Trình dự án thấp rồi nâng mức đầu tư khi thực hiện
Theo ĐB Cường, một trong những điểm “vướng” của Luật Đầu tư công hiện hành là một số quy định chưa hợp lý, điển hình là quy định về trình tự thủ tục để phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án rất phức tạp.
“Điều này thể hiện ở chỗ khi quyết định một dự án đầu tư có sự tham gia của rất nhiều các cơ quan ban ngành. Khi có chủ trương đầu tư rồi, quyết định dự án đầu tư rồi thì các bước thực hiện dự án đầu tư cũng rất dài dòng, phức tạp, làm cho việc đầu tư khó khăn. Do đó, trong luật đầu tư công này, cái quan trọng nhất là phải giảm bớt các quy trình quá phức tạp, đặc biệt là khi cần thì phải làm thế nào phân cấp cho các cấp quyết định, cấp nào chịu trách nhiệm kế hoạch đầu tư thì phải chịu trách nhiệm về kết quả, chịu trách nhiệm về thẩm định, tránh tình trạng nói rằng đã lấy ý kiến các cơ quan, ban ngành rồi nên sau này gần như không phải chịu hậu quả”, ĐB nói.
Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, theo ĐB Cường, theo quy định hiện nay, nguồn vốn được để lại cho các đơn vị sự nghiệp công lập, kể cả những đơn vị tự chủ, không được đưa vào cân đối ngân sách nhưng vẫn phải thực hiện như quy trình đầu tư công, làm cho việc tự chủ của các đơn vị này không thực hiện được.
Điểm vướng thứ 3 nằm ở việc luật quy định để phê duyệt chủ trương đầu tư phải có nguồn vốn, khi chưa có vốn thì không được phê duyệt chủ trương đầu tư. Nhưng, cũng theo quy định về phân bổ vốn đầu tư trung hạn, thì dự án phải được phê duyệt chủ trương đầu tư rồi mới được đưa vào kế hoạch phân bổ, dẫn tới câu chuyện “con gà, quả trứng”, không thể giải quyết được, gây khó khăn cho việc xây dựng danh mục các dự án đưa và kế hoạch phân bổ vốn đầu tư.
Về điều chỉnh quy mô dự án trong quá trình triển khai thực hiện, theo ĐB Cường, thời gian qua có tình trạng khi dự án được phê duyệt thì chỉ thuộc nhóm nhỏ, nhóm B, nhưng trong quá trình triển khai lại có điều chỉnh vốn, dự án chuyển thành dự án nhóm A nhưng cơ quan phê duyệt vẫn là cơ quan ban đầu.
Theo ĐB, đây là điểm không hợp lý, dễ dẫn đến tình trạng lợi dụng khi trình dự án ban đầu thì trình dự án thấp để đơn giản hóa việc phê duyệt nhưng sau đó khi triển khai thực hiện sẽ nâng mức đầu tư lên. “Đây là tình trạng lách luật cần phải điều chỉnh theo hướng khi thay đổi tổng mức đầu tư phải thay đổi cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án”, ĐB nói.
ĐB Hoàng Văn Cường. |
Vẫn theo ĐB Cường, trong các quy định của luật Đầu tư công hiện hành quy định hội đồng thẩm định giúp các cơ quan phê duyệt dự án, sau khi hội đồng thẩm định này đã phê duyệt thì cơ quan phê duyệt gần như không phải chịu trách nhiệm về kết quả. ĐB Cường cho rằng ưu điểm của việc này là lấy được ý kiến của nhiều cơ quan, ban ngành nhưng hạn chế là nhiều khi không quy được trách nhiệm cho cơ quan, đơn vị, cá nhân phê duyệt dự án.
Do vậy, ĐB đề nghị cần cân nhắc việc sử dụng các hội đồng thẩm định mà nên tăng cường vai trò của Quốc hội, HĐND tỉnh, huyện trong thẩm định.
Quy rõ trách nhiệm người đứng đầu
ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) bày tỏ băn khoăn về việc Luật Đầu tư công mới có hiệu lực được 3 năm, đời sống ngắn chưa đủ nói lên điều gì nhưng đã đặt ra vấn đề phải sửa đổi. Theo ĐB, thực trạng này đặt ra vấn đề cần nhìn lại chất lượng ban hành của việc văn bản pháp luật thời gian qua.
“Qua giám sát thực tiễn và thẩm tra, cho thấy có nhiều vấn đề phát sinh của thực tiễn cần điều chỉnh. Luật sửa đổi này yêu cầu quan trọng đặt ra là tính lâu bền, tính ổn định bền vững và khả thi của từng quy định để tránh được việc vừa ban hành đã phải sửa đổi”, ĐB nêu quan điểm.
Đề cập đến chế độ trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu, theo ĐB Mai, các quy định trong dự thảo về vấn đề này chưa đậm nét, đối chiếu với nghị quyết trung ương 5 thì cần hoàn thiện thêm, cần quy định rõ trách nhiệm từ khâu đầu tiên lựa chọn dự án, đến thẩm định, triển khai thực hiện và kết quả. “
“Ở mỗi khâu đều phải rõ trách nhiệm của người đứng đầu, có như vậy mới đảm bảo được hiệu quả đầu tư”, ĐB nói.
Về quy trình thủ tục đầu tư, theo ĐB Mai, qua giám sát, các địa phương phản ánh quy trình của luật đối với đầu tư công đang là vật cản, kéo dài thời gian, chi phí, nguồn lực. Do vậy, ĐB đề nghị trong lần sửa đổi này cần rà soát và loại bỏ những quy trình, thủ tục không cần thiết để tạo thuận lợi cho các địa phương trong triển khai các dự án.
Ở góc độ một đại diện, ĐB Trần Thị Hiền (đoàn Hà Nam) bày tỏ trăn trở trước nhiều công trình dở dang kéo dài hơn 10 năm này ở một số tỉnh. Để xử lý, ĐB đề nghị giao cho địa phương xem xét những công trình dàn trải, tính toán xem nên xã hội hóa hay như thế nào đó.
ĐB cũng đề nghị quy định rõ thế nào là công trình đặc biệt, nhóm A, nhóm B. Đặc biệt, ĐB đề nghị phải có dự án mới cấp vốn, chứ không phải cứ ghi vốn rồi mới triển khai.
ĐB cũng đề nghị xem xét lại thời điểm phân nguồn vốn cho đúng thời điểm. “Nếu phân bổ cho các tỉnh miền Trung vào đúng đợt mưa lũ thì địa phương cũng không làm được. Hay thực tế là cứ thời điểm cuối năm Kho bạc lúc nào cũng đông, thậm chí 12 giờ đêm cũng vẫn phải ngồi chờ nguồn vốn”, ĐB dẫn chứng.