Trẻ dễ mắc các bệnh về tai – mũi – họng hơn người lớn
Việt Nam là một nước nhiệt ẩm gió mùa, mỗi khi mùa hè đến với mức nhiệt độ từ 35 – 37 độ C, khí hậu nóng cộng với môi trường có độ ẩm cao là môi trường lí tưởng cho sự phát triển của virut và vi khuẩn, góp phần phát sinh một số bệnh tai mũi họng.
PGS – TS Nguyễn Hoàng Sơn, Chủ tịch Hội bệnh Tai – Mũi – Họng Thành phố Hà Nội và các tỉnh phía Bắc – cố vấn chuyên môn Bệnh Viên Ung Bướu Hưng Việt cho biết : “Bệnh tai mũi họng tưởng chừng là bệnh đơn giản, nhưng mỗi khoảng thời gian giao mùa và đặc biệt vào mùa hè tỉ lệ trẻ em cũng như cả người lớn nhập viện rất cao” . Sức đề kháng của trẻ em chưa hoàn thiện, niêm mạc của bé còn chưa hoàn thiện, chưa đủ sức để chịu đựng các yếu tố bên ngoài và yếu tố nội tại…vì vậy, trẻ dễ mắc các bệnh về tai – mũi – họng hơn người lớn.
Theo một thống kê chưa đầy đủ thì cứ 10 trẻ lại có đến 4 trẻ em mắc các chứng bệnh về tai mũi họng, đối tượng tập trung của chứng bệnh này là từ 6 tháng tuổi đến 5 tuổi. Điều này đã làm không ít những bậc phụ huynh nuôi con không khỏi lo lắng.
Có hai nguyên nhân chính gây ra các bệnh về tai mũi họng ở trẻ em trong mùa hè đó là do vi rút hoặc vi khuẩn. Riêng nguyên nhân là vi khuẩn thì phải dùng kháng sinh để điều trị. Trong nguyên nhân do vi rút thì chứng bệnh hay gặp nhất là cúm, không có kháng sinh điều trị.
Khởi đầu của rất nhiều bệnh ảnh hưởng đến sức khoẻ
Bệnh ở tai-mũi-họng nguy hiểm vì nếu không điều trị dứt điểm bệnh dễ trở nên mạn tính và là tác nhân gây nhiều bệnh nguy hiểm khác. Chẳng hạn như viêm mũi khi không điều trị dứt điểm có thể gây viêm tai (làm giảm sức nghe và gây ra những biến chứng nặng hơn như viêm màng não, áp xe não, viêm xoang tĩnh mạch bên, liệt mặt…), viêm thanh quản (bệnh làm biến đổi chất giọng) hay viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi. Chứng viêm tai cũng có thể gây tiêu chảy, rối loạn tiêu hoá đôi khi kèm theo suy dinh dưỡng. Trong khi đó viêm xoang lại có thể gây nhiễm trùng ổ mắt, đây là một biến chứng nghiêm trọng, đe dọa thị lực, thậm chí là tính mạng bệnh nhân. Nguy hiểm hơn, vi khuẩn của amidan còn có thể tấn công vào khớp, tim, thận và có thể để lại các biến chứng khôn lường như viêm cầu thận cấp, thấp khớp, thấp tim, viêm tim…
Tai-mũi-họng là cửa ngõ của đường thở nên những trục trặc ở bộ phận này có thể gây tắc thở nhanh chóng. Viêm họng cấp, viêm phế quản cấp ở trẻ em, dị vật… là những bệnh phải điều trị sớm nhất có thể.
Các dấu hiệu cần phải đi khám ngay lập tức
PGS – TS Nguyễn Hoàng Sơn, Chủ tịch Hội bệnh Tai – Mũi – Họng Thành phố Hà Nội và các tỉnh phía Bắc – cố vấn chuyên môn Bệnh Viên Ung Bướu Hưng Việt cho rằng, đa số phụ huynh khi thấy con bị ho, sốt hoặc cúm đều tự mua thuốc để chữa trị. Tuy nhiên, có những bệnh ly cần phải đưa đến bệnh viện ngay nếu không sẽ có những biến chứng nguy hiểm.
PGS – TS Nguyễn Hoàng Sơn, Chủ tịch Hội bệnh Tai – Mũi – Họng Thành phố Hà Nội và các tỉnh phía Bắc – cố vấn chuyên môn Bệnh Viên Ung Bướu Hưng Việt |
Khi bé chỉ sốt, có thể ra hiệu thuốc mua thuốc hạ nhiệt cho bé uống. Nhưng nếu sốt có kèm dấu hiệu không nuốt được tức là trong họng có sưng nề rất to thậm chí có thể bị áp – xe. Khi bé có triệu chứng đó thì cần đến viện khám ngay.
Nếu bé ho, kèm theo dấu hiệu tiếng to và vang, liên tục, không dứt, thì nên đưa bé đến viện vì đó là viêm thanh quản dễ gây ra khó thở, nguy hiểm đến tính mạng. Với trường hợp rối loạn thở cần đánh giá được tần số thở, biên độ thở, thì thở để có thể đưa ra biện pháp kịp thời.
Bên cạnh đó, có trường hợp rối loạn toàn thân, bé không có cảm giác gì khi cấu hoặc véo vào người, không muốn ăn gì cũng rất nguy hiểm và cần đưa bé vào viện khám ngay.
Với những trường hợp nhẹ, bố mẹ có thể dùng các biện pháp dân gian như mật ong, chanh đào,… nhưng với các trường hợp sốt cao, nằm li bì, khó thở… thì không thể dùng được mà cần đến những biện pháp khác. Tuy nhiên, các biện pháp luôn cần dùng với trẻ là hạ sốt, hạ nhiệt, bù nước cho trẻ.