Nếu đi theo hướng này, Bộ Công Thương ủng hộ quan điểm nhất quán của Bộ Y tế trong thời gian qua là cần cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá mới (bao gồm thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử , shisha…) vì đều là các sản phẩm có hại cho sức khỏe.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng chia sẻ dự kiến sẽ đưa mặt hàng sản phẩm thuốc lá thế hệ mới gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng vào đối tượng điều chỉnh của Nghị định thay thế Nghị định số 67/2013/NĐ-CP về kinh doanh thuốc lá để có hình thức quản lý phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Dự kiến trình Chính phủ ban hành Nghị định nêu trên trong quý 4/2023.
Theo các chuyên gia, để sớm đưa các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới vào quản lý đồng bộ dưới cùng một khung pháp lý, Việt Nam nên khảo cứu thêm các kinh nghiệm quốc tế giúp quản lý thuốc lá thế hệ mới hiệu quả và bảo vệ sức khỏe của cộng đồng. |
Trước đó, Bộ Công Thương cũng đã có 2 tờ trình báo cáo Thủ tướng về việc ban hành Nghị quyết thí điểm chính sách quản lý đối với các loại hình thuốc lá thế hệ mới, chủ yếu là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng.
Liên quan đến mặt hàng này, Bộ Tư pháp cho rằng cần đánh giá sự tương thích của thuốc lá thế hệ mới với định nghĩa của thuốc lá hiện nay. Nếu các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới này thuộc phạm trù thuốc lá thì đề xuất đưa thuốc lá thế hệ mới vào Nghị định thay thế.
Sẽ chọn hình thức quản lý phù hợp với thực tiễn
Theo Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương, cùng với sự phát triển và ứng dụng của khoa học công nghệ, nhiều loại hình thuốc lá mới đã ra đời nhằm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.
Chỉ ra sự khác biệt giữa thuốc lá thông thường và thuốc lá thế hệ mới, đại diện Cục Nghiệp vụ cho biết, sản phẩm thuốc lá thế hệ mới là sản phẩm thuốc lá hoàn toàn khác so với thuốc lá điếu thông thường, sử dụng thiết bị điện tử để làm nóng dung dịch có chứa nicotine hoặc thành phần thuốc lá tạo ra làn hơi có chứa nicotin để người sử dụng hít vào.
“Điểm khác biệt cơ bản của dòng sản phẩm này so với thuốc lá truyền thống đó là không có sự cháy hay quá trình đốt cháy”, đại diện Cục Nghiệp vụ QLTT phân tích.
Theo số liệu của Tổng Cục quản lý Thị trường, tình hình sử dụng thuốc lá thế hệ mới (TLTHM) lậu ngày càng gia tăng trong đó, tỷ lệ nhập lậu thuốc lá điện tử nhiều hơn 9 lần so với thuốc lá làm nóng. Tỷ lệ nhập lậu này là tương ứng với số liệu gần 90% tổng số người dùng TLTHM hiện tại sử dụng thuốc lá điện tử. Khảo sát của Bộ Y tế năm 2021 cũng cho thấy chỉ trong 5 năm (2015 - 2020) tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử đã tăng tới 18 lần.
Cũng theo số liệu của Tổng Cục quản lý Thị trường, Bộ Công Thương, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, cơ quan Quản lý thị trường trên toàn quốc đã xử lý rất nhiều trường hợp thuốc lá điện tử nhập lậu. Theo đó, toàn lực lượng đã kiểm tra 728 vụ, xử lý 589 vụ vi phạm. Trong đó, xử lý trên 27.467 bao thuốc lá và tương đương, xử lý trên 4.392 sản phẩm các loại thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng; tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 3,1 tỷ đồng; chuyển hồ sơ 1 vụ cho cơ quan Công an xử lý.
Cần sớm ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật sản phẩm của thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử để làm nền tảng thiết kế chính sách và thuận tiện cho công tác quản lý Nhà nước. |
Do đó, chính sách về thuốc lá thế hệ mới cần bám sát thực tiễn của thị trường để bảo tính toàn diện, bao quát của chính sách đồng thời giải quyết đúng và trúng thực trạng cũng như nhu cầu của thị trường, đáp ứng được yêu cầu chống thất thu thuế và góp phần đảm bảo trật tự xã hội.
Vừa cấm lại vừa “mở”, được không?
Ý kiến trình bày của Bộ Công Thương trước Quốc hội cho thấy Bộ đang xem xét các phương án để quản lý đối với thuốc lá thế hệ mới: có thể “mở” hoặc “cấm” cùng lúc cho hai loại sản phẩm, hoặc “cấm” với loại này và “mở” với loại kia, hoặc chỉ “mở” đối với một số sản phẩm của hai loại này và còn lại là “cấm”.
Theo phân tích của các chuyên gia, hiện không thể cấm vì thuốc lá thế hệ mới không thuộc danh mục sản phẩm bị cấm sản xuất kinh doanh theo quy định hiện hành của Việt Nam. Tuy nhiên, do Việt Nam chưa ban hành chính sách cho phép lưu thông nên thực tế vẫn đang là cấm, vì vậy tất cả việc mua bán, quảng cáo đang diễn ra bất hợp pháp, đặc biệt trên các nền tảng mạng xã hội.
Các chuyên gia cũng cho rằng, thuốc lá điện tử có chứa nicotin và thuốc lá làm nóng đều có đặc tính kỹ thuật tương tự nhau, đều nằm trong cùng phân nhóm sản phẩm thuốc lá không có quá trình đốt cháy, cả hai đều có sử dụng hương liệu, nên cần được quản lý thí điểm cùng lúc, tạo sự đồng bộ trong quản lý, giúp Chính phủ đánh giá được tác động kinh tế - xã hội để xây dựng các chính sách phù hợp nhất và áp dụng lâu dài.
Rõ ràng, trong bối cảnh thuốc lá điện tử nhập lậu đang chiếm lĩnh thị trường hiện nay, yêu cầu cấp bách nhất với việc quản lý thị trường thuốc lá thế hệ mới chính là cần đưa thuốc lá điện tử có chứa nicotin vào khung khổ pháp lý để giảm nhập lậu, kiểm soát những bất cập về vấn đề sử dụng hàng nhập lậu, kém an toàn, rủi ro cho sức khỏe người dùng, và tránh thất thu ngân sách.
Để có giải pháp bao phủ toàn bộ thị trường thuốc lá thế hệ mới và “phù hợp với yêu cầu của thực tiễn”, thì giải pháp thích hợp nhất là đồng thời thí điểm hoặc quản lý cả thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử có chứa nicotin dưới cùng khung pháp lý. Việc thí điểm tuần tự từng loại thuốc lá thế hệ mới sẽ gây nhiều hệ lụy như công tác quản lý thị trường trở nên phức tạp hơn do thiếu vắng sản phẩm hợp pháp phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng, ngân sách nhà nước bị thất thu, đồng thời chưa tạo lập được môi trường kinh doanh hoàn chỉnh, bình đẳng cho các sản phẩm thuốc lá hế hệ mới.