Phong trào biểu tình Áo vàng tàn phá nước Pháp: Có một “thế giới khác” trái ngược Paris hào nhoáng phồn hoa

Một người biểu tình ném trả lựu đạn hơi cay về phía cảnh sát ở Paris hôm 1/12
Một người biểu tình ném trả lựu đạn hơi cay về phía cảnh sát ở Paris hôm 1/12
(PLO) - Ở những thị trấn như vậy, một nỗi sợ thầm lặng đang gặm nhấm từng trụ cột gia đình: Điều gì sẽ xảy ra khi hết tiền vào ngày 20 mỗi tháng? Lấy gì để nhét vào tủ lạnh khi tài khoản cạn sạch và hóa đơn điện vẫn chưa đóng? Tôi nên nhịn bữa nào hôm nay? Tôi nói thế nào với vợ về việc cả nhà sẽ lại không ra ngoài chơi vào cuối tuần này?

Tới siêu thị giảm giá vào ngày cuối tuần cuối cùng của tháng 11, tất cả những gì Florian Dou mua được chỉ là gói xúc xích giá 6 USD và vài món lặt vặt. "Lương của vợ chồng tôi đã hết sạch từ 10 ngày nay rồi", Dou than thở.

Bức xúc, oán hận

Làm thế nào để tồn tại trong những ngày chờ kỳ lương tiếp theo là câu hỏi khiến người công nhân bốc xếp kho bãi này phải đau đầu mỗi tháng. Đó cũng là thách thức chung mà hàng nghìn người như Dou gặp phải ở Gueret, một thị trấn tỉnh lẻ ở trung nam nước Pháp, và cũng là lý do khiến Dou giận dữ.

Thế nên Dou đã dùng hết số tiền còn lại để mua xăng và lái xe hơn 400 km tới tham gia cuộc biểu tình ở Paris hôm 1/12, theo lời hiệu triệu trên Facebook của những người "Áo vàng" phản đối chính sách tăng thuế xăng dầu của chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron.

Cuộc biểu tình ở trung tâm Paris biến thành bạo lực khi các phần tử cực đoan đốt xe hơi, hôi của từ các cửa hàng, đập phá các công trình lịch sử, buộc cảnh sát phải sử dụng hơi cay, đạn cao su, vòi rồng để đối phó.

Sau cuộc bạo loạn tồi tệ nhất trong 5 thập kỷ qua, chính phủ Pháp nhượng bộ, đồng ý hoãn tăng thuế xăng dầu trong vòng sáu tháng. Nhưng với những người như Dou, thuế xăng dầu không phải là thứ duy nhất thúc đẩy họ xuống đường biểu tình, mà là nỗi bất bình, giận dữ với tình trạng bất bình đẳng ngày càng sâu sắc giữa vùng quê và thành thị cũng như mức sống ngày càng đi xuống đến mức tồi tệ.

Phong trào "Áo Vàng" với sự tham gia của hàng trăm nghìn người trong hai tuần qua cho thấy nỗi bức xúc và oán giận của những người lao động bình thường ở Pháp đối với tình trạng bất công đang gặm nhấm cuộc sống của họ đã đến điểm tới hạn.

Thuế xăng dầu chỉ là một trong những chất xúc tác làm bùng nổ phong trào biểu tình và việc hoãn tăng thuế khó có thể giải quyết được tận gốc rễ nỗi tức giận của người dân Pháp.

Phong trào này bùng nổ với những cuộc đụng độ ở Paris, nhưng cội rễ của nó lại đến từ những thị trấn nhỏ như Gueret, một trung tâm hành chính khoảng 13.000 dân lọt thỏm trong những thung lũng ở miền trung nước Pháp.

Căn lều ghi dòng chữ "Điện Elysee" của những người biểu tình Áo Vàng tại Gueret.
Căn lều ghi dòng chữ "Điện Elysee" của những người biểu tình Áo Vàng tại Gueret.

Gueret nằm cách xa các thành phố lớn và là một phần trong những khu nghèo nhất của Pháp, nơi cơ sở thu hút nhiều lao động nhất là bệnh viện công của thị trấn. Quán cà phê ở quảng trường thị trấn cứ đến buổi chiều là vắng ngắt, cạnh đó là nhà ga nhỏ bé với vài chiếc xe cũ nát bị bỏ lại do chủ xe không có tiền để bảo dưỡng.

Ở những thị trấn như vậy, một nỗi sợ thầm lặng đang gặm nhấm từng trụ cột gia đình: Điều gì sẽ xảy ra khi hết tiền vào ngày 20 mỗi tháng? Lấy gì để nhét vào tủ lạnh khi tài khoản cạn sạch và hóa đơn điện vẫn chưa đóng? Tôi nên nhịn bữa nào hôm nay? Tôi nói thế nào với vợ về việc cả nhà sẽ lại không ra ngoài chơi vào cuối tuần này?

“Sống trong thấp thỏm lo âu”

Cùng tham gia biểu tình với Dou là vợ chồng hàng xóm Laetitia và Olivier Depourtoux. Chiếc tủ đông trong nhà Depourtoux chất đầy những tảng thịt lớn do người bố làm nông đem đến cho và đó cũng là khẩu phần thịt duy nhất cho cả gia đình 6 miệng ăn.

Ở ngôi nhà cạnh đó, ông Joel Decoux phải tự chẻ củi để đốt lò sưởi ấm vào những đêm đông lạnh giá, vì ông không đủ tiền để dùng hệ thống sưởi bằng khí đốt. Những thành phố, thị trấn, làng quê nhỏ bé, nghèo nàn như Gueret tạo thành "một nước Pháp khác", nước Pháp trái ngược với cảnh tượng hào nhoáng, phồn hoa ở thủ đô Paris.

"Chúng tôi luôn sống trong thấp thỏm lo âu", Fabrice Girardin, một công nhân lắp đặt thảm nhưng giờ đã mất việc và phải đang chăm sóc thú cưng cho người khác để kiếm tiền trang trải cuộc sống, cho biết. "Cứ đến cuối tháng, chúng tôi lại tự hỏi “Không biết có còn đủ ăn nữa không””.

Những người như họ có một điểm chung là gần như không còn đồng nào trong những ngày cuối tháng. "Tôi đang cháy túi đây này", Girardin cho biết. "Vợ tôi đã tiêu 40 euro cuối cùng hôm trước và chúng tôi chẳng còn gì cho cuối tuần".

Bữa tối của nhà Girardin chỉ là mì sợi với một ít thịt bò băm. "Tôi muốn có tiền để đưa vợ tới nhà hàng vài lần, nhưng không thể", anh nói. "Vợ tôi đã hoàn toàn khép mình và trở nên trầm cảm trước áp lực tài chính".

Dou nói rằng cậu con trai 9 tuổi của anh chưa bao giờ được đi du lịch và khoản tiền lương 1.300 euro mỗi tháng của anh "bốc hơi ngay lập tức trong đống hóa đơn". Gia đình anh gần như không còn sức để trang trải cho những khoản thuế phí cao và các dịch vụ thiết yếu đắt đỏ như điện, xăng dầu.

Khi đọc được thông điệp hiệu triệu của những tài xế mặc áo bảo hộ màu vàng từ giữa tháng 11, Dou cùng những người hàng xóm và các y tá, thợ điện thất nghiệp, công nhân, bà nội trợ, công chức bán thời gian... tập trung tại đầu con đường dẫn vào thị trấn.

Đến nửa đêm, giữa mưa lạnh và bùn lầy, họ dựng lên những căn lều tạm bằng gỗ ép và vải bạt, trên căn lều ở trung tâm có dòng chữ "Điện Elysee của Nhân dân". "Macron, ông ấy theo các ông chủ, Macron, ông ấy chống lại người dân" là một đoạn trong bài hát được phát đi phát lại trên chiếc đài thu thanh tại căn lều.

Nói không với chính trị

Dou cho biết anh gia nhập phong trào "Áo Vàng" ngay từ đầu và thường xuyên túc trực tại các ngã tư ở thị trấn để kêu gọi sự ủng hộ của mọi người. Hầu như xe nào qua cũng bóp còi thể hiện sự đồng cảm với những người biểu tình.

Động cơ thúc đẩy Dou làm điều này là để "khôi phục các ưu tiên của nước Pháp, các giá trị về Tự do, Bình đẳng và Bác ái", đồng thời anh khẳng định việc tăng thuế xăng dầu chỉ là "mồi lửa làm bùng lên đám cháy".

Florian Dou trong siêu thị giảm giá ở thị trấn Gueret
Florian Dou trong siêu thị giảm giá ở thị trấn Gueret

Tuy nhiên Dou và nhiều người biểu tình khác biết rằng những hành động của họ ở Gueret khó có thể tới được tai những người nắm giữ quyền lực thực sự ở Paris, và đó là điều hối thúc họ tập hợp ở thủ đô nước Pháp hôm 1/12, gây ra cảnh hỗn loạn chưa từng có.

Trong đoàn người cùng Dou tới Paris hôm 1/12 còn có Yoann Decoux, thợ điện nhưng đã bị thất nghiệp, người chưa từng tham gia vào các cuộc tuần hành chính trị, nhưng lần này thì khác bởi "mọi thứ đã quá đủ rồi".

"Những người ở Paris còn không biết chúng tôi xoay xở với đồng lương còm cõi của mình như thế nào", Decoux nói. "Nhưng trời đất ơi, chúng tôi cũng là con người!". Người đàn ông này cho biết mình giờ đang phải sống lay lắt qua ngày nhờ sự giúp đỡ của bố.

Những người biểu tình như Dou và Decoux nói không với chính trị và không chấp nhận sự lãnh đạo của một chính trị gia nào với phong trào áo vàng. Khi Michel Vergnier, thị trưởng của Gueret, tới thăm khu lán trại của người biểu tình, ông đã không được họ chào đón. "Những người ở đó chối bỏ các chính trị gia", Thị trưởng Vergnier cho biết. "Họ đứng bên ngoài mọi tổ chức chính trị và nghiệp đoàn".

Với họ, việc Tổng thống Macron quyết tâm tăng thuế xăng dầu để bảo vệ môi trường là cú đánh cuối cùng giáng vào hầu bao gần như đã cạn kiệt, dù mức tăng chỉ là vài chục cent trên mỗi lít nhiên liệu.

"Chính sách của họ khiến tình hình càng tồi tệ hơn. Người dân muốn giảm thuế, nhưng họ lại cứ ra rả về môi trường", Depourtoux nói, đề cập đến diễn văn của Tổng thống Macron hồi tuần trước về kế hoạch chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo. "Chúng tôi sẽ không dừng lại", anh khẳng định.

Tại khu lán trại biểu tình bên ngoài thị trấn Gueret, tài xế xe tải Laurent Aufrere đang nhẩm tính trong đầu xem nên nhịn bữa nào trong ngày. "Những người như tôi cứ ráo mồ hôi là chết đói, sự thật là như vậy", Aufrere cho biết. 

Hai tuần xuống đường của Áo vàng vào thời điểm chuẩn bị mùa Giáng sinh không chỉ gây tác hại nặng nề cho nền kinh tế Pháp. Về mặt tư pháp, đã có 363 người bị câu lưu, và đã có 18 bản án tù giam đầu tiên được tuyên.

Tỉ lệ tín nhiệm của thủ tướng Édouard Philippe sụt đến 10 điểm, chỉ còn có 26%, còn tổng thống Emmanuel Macron đang ở mức thấp nhất từ trước đến nay với 23% tín nhiệm.

Đọc thêm

Những lý do đằng sau việc Mỹ muốn đòi lại Kênh đào Panama?

Những lý do đằng sau việc Mỹ muốn đòi lại Kênh đào Panama?
(PLVN) - Tổng thống đắc cử Donald Trump mới đây đã tuyên bố sẽ mở rộng lãnh thổ và sự kiểm soát của quốc gia này, trong đó bao gồm việc sẽ giành lại quyền kiểm soát Kênh đào Panama. Tầm ảnh hưởng của Kênh đào Panama lớn tới đâu và lý do của Mỹ khi bày tỏ mong muốn “đòi lại” con kênh đào này là gì?

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Tuần qua, thế giới chứng kiến hàng loạt sự cố khiến nhiều người chết và bị thương, từ vụ cháy rừng kinh hoàng ở California, va chạm tàu điện tại Pháp, nổ trạm xăng tại Yemen... đến những tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Cuba, Pakistan và Nam Phi.

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân
(PLVN) - Bác sĩ quân y Michael Stockin đã nhận tội lạm dụng tình dục hàng chục binh sĩ tại căn cứ Lewis-McChord, Washington, Mỹ. Vụ việc được xem là một trong những bê bối lạm dụng tình dục lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, đặt ra yêu cầu khẩn cấp về việc giám sát và cải thiện chính sách tuyển dụng trong quân đội.

Đã có ít nhất 125 người thiệt mạng trong vụ động đất ở Tây Tạng, Trung Quốc

Những ngôi nhà bị hư hại được chụp ảnh sau trận động đất (Ảnh: Reuters)
(PLVN) - Trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra tại khu vực hẻo lánh ở phía nam Tây Tạng, gần biên giới Trung Quốc và Nepal, khiến ít nhất 125 người thiệt mạng và 188 người bị thương. Sự kiện đau lòng này đã làm sụp đổ hàng nghìn ngôi nhà và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Phát hiện thi thể một nhà báo chống tham nhũng trong bể phốt

Nhà báo Mukesh Chandrakar (Ảnh: The Guardian)
(PLVN) - Anh Mukesh Chandrakar, một nhà báo nổi tiếng ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, đã bị phát hiện tử vong trong một bể phốt với dấu hiệu bị sát hại. Sự việc gây chấn động dư luận và đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo trong môi trường làm việc nguy hiểm.