Nằm trên đường Nguyễn Thông, phường Phú Hài của TP Phan Thiết xinh đẹp, Công viên tượng cát Phan Thiết “Forgotten Land” rộng khoảng 2 héc ta với gần 40 tượng cát đủ kích cỡ và hình dáng do những nghệ nhân điêu khắc tượng cát nổi tiếng đến từ các quốc gia khác nhau là Nhật Bản, Singapore, Togo, Brasil, Mỹ, Canada, Nga, Litva, Bỉ, Hà Lan, Cộng hòa Czech, Ý, Tây Ban Nha, Úc sáng tác.
Cung điện nguy nga, cổ kính kiến trúc phương Tây |
Đến Công viên tượng cát, bạn như được lạc vào xứ sở thần tiên bởi hầu hết các bức tượng cát được sáng tác dựa trên những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết của thế giới và Việt Nam. Trong đó, kỳ thú nhất là những câu chuyện thần thoại Việt Nam vốn rất quen thuộc với mọi người như Sơn Tinh - Thủy Tinh, Cóc kiện trời, Sự tích Thạch Sùng; hay những di sản văn hóa nổi tiếng như Chùa Thiên Mụ, Tháp Chăm Pô Nagar.
Lộ diện công viên tượng cát hoành tráng |
Để phục vụ nhu cầu tham quan nhân mùa du lịch hè 2017, Công viên tượng cát Phan Thiết vừa có thêm nhiều tác phẩm cát độc đáo là kết quả của Giải Vô địch nữ điêu khắc gia tượng cát thế giới năm 2017 với sự tham gia của 8 nghệ nhân điêu khắc tượng cát đến từ Mỹ, Ý, Bỉ, Hà Lan, Tây Ban Nha, Úc, Látvia và Canada. Tất cả các tác phẩm đều lấy ý tưởng từ các câu chuyện cổ tích nổi tiếng của Việt Nam và thế giới. Mỗi tác phẩm là tình yêu và tâm huyết của các nhà điêu khắc thổi hồn vào các câu chuyện cổ, truyền thuyết mang nhiều ý nghĩa sâu xa.
Đơn cử như nữ điêu khắc Susanne Ruseler (Hà Lan) “kể” truyền thuyết “Con Rồng, cháu Tiên” qua tác phẩm tượng cát với những chi tiết rất ấn tượng là những quả trứng và những đứa bé được che chở bởi “Cha Rồng” và “Mẹ Tiên”. Trong khi đó, nữ nghệ nhân Hanneke Supply (Bỉ) lại chọn câu chuyện cổ tích mà thiếu nhi Việt Nam rất thích là “Sự tích Trung thu” để sáng tạo nghệ thuật. Hình ảnh chị Hằng duyên dáng trên mặt trăng cách điệu với nhiều đường nét tinh xảo đã tạo nên một tác phẩm cát vừa nghệ thuật lại vừa gần gũi với khách tham quan.
Nhiều hoạt cảnh trong truyện cổ |
Tính nhân văn, sự mộc mạc pha chút thông minh, dí dỏm như tính cách người Á Đông trong những câu chuyện cổ tích Việt Nam đã như chất xúc tác giúp cho sự sáng tạo của các nữ nghệ nhân điêu khắc càng thăng hoa trong những tác phẩm cát đẹp, đầy tính biểu cảm như “Trạng Quỳnh chữa bệnh” của Mélineige Beauregard (Canada), “Trí khôn của ta đây” của Michela Ciappini (Ý). Cùng với những câu chuyện thuần Việt, các nữ điêu khắc gia còn khéo léo chọn những câu chuyện cổ tích nổi tiếng thế giới để làm chủ đề tác phẩm tượng cát của mình. Đó là “Cuộn chỉ của Ariadne” của Nuria Vallverdu (Tây Ban Nha), “Mặt nạ của khỉ” của Meg Murray (Úc), “Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn” của Sue McGrew (Mỹ), “Alice lạc vào xứ sở thần tiên” của Agnese Rudzite Kirillova (Latvia).
Đến thành phố Phan Thiết xinh đẹp của tỉnh Bình Thuận- nơi được mệnh danh là xứ sở của cát với các tên gọi khác nhau: đồi cát bay, đồi cát vàng, đồi cát hồng… ngoài việc thỏa thuê du ngoạn trượt cát, thưởng ngoạn, bạn còn được màn nhãn với những tác phẩm điêu khắc tuyệt vời tại Công viên tượng cát. Đến Công viên tượng cát, điều khiến du khách Việt vẫn cảm thấy có chút tiếc nuối là những công trình nghệ thuật này vắng bóng các tên tuổi và bàn tay tài hoa của nghệ sĩ điêu khắc Việt Nam.
Tháp Chăm uy nghi, trầm mặc |
Với giá vé tham quan được cho là khá mềm”: 100k vé người lớn và 70k vé trẻ em, công viên tượng cát thu hút một lượng lớn du khách tham quan, nhất là vào thời điểm mùa hè.
Ngoài các tác phẩm tượng cát, công viên còn được đầu tư trồng thêm nhiều cây xanh, các loại hoa lá cảnh để tạo thêm mảng xanh và bóng mát cho cảnh quan của công viên, đem đến sự thoải mái, ấn tượng đẹp và khó quên cho khách tham quan.