Phụ nữ có trung bình 11 năm, nam giới 8 năm sống trong bệnh tật

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đây là một trong những thông tin được công bố tại Hội thảo quốc gia thường niên “Sức khoẻ & tuổi thọ” được tổ chức tại TP HCM mới đây.
Hội thảo quốc gia thường niên “Sức khoẻ & tuổi thọ” được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh.
Hội thảo quốc gia thường niên “Sức khoẻ & tuổi thọ” được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh.   

Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,6 tuổi. Ngược về năm 1999, con số này là 68,6.

Trước đó, vào năm 1940 khi so sánh tuổi thọ trung bình thế giới với tuổi thọ trung bình của người Việt Nam thì ước tính cần khoảng 80 năm để người Việt Nam đạt ngang bằng thế giới về tuổi thọ bình quân. Thực tế đến năm 2019, tuổi thọ bình quân của thế giới là 72 tuổi.

Kết quả này cho thấy thành tựu trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân và sự phát triển kinh tế - xã hội đã góp phần làm tăng tuổi thọ trung bình của người Việt.

Tuy nhiên, nếu duy trì mức tăng như trong giai đoạn 2009 - 2019 thì đến năm 2030, tuổi thọ trung bình cả nước sẽ khó đạt 75 năm như trong Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu, khóa XII, BCH Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới đã đề ra.

Đáng chú ý, mặc dù hiện nay tuổi thọ trung bình của người Việt đã tăng cao nhưng số năm sống khoẻ mạnh lại thấp hơn so với nhiều quốc gia. Phụ nữ có trung bình 11 năm sống trong bệnh tật, trong khi ở nam giới khoảng 8 năm.

Một vấn đề đáng lo ngại khác là tình trạng già hoá dân số. Cách đây 10 năm, năm 2011 Việt Nam bắt đầu vào giai đoạn già hoá dân số và là một trong những quốc gia có tốc độ già hoá dân số nhanh nhất thế giới.

Năm 2017, tỉ lệ dân số trong nhóm người cao tuổi chiếm 11,9% tổng dân số. Có nghĩa là cứ 9 người thì có một người từ 60 tuổi trở lên.

Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2038, nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên chiếm khoảng 21 triệu người, tương đương 20% tổng dân số. Con số này là 27 triệu người, chiếm 25% tổng dân số vào năm  2050.

Đối chiếu thống kê tại Việt Nam và thế giới năm 2019 cho thấy, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã cao hơn 1,6 năm so với bình quân thế giới. Như vậy, nếu tính theo mức tăng tuổi thọ bình quân cao nhất là 0,1 tuổi/năm thì dân số Việt Nam đã già hoá hơn dân số thế giới khoảng 16 năm.

Điều này cho thấy dù tuổi thọ trung bình tăng nhanh nhưng tốc độ già hoá dân số của Việt Nam cũng nhanh hơn thế giới.

PGS.TS.BS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất cho biết: Tuổi thọ tăng là một trong những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội nói chung và chăm sóc sức khỏe nói riêng. Tuy nhiên, già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh đặt ra những thách thức rất lớn về sự cần thiết phải thay đổi hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, giao thông, vui chơi giải trí… nhất là hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở nước ta.

Đặc biệt, tại Việt Nam, tuổi thọ tăng lên, tuy nhiên tỉ lệ người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên mắc bệnh rất lớn, do đó việc chung tay nghiên cứu để nâng cao sức khoẻ, tinh thần người cao tuổi là vấn đề đặt ra với các ngành, các cấp.

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Trưởng ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương,  nhấn mạnh: “Sức khỏe là một phạm trù rộng lớn và chịu tác động của nhiều yếu tố khác nhau. Việc chăm sóc sức khỏe không thể chỉ được gói gọn trong khái niệm nâng cao thể chất mà cần chủ động mở rộng sự quan tâm sang cả sức khỏe tinh thần, cảm xúc, tâm linh, hay nghề nghiệp và môi trường xung quanh”.

Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng tại Việt Nam, đi đôi với tuổi thọ trung bình được nâng lên thì vấn đề già hóa với tốc độ nhanh trong bối cảnh nước ta vẫn là một quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp là một thách thức không hề nhỏ. Do đó, thời gian tới bên cạnh các chính sách nhằm nâng cao chất lượng dân số, Việt Nam cần xây dựng đồng bộ các Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; cải thiện công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi và hệ thống an sinh xã hội, chính sách lao động cho người cao tuổi. Tạo điều kiện cho người cao tuổi tiếp tục tham gia hoạt động kinh tế giúp giải quyết các vấn đề về xã hội, nâng cao mức sống, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất hàng hóa, dịch vụ, tăng quy mô sản xuất.

Đọc thêm

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

(PLVN) - Thanh tra Sở Y tế tỉnh Gia Lai mới ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Văn Phán (SN 1961), bác sỹ Chuyên khoa I, đồng thời đình chỉ 2 tháng hoạt động của phòng khám chuyên khoa Ngoại (thuộc phòng khám đa khoa Tây Nguyên) vì chẩn đoán sai bệnh rồi chỉ định phẫu thuật dương vật của bệnh nhân. 

Cần nhiều giải pháp để phòng, chống bệnh dại

Giải cứu các chú chó và kêu gọi các nhà hàng thịt chó chuyển mô hình kinh doanh ở Thái Nguyên. (Ảnh: HSI )
(PLVN) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại. Đây là biện pháp kịp thời trong việc phòng, chống bệnh dại cũng như hành động quyết liệt hơn nữa nhằm chấm dứt nạn buôn bán và giết mổ chó, mèo để lấy thịt hàng năm trên toàn quốc.

1.000 người nghèo Yên Bái được khám, chữa bệnh miễn phí

1.000 người dân Yên Bái được thăm khám và cấp thuốc miễn phí. Ảnh: Vụ Sức khỏe Bà mẹ - trẻ em
(PLVN) - Trong 4 ngày vừa qua (20-23/3), Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em - Bộ Y tế và Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức chương trình khám, chữa, sàng lọc bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 1000 người, hỗ trợ bệnh nhân nghèo và học sinh có hoàn cảnh khó khăn và tiến hành đào tạo chuyển giao kỹ thuật cấp cứu sản khoa cho Bệnh viện Sản nhi Yên Bái và Trung tâm Y tế huyện Yên Bình.