tục thực hiện JCPOA thì các đối tác kia vẫn phải có trách nhiệm đảm bảo cho Iran những lợi ích chính đáng từ thỏa thuận.

Chỉ cần Iran tiếp tục tuân thủ nó thì chuyện đối địch và căng thẳng giữa Mỹ và Iran tự khắc cũng còn là chuyện giữa ba đối tác nói trên với Mỹ. EU đã kích hoạt quy trình pháp lý cần thiết trong EU để bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp của EU có quan hệ hợp tác kinh doanh với Iran.

Những quyết sách mới của Mỹ liên quan đến JCPOA và trừng phạt Iran gây khó khăn không nhỏ cho Iran nhưng đồng thời làm cho việc đạt được thỏa thuận mới thêm khó khăn bởi một khi phía Mỹ dễ dàng lật lọng như thế thì phía Iran càng phải thêm thận trọng và càng khó có thể tin Mỹ.

Ngoài mấy đồng minh và đối tác ở trong khu vực vốn thì địch với Iran và ganh đua với Iran giành vị thế của cường quốc khu vực cũng như vai trò lãnh đạo trong thế giới Hồi giáo ủng hộ Mỹ, các nước khác trên thế giới đều không đồng tình với việc Mỹ huỷ hoại JCPOA. 

Thỏa thuận này có thể chưa hoàn hảo, nhưng rõ ràng đã làm cho tình hình được hòa bình và ổn định hơn, đẩy lùi được nguy cơ chạy đua vũ trang hạt nhân ở khu vực. Ông Trump đang theo đuổi những ý đồ xa và rộng hơn, nhưng ở đây không phải cứ khác trước là không sai.

Washington không che giấu mục tiêu sau cùng là đạt được một thỏa thuận mới về hạt nhân với Teheran. Nhưng bên cạnh đó, chính quyền Hoa Kỳ lại liên tục đưa ra nhiều thông điệp khác nhau. 

Cố vấn an ninh của tổng thống Mỹ John Bolton nêu lên khả năng "thay đổi chế độ" ở Teheran. Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố đối lập Iran cần biết rằng Hoa Kỳ "sát cánh với họ". Nhưng rồi chính tổng thống Donald Trump sau khi đã có những lời lẽ rất gay gắt đe dọa Iran, lại thản nhiên thông báo ông để ngỏ cánh cửa đối thoại. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, tướng James Mattis, hôm 27/7/2018 đã trấn an cộng đồng quốc tế rằng Washington không chủ trương lật đổ chế độ ở Teheran. 

Một số nhà phân tích nói đến tình trạng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" trong chính sách của Mỹ đối với Iran. Ngược lại, một số khác nhận thấy là trong vấn đề hạt nhân Iran, dường như Donald Trump muốn áp dụng một chiến thuật tương tự như với Triều Tiên.

Nghĩa là dùng những lời lẽ đao to búa lớn đe dọa đối phương, làm gia tăng căng thẳng, để rồi dịu giọng, chìa bàn tay thân thiện, tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh nặng phần trình diễn, và cuối cùng thông báo là đã đạt được thỏa thuận "tuyệt vời" với phía bên kia.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.