Công tác thực hiện chính sách, pháp luật BHYT ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu. Sau khi Luật BHYT được ban hành năm 2008, số người tham gia BHYT tăng trưởng vượt bậc qua các năm: Tỷ lệ dân số tham gia BHYT tăng từ 57% (năm 2009) lên 74,7% (năm 2015 – năm đầu tiên Luật BHYT sửa đổi 2014 có hiệu lực) và tính đến hết tháng 6/2023 đã đạt gần 92% với gần 91 triệu người tham gia BHYT.
Kết quả này cho thấy, hầu hết người dân đã tham gia và được thụ hưởng chính sách BHYT nhân văn, ưu việt của Đảng và Nhà nước ta. Đây là tiền đề quan trọng để nước ta tiếp tục phấn đấu hiện thực hóa mục tiêu đạt 95% dân số tham gia BHYT vào năm 2025 theo Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ Nhân dân đề ra.
Cùng với đó, cơ hội để người dân được tiếp cận các dịch vụ khám chữa bệnh BHYT ngày càng mở rộng, số lượt khám chữa bệnh BHYT được quỹ BHYT chi trả tăng cao. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, trong vài năm trở lại đây, mỗi năm quỹ BHYT chi trả trên 100 nghìn tỷ đồng cho việc khám chữa bệnh BHYT. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có gần 83 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT nội trú và ngoại trú với số tiền giám định, thanh toán trên 57 nghìn tỷ đồng. Chính sách BHYT đã giúp giảm chi trực tiếp từ “tiền túi” của người dân cho dịch vụ y tế, góp phần tạo nên sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe, đặc biệt đối với người nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi. Nhiều trường hợp đã được quỹ BHYT chi trả chi phí khám chữa bệnh BHYT lên đến hàng tỷ đồng.
Để đạt được những kết quả tích cực nêu trên, thời gian qua, với chức năng, nhiệm vụ được giao, ngành BHXH Việt Nam đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, BHXH Việt Nam đã luôn chủ động, tích cực phối hợp cùng ngành Y tế và các cơ sở khám chữa bệnh BHYT trong công tác xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, bao gồm: Xây dựng chính sách, pháp luật về BHYT; phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện chế độ BHYT; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về BHYT…; kịp thời có những giải pháp hiệu quả trong việc tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa cho người tham gia, thụ hưởng các chính sách BHYT theo Luật định. Cụ thể như sau:
Phối hợp với Bộ Y tế trong xây dựng, sửa đổi bổ sung chính sách pháp luật về BHYT
- Cung cấp các dữ liệu về khám chữa bệnh, chi phí khám chữa bệnh, tổng kết các kết quả đạt được, phân tích các thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách và đề xuất sửa đổi phù hợp trong các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn thực hiện như Luật khám bệnh, chữa bệnh, Luật đấu thầu (đối với đấu thầu thuốc và vật tư trang thiết bị y tế), Nghị định sửa đổi Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn một số biện pháp thi hành Luật BHYT.
- Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Bộ Y tế và các Bộ ngành khác tham mưu, đề xuất Quốc hội, Chính phủ ban hành nhiều chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu, quản lý và sử dụng thuốc, vật tư trang thiết bị y tế trong thời gian qua: Nghị quyết số 80/2023/NQ-QH15 ngày 09/1/2023 của Quốc Hội cho phép tiếp tục gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc đến hết năm 2024, Nghị định số 07/2023/NĐ-CP ngày 03/3/2023 giải quyết một số vướng mắc trong quản lý trang thiết bị y tế, Nghị quyết số 144/NQ-CP ngày 05/11/2022 và Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 04/3/2023 của Chính phủ đã giải quyết các vướng mắc trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, đảm bảo cung ứng thuốc, vật tư trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh BHYT.
- Giai đoạn dịch bệnh COVID-19, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Y tế ban hành nhiều văn bản hướng dẫn về tổ chức khám chữa bệnh và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT phù hợp với giai đoạn dịch bệnh, tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT và các cơ sở khám chữa bệnh: Ký hợp đồng với các cơ sở điều trị COVID-19, tăng thời gian cấp thuốc ngoại trú bệnh mãn tính lên 3 tháng, giải quyết các vướng mắc trong thanh toán bệnh COVID-19 kết hợp với bệnh nền.
BHXH Việt Nam đã góp phần quan trọng giúp Bộ Y tế theo dõi, giám sát việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương khám chữa bệnh và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn quỹ BHYT
- Với sự kết nối liên thông dữ liệu khám chữa bệnh của gần 13 nghìn cơ sở khám chữa bệnh, và ứng dụng hệ thống giám định điện tử, việc quản lý, giám sát chi phí khám chữa bệnh BHYT đã đạt được nhiều kết quả, các cơ sở khám chữa bệnh ngày một tuân thủ tốt hơn các quy định của Bộ Y tế. Nếu năm 2017 số chi phí giảm trừ là 2.584 tỷ đồng, năm 2021 giảm trừ hơn 1.414 tỷ đồng đến năm 2022 còn 955 tỷ đồng.
- Tham gia các Hội đồng đấu thầu mua sắm thuốc từ trung ương đến địa phương đã góp phần giảm các sai sót trong đấu thầu. Trong các năm gần đây, giá thuốc ngày một giảm và không có sự chênh lệch cao giữa các địa phương.
- Giám sát chặt chẽ việc đăng ký hành nghề, hành nghề tại các cơ sở khám chữa bệnh thông qua hệ thống thông tin giám định BHYT và kiểm tra trực tiếp tại cơ sở. Trong các năm qua, BHXH Việt Nam đã phát hiện nhiều trường hợp cấp giấy phép hoạt động của cơ sở khám chữa bệnh, chứng chỉ hành nghề không đúng quy định (nhân viên y tế không đủ điều kiện vẫn được cấp chứng chỉ hành nghề), hành nghề không đúng quy định (sai phạm vi hoạt động chuyên môn, không đăng ký hành nghề nhưng vẫn khám chữa bệnh...).
- Góp phần minh bạch hơn trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh: Cơ sở khám chữa bệnh phải liên thông dữ liệu hằng ngày lên cổng thông tin giám định BHYT vừa giúp giám sát việc chỉ định điều trị và lạm dụng BHYT từ phía nhân viên y tế và người bệnh.
Cải cách thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh BHYT
- Triển khai việc sử dụng thẻ căn cước công dân để khám chữa bệnh BHYT, thay cho thẻ BHYT giấy để đi khám chữa bệnh, giúp đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm thời gian cho người dânkhi làm các thủ tục khám chữa bệnh…
- Bước đầu ứng dụng sinh trắc học tại cơ sở khám chữa bệnh vừa đảm bảo quyền lợi cho người dân, vừa tiết kiệm chi phí và tăng cường quản lý của các cơ quan, chống lãng phí, trục lợi quỹ BHYT.
- Tăng cường tương tác giữa người dân, cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan BHXH: Với việc ứng dụng VssID, người dân có thể biết được lịch sử khám chữa bệnh; tiền đề cho việcxây dựng sổ sức khoẻ điện tử.
- Cung cấp, chia sẻ dữ liệu người tham gia BHYT, khám chữa bệnh BHYT nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về sức khỏe người dân
Khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế
Từ giữa năm 2022 xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại nhiều cơ sở y tế trên toàn quốc, cũng như những vướng mắc về chính sách làm ảnh hưởng đến việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh BHYT. BHXH Việt Nam đã kịp thời quán triệt, chỉ đạo BHXH các địa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm cao nhất, phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế hướng dẫn
giải quyết khó khăn vướng mắc và đảm bảo việc cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư y tế phục vụ cho công tác khám chữa bệnh BHYT. Đặc biệt sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 144/NQ-CP ngày 05/11/2022 về bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, đã tháo gỡ rất nhiều khó khăn về cơ chế chính sách. Đến quý 4/2022 tình trạng thiếu thuốc, VTYT đã cơ bản được khắc phục tại tất cả các địa phương.
Phối hợp xử lý vướng mắc thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT đối với các dịch vụ kỹ thuật được thực hiện trên các máy do nhàtrúng thầu vật tư, hóa chất cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất, cơ bản; các trang thiết bị y tế xã hội hoá chưa kịp chuyển đổi sang hình thức sở hữu theo quy định của Nghị định 151/2017/NĐ-CP.
BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Y tế và các Bộ ngành liên quan đề xuất về cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Ngày 04/3/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP sửa đổi Khoản 4 của Nghị quyết 144/NQ-CP ngày 5/11/2022 của Chính phủ. Nghị quyết đã cơ bản tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong sử dụng trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí dịch vụ kỹ thuật thực hiện từ các trang thiết bị này.
Giải quyết các khó khăn vướng mắc trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT năm 2021 theo quy định của Nghị quyết số 144/NQ-CP và xử lý chi phí khám chữa bệnh chưa đủ điều kiện quyết toán trước năm 2021.
Trong tháng 12/2022, BHXH Việt Nam đã cấp đủ kinh phí khám chữa bệnh BHYT vượt tổng mức thanh toán trong phạm vi dự toán giao năm 2021 cho BHXH tỉnh theo số liệu BHXH tỉnh đã giám định. BHXH tỉnh đã thực hiện thanh toán cho cơ sở khám chữa bệnh BHYT. Số tiền vượt dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2021 của 5 tỉnh Hà Tĩnh; Ninh Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Thanh Hóa, BHXH Việt Nam đã báo cáo xin ý kiến Hội đồng quản lý thông qua để trình Thủ tướng phê duyệt bổ sung.
Giải quyết chi phí tồn chưa đủ điều kiện thanh toán trong các năm từ 2020 trở về trước Tổng số tiền đã tổng hợp báo cáo Kiểm toán Nhà nước tháng 12/2022 là 2.128 tỷ đồng, trong đó thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế là 170 tỷ đồng. Đây chủ yếu là các chi phí vượt dự toán Thủ tướng Chính phủ giao. Đến thời điểm này, BHXH Việt Nam đã cơ bản thực hiện rà soát thẩm định xong để báo cáo Hội đồng quản lý, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung chi phí vượt dự toán nêu trên.
Như vậy, với mục tiêu đặt quyền và lợi ích chính đáng của người tham gia BHYT lên hàng đầu, thời gian qua, ngành BHXH Việt Nam và ngành Y tế đã đồng thuận, thống nhất và quyết tâm cao trong công tác xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT với mục tiêu phát triển bền vững BHYT toàn dân. Thời gian tới, với việc sửa đổi Luật BHYT, rất cần tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ, đồng thuận giữa hai Ngành trong lĩnh vực xây dựng và thực hiện chính sách, để đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người tham gia BHYT và khả năng cân đối, phát triển bền vững của quỹ BHYT./.