Chọn bức tranh Les Demoiselles d’Avignon đưa vào tựa cuốn sách Picasso and the painting that shocked the world (Picasso và bức tranh khiến thế giới sửng sốt) vừa được xuất bản ở Việt Nam, cây bút Miles J. Unger ám chỉ tới mốc năm 1907 - thời điểm bức tranh ra đời - để rồi từ đây, lịch sử nghệ thuật thế giới được phân kỳ thành “kỷ nguyên cũ và mới, trước Công nguyên và sau Công nguyên”.
Bức tranh Les Demoiselles d’Avignon (Những cô nàng ở Avignon) tái hiện chân dung năm cô gái mại dâm trong một nhà thổ, với một ngôn ngữ biểu đạt phản truyền thống và đi ngược mỹ cảm thời bấy giờ của danh họa Picasso. Được xem là tác phẩm thể hiện cái “tuyệt đối cá nhân”, “tuyệt đối tự - sự” và cũng “tuyệt đối thiên tài”, nhưng cuối cùng lại bị xếp vào hàng tác phẩm “vô đạo đức” trong buổi ra mắt chính thức lần đầu năm 1916.
Bức tranh gây sốc đến nỗi bạn bè của Picasso cho rằng ông ấy đã phát điên. Chỉ có đồng nghiệp của ông là Georges Braque mới hiểu Picasso đang cố gắng làm gì. Trong vài năm sau đó, họ đã hợp tác để tạo ra chủ nghĩa lập thể mang tính cách mạng và có ảnh hưởng nhất trong nghệ thuật thế kỷ XX.
Trong cuốn Picasso và bức tranh khiến thế giới sửng sốt, tác giả Miles J. Unger đã gói lại một cách khá tròn trịa về chân dung của người đàn ông phức tạp này. Cả thế giới diệu kỳ đã định hình nên nghệ thuật của ông trong những năm tháng trẻ tuổi. Trong đó, đặc biệt nói đến quá trình vật lộn (niềm cảm hứng dồi dào lẫn bối rối) để khai sinh “bức họa trừ tà” (cụm từ Picasso dùng để chỉ về tác phẩm Les Demoiselles d’Avignon - PV) khiến cả thế giới phải “bật dậy đứng nhìn” bởi tính cách mạng, tiền phong của nó.
Cuốn sách được Miles J. Unger xây dựng trên nền tảng khối lượng lớn các văn bản gốc và tài liệu học thuật, để từ đó viết ra những dòng tiểu sử kể chuyện và đời sống tinh thần phong phú trong chân dung của Picasso thời trẻ. Cuốn sách khám phá cuộc đời Picasso ở những thái cực mâu thuẫn. Như được bảo bọc bởi gia đình nhưng trưởng thành sớm vì áp lực; đời sống lãng tử thỏa mãn tinh thần mà túng thiếu về vật chất; tình bạn song hành với sự cạnh tranh cùng những tài năng đương thời; thờ ơ trước danh tiếng nhưng luôn tin sứ mệnh của mình là người dẫn đầu làn sóng tiên phong; sức kiến tạo tột bậc bung ra khi lật đổ và hủy diệt các quy tắc nền tảng… Rồi từ đó trả lời được câu hỏi rằng liệu sự thỏa hiệp của một thiên tài - liệu một Picasso khác - có mang lại điều gì sửng sốt hay không?
Tiến sĩ Phạm Diệu Hương - người hiệu đính cuốn Picasso và bức tranh khiến thế giới sửng sốt - khi được chuyển ngữ sang tiếng Việt - nói: “Với hơn 500 trang sách, cùng lối kể chuyện và phân tích tỉ mỉ của tác giả, cuộc đời 91 năm của Picasso hiện ra một bức tranh ký ức khổng lồ. Nó cho phép độc giả quan sát một cách bao quát và khách quan về cuộc đời cũng như diễn biến nội tâm phức tạp của một thiên tài bậc nhất thời hiện đại, nằm trong một thời kỳ biến động, hỗn loạn cả về chính trị lẫn nghệ thuật”.
Cuốn sách “giải thiêng” một bậc danh họa có ảnh hưởng bậc nhất của thế kỷ XX, trả lại một Picasso bằng xương bằng thịt: đầy nghịch lý, bất ổn, ngang ngược, đòi hỏi, u ám, cô độc… Nói như Phạm Diệu Hương, “hình ảnh một con người hết sức con người”, một người bất toàn, cô độc, vừa đáng thương vừa đáng ghét, cả đời chiến đấu với những gì tối tăm nhất trong nội tâm, bắt chúng trở thành năng lượng cho các sáng tạo.