Với diện tích 176.000 km2, phần lớn tỉnh Quý Châu toàn là đồi núi, trong đó địa hình vùng núi đá vôi chiếm 61%.
Nhiều nét văn hóa đặc sắc
Theo tờ New York Times, Quý Châu còn là địa danh duy nhất của Trung Quốc nằm trong danh sách 52 điểm đến phải tới trong năm 2016. Tổng thư ký Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, ông Francis Gurry đã khen ngợi văn hóa, sinh thái, nghệ thuật ca múa hay các loại rượu tại đây.
Được biết, Quý Châu là một trong những tỉnh có sự đa dạng về sắc tộc nhất Trung Quốc, trong đó đông dân nhất là người Miêu, Đông, Dao, Di... Nơi đây còn là quê hương của quốc tửu Trung Quốc - rượu Mao Đài, và loại ớt nổi tiếng thế giới - Lão Can Ma.
Người Miêu được biết đến với nền võ thuật lâu đời, bất kể già, trẻ, gái, trai khi đến tuổi trưởng thành đều có một số hiểu biết nhất định về giao đấu. Trải qua bao đời, các võ sư người Miêu không ngừng cải thiện và phát triển võ thuật Miêu gia trở thành một lưu phái độc đáo của võ thuật Trung Hoa.
Ngoài ra, là tài nghệ leo núi để hái thảo dược giống hệt như “người Nhện” cũng khiến dân tộc này nổi tiếng. Kỹ năng leo núi đặc biệt này được truyền từ đời này sang đời khác này và đã trở thành một truyền thống “độc nhất vô nhị” của người Miêu. Điều đặc biệt ở đây là người Miêu leo núi đều bằng tay không, không hề sử dụng dây thừng hay bất cứ dụng cụ gì khác, bởi vì rất lâu trước đây, tổ tiên của họ không hề có những thứ đó. Ban đầu, họ leo núi để treo quan tài, nhưng tang lễ kiểu người Miêu này đã dần mất đi, sau này chuyển thành leo núi để hái thảo dược.
Phụ nữ Miêu ở Quý Châu với trang sức bạc trong người |
Muốn lấy chồng, phải có 10 cân bạc
Ngoài ra người Miêu ở Quý Châu còn có một nét đặc trưng văn hóa khác nữa vô cùng độc đáo, đó là mặc trang phục bằng bạc trên người. Bạn sẽ không ngạc nhiên khi nhìn thấy một số lượng trang sức bạc lớn trên người những cô gái Miêu, bởi theo quan niệm truyền thống, bạc tượng trưng cho ánh sáng và có thể xua đuổi tà ma.
Khi kết hôn, cô Guanghui Wu đã mang trên mình tới 10kg bạc, “theo truyền thống của người Miêu, tất cả các cô gái đều phải có một bộ trang sức bằng bạc mới đủ điều kiện để lập gia đình”, cô Wu giải thích.
Bạc đối với những người phụ nữ rất quan trọng, bởi người Miêu tin rằng người con gái sẽ không thể lập gia đình nếu họ không sở hữu một bộ trang phục bằng bạn thích hợp. Thậm chí, nhiều gia đình còn phải tiết kiệm 10 năm trời để có được số bạc cần thiết cho con gái đi lấy chồng. “Bộ trang phục bằng bạc thể hiện sự giàu có gia đình một cô gái”, cô Wu nói. Gia đình cô cũng đã thực hiện truyền thống này và dành dụm bạc từ ít nhất 3 thế hệ để chuẩn bị đám cưới của cô trong tương lai. Mặc dù hiện nay đã có những thay đổi trong nhận thức, nhưng cô vẫn chưa thực sự sẵn sàng từ bỏ truyền thống lâu đời này.
Đối với những người phụ nữ của dân tộc Miêu ở tỉnh Quý Châu, phía Đông Nam Trung Quốc, trong những nét văn hóa hàng ngày như đám cưới, đám ma, một bữa tiệc sinh nhật hay lễ hội mùa xuân khi các cặp đôi công khai tình yêu… họ thường đội trên đầu những chiếc mũ bằng bạc rất đẹp, tỉ mỉ và tinh xảo.
Đặc biệt nhất ngày lễ Sisters' Meals Festival (ngày lễ của tình yêu và mùa xuân) - lễ hội quan trọng nhất trong năm của người Miêu, thường được tổ chức vào rằm tháng 3 âm lịch hàng năm. Đối với họ, đây được coi là ngày Valentine cổ xưa nhất. Vào ngày này, các cô gái Miêu mặc những bộ trang phục đẹp nhất với trang sức như mũ đội đầu, vòng cổ, vòng tay, cài tóc, thậm chí là váy… được làm bằng bạc. Khi đến với lễ hội, các chàng trai đều tìm chọn cho mình một cô gái mà họ muốn lấy làm vợ, họ hát đối với nhau. Khi chàng trai không hát lại được, họ phải tặng quà cho cô gái và ngược lại.
Người Miêu là một trong những dân tộc thiểu số lớn nhất Trung Quốc với con số gần 9 triệu người. Thuật ngữ “Miêu” được sử dụng để chỉ ngôn ngữ và văn hóa của các nhóm dân tộc thiểu số ở phía Tây Nam Trung Quốc. Và người Trung Quốc xác định họ theo khu vực sinh sống và màu sắc trang phục đặc trưng của phụ nữ. Người Miêu ở phía Tây Hồ Nam được gọi là “Miêu đỏ”, trong khi ở phía Nam Tứ Xuyên được là “Miêu xanh”.
Ví như trang phục của mẹ cô Wu là bà Zilan Zhang là màu xanh Miêu truyền thống. Dân tộc Miêu ở Quý Châu, phụ nữ đến năm 7 tuổi đều phải học thêu để thêu lên những bộ trang phục của mình. Ở đây, phụ nữ và nam giới trung hoặc lớn tuổi thường đeo dây truyền bạc đơn giản, còn đồ trang phức phức tạp chỉ dành cho phụ nữ trẻ.
Gia đình ông Peiyuan có truyền thống làm bạc từ lâu đời |
Đang bị mai một dần
Cha của Wu là ông Peiyuan sinh ra ở Hồng Tây, một ngôi làng có lịch sử 100 năm làm bạc ở Quý Châu. Trong làng, gia đình Wu có truyền thống làm đồ trang sức bằng bạc lâu đời. Trang sức bạc của người Miêu hoàn toàn được làm thủ công bằng tay, do vậy mà không bao giờ có chuyện hai món trang sức giống hệt nhau.
Hàng ngày, ông Peiyuan có nhiệm vụ làm chảy và định hình bạc, trong khi bà Zilan có làm công việc rửa sạch và lau khô những đồ trang sức vừa mới làm ra. Giờ đây, họ đã có một cửa hàng nằm ngay ngoài khu chợ Kaili, xung quanh cũng có tới 50 gia đình khác cũng mở cửa hàng bán đồ trang sức bạc. Rất nhiều người trong số họ là dân từ làng Hồng Tây.
Hiện tại, quê hương Quý Châu đã có nhiều thay đổi, nhiều người chuyển đến thành phố sinh sống và làm ăn bằng nghề này để kiếm thêm thu nhập và có thêm tiền để mua thêm nhiều bạc hơn. Hai vợ chồng ông bà Peiyuan cũng vậy, nhưng có một điều không hề thay đổi đó truyền thống chạm bạc của người Miêu, họ vẫn tiếp tục làm việc cùng nhau để tạo ra những tác phẩm chạm bạc tinh tế.
Được biết, dân số ở làng Hồng Tây chỉ có khoảng 2.000 người, chủ yếu là nông dân và những người thợ chế tác bạc. Nhưng giờ đây, nghề thủ công truyền thống này đang bị mai một bởi hầu hết những người trẻ thường tìm ra thành thị để kiếm sống chứ không muốn trở về quê hương tiếp nối truyền thống mà tổ tiên đã để lại qua nhiều thế hệ.
Nếu quan sát kỹ sẽ rất dễ nhận thấy hầu hết người dân ở Hồng Tây chỉ có trẻ con và người già sinh sống. “Hầu hết trẻ con được sinh ra và sống ở thành phố. Thế hệ trẻ người Miên giờ đây không nói tiếng Miêu với con trẻ nữa. Vì vậy, ngôn ngữ của chúng tôi đang dần chết đi. Nhưng đối với tôi, tôi vẫn luôn muốn con trai học tiếng và giữ gìn văn hóa và truyền thống quý bàu này” cô Wu nói.
Tuy nhiên, vẫn có một số người trẻ muốn trở về với nông nghiệp nơi cha ông họ đã làm ruộng bậc thang nhiều đời. Cô Wu cũng là một trong số đó, mặc dù rời làng Hồng Tây từ năm 6 tuổi, nhưng gia đình cô vẫn có một ngôi nhà ở làng và rất thích về đó ở. Giờ đây ở tuổi 29, Wu làm y tá ở bệnh viện tại Kaili. Dù sống xa làng khi còn bé, nhưng Wu tự hào về di sản và câu chuyện gia đình: cha mẹ cô kết hôn với 1kg trang sức bạc, trong khi cô đeo tới 10kg. Cô và người chồng Shikun Yang đã lên kế hoạch truyền lại những nét văn hóa đặc biệt của dân tộc họ đến con cháu.
Trong quá khứ, người Miêu được khuyến khích đồng hóa với văn hóa chủ đạo Trung Hoa, nhưng gần đây họ đã bắt đầu quan tâm đến việc khôi phục truyền thống văn hóa đặc sắc của mình. Giờ đây khi mà những món đồ thủ công mỹ nghệ tinh xảo của người Miêu được nhiều người biết đến và ngưỡng mộ, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch ở đây bắt đầu phát triển.../.