Theo đại diện PVN, trong năm 2023, Phân bón Cà Mau đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi giá nguyên liệu tăng, giá phân bón giảm, nhu cầu tiêu thụ trong nước thấp, cạnh tranh với phân bón nhập khẩu ngày càng cao… Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ sát sao của Đảng ủy Tập đoàn, cùng với sự nỗ lực của PVCFC, đơn vị này đã triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp trong quản trị, sản xuất kinh doanh và đạt được kết quả ấn tượng, hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch năm.
Một năm thành công của Phân bón Cà Mau. (Ảnh: PVN). |
Cụ thể, sản lượng sản xuất urê quy đổi ước đạt 954 nghìn tấn (kế hoạch điều chỉnh là 951 nghìn tấn), NPK ước đạt 150 nghìn tấn (so với kế hoạch là 147 nghìn tấn).
Tổng sản lượng tiêu thụ phân bón các loại trong năm 2023 của PVCFC ước đạt hơn 1,3 triệu tấn sản phẩm, tăng 20% so với năm 2022. Trong đó, sản lượng tiêu thụ urê ước đạt 866 nghìn tấn. Đặc biệt, PVCFC đã xâm nhập và phát triển thành công thị trường NPK với sản lượng tiêu thụ trong năm ước đạt được 160 nghìn tấn, bằng 192% so với năm 2022.
Một điểm sáng nổi bật của PVCFC trong năm 2023 là mở rộng xuất khẩu phân bón, góp phần gia tăng doanh thu. Đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu khi thị trường trong nước trầm lắng, nhu cầu giảm để giảm áp lực tồn kho. Tính đến nay, PVCFC đã xuất khẩu qua hơn 18 quốc gia với sản lượng xuất khẩu trong năm 2023 dự tính đạt 344 nghìn tấn, chiếm khoảng 26% tổng sản lượng tiêu thụ; giá trị xuất khẩu dự kiến đạt 136 triệu USD, chiếm khoảng 25% doanh thu các sản phẩm phân bón. Trong đó, Campuchia là thị trường xuất khẩu lớn nhất với sản lượng và giá trị xuất khẩu chiếm hơn 60%.
Cũng theo PVN, nhờ nỗ lực duy trì sản xuất kinh doanh hiệu quả nên chỉ số tài chính năm 2023 mà PVCFC đạt được là khá ấn tượng, vượt chỉ tiêu kế hoạch năm với doanh thu ước đạt 13.572 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế ước đạt 1.031 tỷ đồng.
Nhà máy Đạm Cà Mau đạt mốc sản lượng 10 triệu tấn urê vào ngày 7/12/2023. |
Trên cơ sở phân tích, đánh giá những thách thức, khó khăn trong năm 2024, Phân bón Cà Mau đưa ra chủ đề hoạt động của năm là “Kiến tạo giá trị, bền vững hơn, thịnh vượng hơn”. Trong đó, PVCFC tập trung nguồn lực ưu tiên triển khai 3 phạm vi tạo động lực phát triển bền vững là: Hoạt động đầu tư, Xây dựng chiến lược phát triển bền vững và Chuyển đổi số toàn diện, sâu rộng.
Đặc biệt, PVCFC đang triển khai dự án người nhân tạo đầu tiên của ngành nông nghiệp Việt Nam mang tên “Anh Hai Cà Mau”. Việc ra mắt dự án người nhân tạo đã khẳng định vị thế thương hiệu tiên phong, đi đầu về ứng dụng công nghệ số. "Ứng dụng này sẽ giúp gia tăng trải nghiệm khách hàng, từ đó tạo sự gắn kết và gia tăng hình ảnh thương hiệu Phân bón Cà Mau trong tâm trí khách hàng", đại diện PVN cho biết.
Bà Nguyễn Thị Hiền - Phó Tổng giám đốc PVCFC giới thiệu về dự án người nhân tạo “Anh Hai Cà Mau” tại một Hội nghị mới đây của PVCFC. (Ảnh: PVN). |
Theo ông Lê Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc PVN, kết quả mà PVCFC đã đạt được là rất đáng khích lệ, ấn tượng và toàn diện, đặc biệt là trong bối cảnh phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do những biến động thị trường. Kết quả đó đã góp phần quan trọng vào thành công chung cũng như cùng Tập đoàn lập nhiều kỷ lục trong năm nay.
Thận trọng đặt mục tiêu kinh doanh năm 20224
Phân bón Cà Mau vừa công bố kế hoạch kinh doanh năm 2024 với các chỉ tiêu kinh doanh được đặt khá thận trọng trong bối cảnh thị trường còn đối mặt nhiều thách thức. Cụ thể, trong năm 2024, Phân bón Cà Mau đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất ở mức 11.878 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 795 tỷ đồng, lần lượt thấp hơn 12% và thấp hơn 42% của mục tiêu năm 2023. Về sản lượng sản xuất, đơn vị này đặt mục tiêu sản xuất hơn 748.000 tấn urê; 110.000 tấn đạm chức năng; 180.000 tấn NPK; và phân bón tự doanh ở mức 248.000 tấn.