Phụ huynh không ở… “ngoài cuộc”

“Con hãy sống thật hạnh phúc, nỗ lực để trở thành người mà con muốn trở thành”…
“Con hãy sống thật hạnh phúc, nỗ lực để trở thành người mà con muốn trở thành”…
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhiều ý kiến cho rằng, chuyện học hành, thi cử có lẽ chưa bao giờ lại có nhiều áp lực như ngày nay. Văn hóa Á Đông, khoa cử ảnh hưởng không nhỏ đến các gia đình ở Việt Nam. Đôi khi giỏi và dốt được nhìn qua điểm số, học lực của con - nhiều cha mẹ luôn mặc định con cái nhất định phải giỏi giang hơn người…

“Sự nghiệp” khoe thành tích con hơn người!

Hoàng Huy, một du học sinh từng học tại Anh chia sẻ một thực tế rất thật về học sinh giỏi toàn diện, áp lực học hành nhiều năm qua. Đó là một vòng tròn: Ăn thì phải no, học thì phải giỏi, yêu là phải cưới, cưới là phải sinh con, sinh con thì con cũng phải học giỏi, học giỏi là phải trường chuyên, trường chuyên nhưng còn phải lớp xịn, lớp xịn là phải đỗ đại học, đại học là phải top đầu, top đầu là phải… không thất nghiệp… Bạn thấy đấy, rất nhiều nghịch lý luẩn quẩn hiện có trong xã hội của chúng ta đều ít nhiều liên quan đến một từ: GIỎI.

Thực tế, để học giỏi bạn cần phải “học đều”, tức là phải học giỏi tất cả các môn, đầu tư thời gian dàn trải để giỏi tất cả các môn. Đồng nghĩa là rất khó cho bạn để có chặng nghỉ nghĩ về những gì mình yêu thích nhất và có tiềm năng phát triển nhất. Rất nhiều học sinh giỏi cái gì cũng giỏi, nhưng chẳng thật sự giỏi cái gì. Rất nhiều học sinh khi được hỏi “Em thích làm gì nhất?”, trả lời “Em không biết.”…

“Để học giỏi ở Việt Nam, cuộc sống của bạn rất dễ bị mẻ, bị lệch và rất có thể bị vỡ nữa. Bạn còn quá trẻ và non nớt, vì thế nên bạn cần đi học để trưởng thành lên theo năm tháng. Nhưng bố mẹ và thầy cô luôn cần bạn phải là số 1, không được là số 2! Nhất định phải là số 1, và họ thi nhau chất lên lưng bạn những áp lực nặng nề mà chính bạn cũng không thể biết được đâu là giới hạn. Đến khi bạn kém giao tiếp, ứng xử lúng túng, không biểu đạt ngay cả những gì mình muốn nói, không tự tin giữa đám đông chỉ vì ngoài giờ học bạn không còn người bạn thân nào hơn Facebook, Zalo và máy tính và điện thoại, không có thời gian để quan sát cuộc sống tươi đẹp xung quanh… Thì rất có thể, đấy là cách những tờ giấy khen Học sinh giỏi âm thầm đánh cắp tuổi thơ của bạn”.

Bày tỏ quan điểm thẳng thắn, Hoàng Huy nhấn mạnh: “Bố mẹ Việt đang nhầm lẫn giữa: học Tốt và học Giỏi, nhiều phụ huynh cứ có niềm tin mù quáng là con cứ học giỏi là chắc chắn là có vé đi ga “Tương Lai Hạnh Phúc”! Họ cứ cố nhồi con học cho đến khi họ nhận ra sự thật bẽ bàng: học giỏi mà không hạnh phúc thì còn bất hạnh hơn học dốt mà biết cái gì là tốt!

Vấn đề không nằm ở Bộ Giáo dục, mà nằm ngay trong chính tâm thức mỗi ông bố bà mẹ: có dám để cho con mình học dốt - học theo đúng năng lực của mình hay không, hay sợ dư luận chê cười? Nếu con bạn là cây Tùng xin đừng trồng trong chậu, chăng đủ thứ đồ trang trí lên và gọi nó là cây Thông Noel”.

Còn nhớ vài năm trước, một phụ huynh đã đánh và bắt con quỳ dưới sân trường giữa trưa nắng tháng 6, cái gào của một bà mẹ: “Để yên cho tôi dạy con, 7 năm học sinh giỏi mà giờ đến trường tư người ta cũng không thèm nhận. Hôm nay, tao phải đánh cho mày chết thì thôi”… Có lẽ, sự việc ấy không chỉ gây ám ảnh cho những người chứng kiến sự việc xảy ra hôm đó, mà còn để lại cho xã hội nhiều suy nghĩ về cách dạy con và cả những kì vọng của cha mẹ với con cái.

Những gào thét, những cái đánh con có làm cho người mẹ bớt đi sự tức giận, hay nó chỉ là sự bộc phát của những kìm nén, bế tắc và thất vọng bởi những kì vọng của chính bà mẹ đối với con mình mà thôi?!

Phúc Lai tác giả các cuốn sách đang khá hot hiện nay “Bố bỉm sữa dạy con thành công dân toàn cầu” bày tỏ: “Nhìn lại bản thân mình trước khi bắt tay viết cuốn sách đó, xuất phát điểm của tôi cũng chính là những sai lầm của bản thân. Bản thân con trai tôi cũng bị tôi mắng mỏ nhiếc móc rất nhiều suốt trong những năm tiểu học và cả trung học phổ thông, đến mức có lần cháu tâm sự với mẹ là cũng muốn tự tử.

Vì thế mà khi nhận ra những bài học xương máu và viết lại thành từng dòng chữ trong sách, tôi luôn canh cánh và tâm niệm rằng “làm cha mẹ phải là một quá trình học tập và thực chất, là quá trình dạy bản thân mình”. Câu này hoàn toàn không hề sáo rỗng, vì đến cuối sách tôi có một loạt những tổng kết về sự nhầm lẫn của quá trình giáo dục.

Chúng ta cũng không nên quên là rất nhiều cha mẹ đang đặt lên con những sức ép thường xuyên hiện nay, lại là những “ngôi sao dạy con” nhận được nhiều ngưỡng mộ. Đáng chú ý là những ngôi sao đó đang áp dụng rất nhiều những thứ ngoại lai được coi là “tiến bộ” hay “cấp tiến” gì đó. Người quen của tôi cũng có những bác như vậy: coi việc con mình kiếm được những thành tích để khoe lên mạng xã hội là sự nghiệp cả cuộc đời, thậm chí muốn đạt của những thứ mà hầu như không ai đạt được như điểm IELTS rất cao ngay cả với học sinh trung học hay sinh viên khi con ở lứa tuổi cấp 2.

Học giỏi, có hạnh phúc không?

Tác giả Phúc Lai cũng cho rằng, tấm huy chương nào cũng có mặt trái của nó. Những thành tích đó không đảm bảo sau này con của chúng ta sẽ trở thành người hạnh phúc. Mà mục đích của giáo dục phải tạo ra được những con người biết sống hạnh phúc, biết tạo lập cho bản thân và gia đình mình cuộc sống hạnh phúc.

Giữa những ngổn ngang của những đứa trẻ bị quá tải “cầm kỳ thi họa”, câu hỏi bao năm qua vẫn là giáo dục Việt Nam đang phát triển theo mục tiêu gì? Giúp 1 đứa trẻ có nhiều kiến thức hay muốn nó phát triển một cách tốt đẹp về nhân cách, tri thức, hiểu biết? Đành rằng, áp lực là cần thiết để đi tới thành công. Nhưng áp lực phải xuất phát từ chính đam mê của chính bọn trẻ để vượt qua chính mình, qua những kỳ thi quan trọng, chứ không phải chỉ vì mục tiêu của cha mẹ. Nhà văn Hoàng Anh Tú bày tỏ: “Tôi chỉ nghĩ rằng giáo dục một đứa trẻ không thể không bằng sự thiết tha mong điều tốt đẹp đến với đứa trẻ. Là thầy cô phải gắn bản thân mình vào mỗi đứa trẻ thay vì làm chức trách một giáo viên truyền thụ kiến thức. Khi tôi chia sẻ với cô Dương Quỳnh Phạm về dự án 1000 giáo viên kim cương, tôi có nói: Giáo viên kim cương không chỉ là giá trị tính bởi số cara kiến thức của các cô. Mà phải bằng độ sáng và độ quý mà các thầy cô tạo ra trong cảm nhận của lũ trẻ. Để 10 năm, 20 năm thậm chí như tôi, đến 30 năm vẫn nhớ về thầy cô ấy dù chả nhớ thầy cô ấy đã dạy mình kiến thức gì, dù mình quên hết kiến thức thầy cô ấy dạy. Nhưng mình vẫn nhớ thầy cô, vẫn biết ơn thầy cô, vẫn muốn ôm lấy thầy cô của mình khi gặp lại. Kim cương là vậy.

Thưa các thầy cô vẫn đang đứng trên bục giảng hôm nay, xin hãy khiến học trò nhớ về mình bởi trái tim của thầy cô chứ không phải sự uyên bác của mình. Hướng nghiệp nào bằng Hướng Thiện. Mà muốn hướng trẻ đến cái thiện, nếu thầy cô chưa đủ thiện thì hướng làm sao? Đừng làm thầy cô ác chỉ vì muốn chúng học giỏi, muốn chúng kỷ luật, muốn chúng thành người”.

Nhà văn Di Linh đã từng công bố học bạ bảng điểm “học dốt” thời phổ thông của mình để minh chứng: “Điểm số trung bình không dẫn đến một cuộc đời bỏ đi”. Thực tế, năng lực của một người hay nói cách khác là vấn đề “giỏi và dốt” không hoàn toàn phụ thuộc vào điểm số của một số môn học, khóa học. Không ít người có điểm số không cao, thậm chí là học lực bình thường nhưng lại rất giỏi và thành công trong nhiều lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau trong xã hội…

Và như thế, có nhiều con đường để đi tới thành công, theo những đam mê và lựa chọn của mỗi người. Con cái sinh ra không phải có bổn phận làm cho cha mẹ tự hào. Điều quan trọng, mỗi con người được hạnh phúc và hướng thiện, để lan toả những điều tốt đẹp, có ý nghĩa cho chính họ và cuộc sống mỗi ngày.

TS Tâm lý Đào Lê Hòa An chia sẻ, về cá nhân, tôi luôn muốn con mình hiểu rằng không cần phải đạt danh hiệu học sinh giỏi hay xuất sắc, không cần phải áp lực về điểm số. Con chỉ cần không ngừng nỗ lực cố gắng hoàn thiện bản thân, xác định mục tiêu cuộc sống rõ ràng, tích cực tham gia các hoạt động, rèn luyện kỹ năng, mạnh dạn khám phá những nơi con muốn đến. Hãy tích góp thật nhiều trải nghiệm thú vị và làm những điều mà con cảm thấy hạnh phúc, trở thành người mà con muốn trở thành…

Mong các bậc phụ huynh đừng quá gây áp lực cho các em

Trong buổi lễ gặp mặt, tuyên dương những học sinh đoạt giải Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2021, lời nhắn nhủ của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã thực sự chạm đến trái tim của nhiều người: “Những kết quả này là sự chỉ báo, những dấu hiệu cho thấy các em có những năng lực vượt trội, những tiềm năng lớn có thể đi xa, đạt thành công lớn trong tương lai… Các em đừng quá tự gây áp lực cho chính bản thân mình. Quan trọng là trong sự phấn đấu mỗi ngày, ngày hôm sau các em cảm thấy đã vượt lên chính mình của ngày hôm trước. Mong các bậc phụ huynh đừng quá gây áp lực cho các em. Nếu không, những tấm huy chương dành cho các em ngày hôm nay sẽ là một gánh nặng trong chặng đường sắp tới. Hãy xem những tấm huy chương là năng lượng cho chặng đường sắp tới và là sự động viên cho tương lai. Các em có thể học tiếp trong nước, các em có thể học ở nước ngoài, các em có thể làm việc ở bất cứ nơi đâu các em thấy thích hợp nhưng quan trọng là bên cạnh sự rèn luyện, tri thức, năng lực làm việc, mong các em hãy quan tâm đến cách sống, quan tâm đến nghệ thuật, đến những điều mà các em có thể sống ở đời và cảm thấy hạnh phúc. Và chỉ sống một cuộc sống hạnh phúc thì các em mới có thể làm những việc lớn cho quê hương, cho đất nước và nhân loại. Dù ở nơi đâu, các em hãy thể hiện mình là người tốt, là công dân Việt Nam, đã từng nhận những tấm huy chương và nhận được sự kỳ vọng của rất nhiều người”.

Đọc thêm

Hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Trường phổ thông dân tộc nội trú được Nhà nước thành lập cho học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc gia đình định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. (Nguồn ảnh: baochinhphu.vn)
(PLVN) - Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có những chuyển biến đáng kể. Để phát huy những kết quả đã đạt được, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách đã ban hành, đồng thời nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục đối với khu vực này.

Cần chuẩn bị gì cho thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025?

Học sinh cần xác định lộ trình học tập phù hợp với năng lực và kì thi mình tham gia. (Ảnh minh họa - Nguồn: ĐN)
(PLVN) - Kì thi tuyển sinh đại học những năm gần đây đã có nhiều thay đổi cùng với các kì thi riêng của các trường đại học lớn… Đồng thời, kì thi tốt nghiệp THPT cũng đổi mới phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vậy học sinh và phụ huynh cần chuẩn bị gì cho những kì thi từ năm 2025 theo chương trình mới?

Sinh viên tốt nghiệp đào tạo nghề và cơ hội được chào đón ở Đức

Đại diện ĐSQ Đức và GIZ chụp ảnh cùng ban lãnh đạo trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế LILAMA2.
(PLVN) - Những sinh viên tốt nghiệp có trình độ cao đầu tiên được hỗ trợ bởi Cơ quan hợp tác phát triển của Đức (GIZ) đang trên hành trình đến Đức. Điều này đánh dấu sự khởi đầu một chương đầy hứa hẹn cho lao động lành nghề Việt Nam và hệ thống đào tạo Việt Nam trên trường toàn cầu.

Mẫu phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 10 ở Hà Nội

Ảnh minh họa

(PLVN) - Ngày 19/4 là hạn để học sinh lớp 9 trên địa bàn Hà Nội nộp phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 10. Điền phiếu đăng ký dự tuyển là một bước quan trọng đối với các thí sinh chuẩn bị tham gia kỳ thi quan trọng này.