Thực tế đã cho thấy, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đã thực sự trở thành cao trào, một xu thế không thể đảo ngược với những bước tiến dài vững chắc, tạo nền tảng cho toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị và toàn dân tiến lên từng bước quét sạch “giặc nội xâm”.
Phòng, chống tham nhũng “từ sớm, từ xa”
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng phòng, chống tham ô, tham nhũng trong Đảng, Nhà nước. Người cho rằng, đó là “những căn bệnh nguy hiểm”, là “giặc nội xâm” không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn làm suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, làm suy yếu bộ máy của Đảng, Nhà nước, gây mất lòng tin của quần chúng nhân dân.
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “cuộc đấu tranh gay go giữa cái tốt và cái xấu, cái cũ và cái mới, giữa đạo đức cách mạng là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và kẻ địch là tệ tham ô, lãng phí, quan liêu”. Phòng, chống tham nhũng phải được tiến hành thường xuyên, kiên quyết, kiên trì, bền bỉ, nhằm mục đích xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Theo báo cáo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến tháng 5/2022, đã khởi tố, điều tra gần 4.200 vụ/7.572 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế (trong đó, các tội về tham nhũng đã điều tra, khởi tố 455 vụ/1.054 bị can). Riêng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng đã đưa 977 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ, trong đó Ban Chỉ đạo trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 180 vụ án, 133 vụ việc…
Nguy hại của vấn nạn tham nhũng đã được Đảng ta chỉ rõ xuyên suốt chiều dài lịch sử. Tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục xác định “tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”. Tham nhũng được xác định là quốc nạn cản trở những nỗ lực đổi mới, nó tác động tiêu cực tới sự phát triển của đất nước, làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và là mối nguy cơ hàng đầu đe dọa sự tồn vong của chế độ.
Trong những năm qua, đặc biệt từ năm 2013, khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được thành lập trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng Ban, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được tiến hành ráo riết, quyết liệt, “không có vùng cấm, không ngoại lệ”, đạt nhiều kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt, được nhân dân hoan nghênh, đồng tình ủng hộ, được dư luận quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Một trong những “điểm sáng” trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua là chất lượng công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng được nâng lên rõ rệt. Thực hiện nghiêm túc, xuyên suốt phương châm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Đây là “kim chỉ nam” cho hoạt động điều tra và là một trong những yếu tố quan trọng, góp phần điều tra, xử lý triệt để các vụ án tham nhũng thời gian qua.
Xây dựng đội ngũ cán bộ vừa “hồng”, vừa “chuyên”
Ngăn ngừa biểu hiện tha hóa đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay là vấn đề hết sức quan trọng, cấp bách, cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân. Đây cũng được xem là một trong những giải pháp để ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực ngay “từ sớm, từ xa”.
Đại tá, PGS.TS Bùi Đình Bôn, Nguyên Thư ký Khoa học (Hội đồng Lý luận Trung ương). (Ảnh: PV) |
Trao đổi về vấn đề này, Đại tá, PGS.TS Bùi Đình Bôn - Nguyên Thư ký Khoa học chuyên trách (Hội đồng Lý luận Trung ương) cho rằng: Đấu tranh phòng, chống tham nhũng phải có cơ chế gắn chặt về mặt luật pháp để kiểm tra, giám sát chặt chẽ, làm cho cán bộ, công chức Nhà nước không có cơ hội tham nhũng. Phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa hiệu quả để “không thể tham nhũng”; Một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để “không dám tham nhũng”; Một cơ chế để “không cần tham nhũng”. Công tác cán bộ phải chọn được người có đức, có tài vào cơ quan quản lý các cấp từ cơ sở trở lên. Đi cùng với đó là thực hiện “cải cách tiền lương, chế độ, chính sách đãi ngộ, tạo môi trường, điều kiện làm việc tốt để cán bộ, đảng viên sống với nghề bằng đồng lương chính đáng của mình, có như vậy mới tạo động lực để cán bộ, đảng viên cống hiến, ngăn ngừa tiêu cực trong thi hành công vụ.
Đồng quan điểm này, ông Hoàng Thái Dương - Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) phân tích thêm: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, giải pháp để lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại như: Kết quả phát hiện, xử lý của các địa phương còn hạn chế; Việc tổ chức, triển khai các giải pháp phòng ngừa còn thiếu đồng bộ, do đó tham nhũng, tiêu cực vẫn diễn ra phức tạp ở nhiều lĩnh vực.
Cũng theo nhận định của Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ): Khi quan hệ giữa doanh nghiệp với người có chức, có quyền là “cộng sinh”, tức là sự thỏa mãn nhu cầu cá nhân của nhau tại một thời điểm nhất định. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, toàn diện thì doanh nghiệp là nạn nhân của tham nhũng.
Vì các lẽ trên, giải pháp căn cơ để đẩy lùi nạn tham nhũng là chống suy thoái và xây dựng đội ngũ cán bộ vừa “hồng”, vừa “chuyên”; Đẩy mạnh cải cách hành chính, xóa bỏ thủ tục hành chính gây phiền hà, nhất là ở những khâu, những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng là một trong những biện pháp phòng ngừa hiệu quả; Có cơ chế kiểm soát chặt chẽ và chế tài xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức thực thi công vụ, trong quan hệ với người dân, doanh nghiệp.
Ở chiều ngược lại, TS. Nguyễn Xuân Trường - Vụ trưởng Vụ Địa phương I (Ban Nội chính Trung ương) cho rằng: Doanh nghiệp cần xác định rõ vai trò, quyền và nghĩa vụ của mình trong phòng, chống tham nhũng. Bởi việc thiếu các chuẩn mực về minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động kinh doanh sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp có những thỏa thuận “ngầm” và đó chính là nguy cơ phát sinh tham nhũng, đặc biệt trong các giao dịch kinh tế.
“Do đó, cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật nhằm xây dựng môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, đúng luật, nâng cao đạo đức kinh doanh, văn hóa kinh doanh cho các doanh nghiệp. Không chỉ vậy, tất cả các loại hình doanh nghiệp bắt buộc phải xây dựng quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa tham nhũng. Đối với doanh nghiệp Nhà nước, nhất là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn cần nâng cao vai trò, trách nhiệm, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp của mình”, TS Nguyễn Xuân Trường nêu quan điểm.
Ông Hoàng Thái Dương - Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ.
“Hành vi tham nhũng hiện nay rất đa dạng và phức tạp, gắn với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, đồng hành cùng sự suy thoái về đạo đức của một bộ phận cán bộ có chức, có quyền. Xét về lâu dài và toàn diện thì doanh nghiệp là đối tác của tham nhũng nhưng cũng chính là nạn nhân của tham nhũng, bởi lẽ sự tiếp tay cho tham nhũng đã tạo cho tham nhũng tồn tại và phát triển.
Nhà nước, người dân và doanh nghiệp chịu thiệt hại về nhiều mặt, đặc biệt là nền kinh tế thị trường bị tham nhũng, tiêu cực làm cho “què quặt”, dẫn đến môi trường kinh doanh bất bình đẳng, chi phí không chính thức tăng, khả năng cạnh tranh thấp, dẫn đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp ngày càng khó khăn hơn.
Nói một cách toàn diện, doanh nghiệp là đối tác của tham nhũng thì cũng sẽ là nạn nhân của chính mình. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp bị phá sản hoặc trên bờ vực phá sản bởi chi phí không chính thức tăng mà bản chất chính là tham nhũng, tiêu cực”.