Phố Tết lan tỏa vẻ đẹp truyền thống của dân tộc

Phố Tết lan tỏa vẻ đẹp truyền thống của dân tộc
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cứ độ Tết đến, xuân về, phố Phùng Hưng (Hà Nội) lại bừng sáng vẻ đẹp từ những dãy đèn lồng được treo trên cao, mọi người nô nức diện áo dài, chụp ảnh bên những bức bích họa đậm chất nghệ thuật. Nhưng điểm nhấn và thu hút người xem nhất, chính là các nghệ nhân và những gian hàng đồ thủ công mỹ nghệ truyền thống dân tộc của họ.

Tâm huyết của các nghệ nhân

Tại không gian bích họa trên phố Phùng Hưng có rất nhiều sản phẩm dân gian truyền thống của các nghệ nhân, thợ thủ công làng nghề Việt Nam như tranh dân gian, thư pháp, gốm sứ, đồ mây tre đan, đồ chơi tò he… được giới thiệu tại các gian hàng. Mỗi sản phẩm đều là tâm huyết của các nghệ nhân và được họ làm hoàn toàn thủ công.

Đi dọc tuyến phố, du khách dễ dàng bị thu hút đầu tiên ở quầy thư pháp, với những xấp giấy đỏ, mực tàu, nghiên bút được bày biện gọn gàng, điểm xuyết bằng bàn trà nhỏ, bên cạnh cây mai trắng đang độ nở hoa. Ông Xuân Quỳnh – một nghệ nhân viết thư pháp đã có hơn hai mươi năm tu dưỡng chia sẻ: “Tôi học viết thư pháp vì đam mê, còn những thầy đồ ở đây, các cụ đã có đến ba mươi, bốn mươi năm tu dưỡng”.

Ông Xuân Quỳnh cũng cho biết, để đến được với gian hàng giới thiệu về sản phẩm dân gian truyền thống, những thầy đồ đều được tuyển lựa rất kỹ. Đây đều là những thầy đã trải qua hàng loạt bài thi, đánh giá, thẩm định của các viện, các ban chuyên môn. Chính vì vậy, các thầy đồ không chỉ viết chữ đẹp, mà còn có hiểu biết uyên thâm về kiến văn như chữ Nho, chữ Hán, các văn tự cổ tại đền chùa, cùng với đó là văn hóa truyền thống của người Việt Nam từ xa xưa: “Khác với chữ Quốc ngữ có hai mươi tư chữ cái, chữ Nho, chữ Hán các cụ xưa kia chỉ cần thêm một nét phẩy, nét chấm là đã đổi nghĩa khác. Một chữ có thể mang nhiều nghĩa trong từng văn cảnh khác nhau, nên chúng tôi phải rèn luyện, học tập rất kĩ lưỡng”.

Mỗi nghệ nhân đều mong muốn truyền ngọn lửa đam mê văn hóa truyền thống dân tộc cho mọi người. (Ảnh: Nghệ nhân thư pháp Xuân Quỳnh)

Mỗi nghệ nhân đều mong muốn truyền ngọn lửa đam mê văn hóa truyền thống dân tộc cho mọi người. (Ảnh: Nghệ nhân thư pháp Xuân Quỳnh)

Năm nay, ông Quỳnh và các thầy đồ được UBND quận Hoàn Kiếm mời tới để làm điểm nhấn, tạo nét đẹp cho chợ Tết. Vì vậy, dù đã cận kề Tết, những nghệ nhân viết thư pháp như ông Quỳnh rất bận rộn, nhưng vẫn dành thời gian để đến với gian hàng truyền thống: “Chúng tôi mong muốn có thể lưu giữ, bảo tồn và lan tỏa vẻ đẹp của những con chữ truyền thống”.

Đối lập với vẻ đẹp duyên dáng, thanh tao của của những nét chữ thư pháp bay bổng, đi dọc theo chiều dài con phố, ở cuối cùng của con đường bích họa là những gian hàng nhỏ nhắn, ấm áp với hàng loạt món đồ thổ cẩm của người dân tộc. Các chị hầu hết đều là những người dân tộc thiểu số sinh sống tại những vùng như Lào Cai, Sa Pa,… đến với chợ hoa Tết năm nay, các chị đem đến những sản phẩm thủ công đặc trưng của dân tộc mình.

Gặp gỡ chị Phàn Lở Mẩy (đến từ Sa Pa) người dân tộc Dao đỏ, chị cho biết: “Gian hàng của tôi chủ yếu là đồ dùng cá nhân được may, thêu từ thổ cẩm hoặc vải như túi, quần áo, trang phục truyền thống của người Dao đỏ”. Mỗi sản phẩm có giá dao động từ vài chục ngàn đến vài triệu đồng. Đắt nhất trong gian hàng là những bộ trang phục truyền thống của người dân tộc Dao đỏ lên đến tiền triệu. Chị Mẩy chia sẻ phải mất gần một năm hoặc lâu hơn mới có thể dệt xong được một bộ. Những bộ trang phục được bày trên các móc treo không chỉ một người làm ra, mà là rất nhiều phụ nữ Dao đỏ trong bản làng cùng dệt, chị Mẩy chỉ là người đứng gom tất cả hàng hóa lại rồi đại diện đem đến chợ hoa Tết.

Chị Phàn Lở Mẩy mong muốn đem phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc Dao đỏ đến gần hơn với mọi người.

Chị Phàn Lở Mẩy mong muốn đem phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc Dao đỏ đến gần hơn với mọi người.

Mỗi sản phẩm thủ công từ thổ cẩm của người Dao đỏ nhìn đơn giản, nhưng quả thực kỳ công hơn rất nhiều. Ví dụ như, người Dao đỏ thường trồng bông trên núi, họ tranh thủ những lúc nông nhàn, không phải lên nương, rẫy để bật bông, ép hạt, se sợi, dệt vải và may trang phục. Vào tháng 1, tháng 2, khi những cánh đồng ít sương muối, họ tranh thủ gieo hạt, để đến ngày lấy bông, họ cho vào nồi đun qua nước sôi rồi ngâm vào nước lạnh, sau đó mới kéo thành sợi, dệt vải. Kỳ công như vậy, cho nên, từng bộ trang phục, phụ kiện trên kệ hàng đều được chị Phàn Lở Mẩy chăm chút cẩn thận.

Bảo tồn và lan tỏa những nét đẹp dân gian

Nghệ nhân thư pháp Xuân Quỳnh dùng bút lông chấm vào nghiên mực trang nhã để bên cạnh, bàn tay ông uyển chuyển, khéo léo tạo nên từng nét chữ thanh tao trên tờ giấy đỏ. Mùi giấy thơm phảng phất, vấn vít lên tận mũi của người xin chữ. Xung quanh, có rất nhiều người im lặng đứng chờ nghệ nhân phác họa xong những nét chữ như thi, như họa.

Nghệ nhân chia sẻ, vẻ đẹp của chữ thư pháp, nằm ở sự cân đối, hài hòa, có nét thanh, nét đậm, có nét cứng, nét mềm. Khi vừa nhìn vào, ngay cả những người không có kiến thức chuyên sâu về thư pháp cũng có thể cảm nhận được vẻ đẹp bên trong. Thư pháp hay ở chỗ, lời ít, ý nhiều, chỉ cần một chữ cũng có thể bộc lộ được tất cả mong muốn, khát vọng của người xin chữ. Vì vậy, đối với nghệ nhân Xuân Quỳnh, không có một chữ nào là tâm đắc nhất đối với ông cả: “Mỗi người có một mong muốn, dự định riêng khi xin chữ. Ví như các cụ già thì đâu cần chữ về tài lộc, công danh, họ chỉ cần bình an, khỏe mạnh là được”.

Ngày nay, chữ Nho đã không còn được sử dụng rộng rãi và được thay thế bằng chữ Quốc ngữ như hiện tại. Chữ Nho, chữ Hán chỉ còn được những người yêu mến văn hóa truyền thống Việt Nam biết đến thông qua những văn tự cổ trong chùa, hay các sắc phong của triều đình xưa để lại. Tuy nhiên, từ bao đời nay đó vẫn là một thú chơi tao nhã như các cụ thời xa xưa đã truyền lại “nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ mộc”.

Như vậy, có thể thấy rằng thư pháp là một loại hình nghệ thuật biểu thị sự cao siêu trong kiến thức, tinh thông trong hội họa, lịch sử và vẻ đẹp. Bởi, qua chữ có thể bộc lộ được khí phách, tâm tư, tình cảm, thậm chí cả tư tưởng của một thư gia. Nên, các bậc quân tử xưa kia không chỉ rèn luyện tài năng, mà còn mài giũa cả tâm tính của mình. Hiện tại, để phát triển, bảo tồn nét đẹp của thư pháp, nghệ nhân Xuân Quỳnh có một trung tâm mang tên Nhân mỹ học đường dạy hoàn toàn miễn phí cho những người yêu thích và có niềm đam mê với thư pháp.

Cũng với mong muốn được quảng bá rộng rãi nét đẹp văn hóa của người dân tộc Dao đỏ tại vùng Sa Pa, chị Phàn Lở Mẩy đã cố gắng giao tiếp với khách hàng dù tiếng Kinh còn nhiều hạn chế. Chị Mẩy cho biết: “Mỗi họa tiết trên chiếc túi, trên khăn, quần áo đều có ý nghĩa riêng, mang điều tốt lành, may mắn đến cho mọi người. Nhưng tôi không biết dịch sao nên chẳng thể nói hết được”.

Từ những bộ trang phục người Dao đỏ, chị Mẩy có thể dễ dàng chỉ ra phụ nữ Dao thường chú ý đến các họa tiết ở tay áo, cửa tay áo, nẹp được thêu chủ yếu bằng chỉ đỏ và chỉ trắng hoặc chỉ vàng. Họ cũng biết làm duyên bằng một chiếc áo nhỏ bên trong, với những họa tiết tập trung ở phía ngực, cổ và lưng áo. Các họa tiết thường được thêu là hình cây thông, hình dấu chân hổ, hình hoa kiệu, hình răng cưa... Khi mặc, các hoa văn được kết hợp rất hài hòa, đẹp mắt.

Đưa sản phẩm đến với hội chợ Tết, chị Mẩy cũng như đồng bào dân tộc Dao đỏ thấy rất tự hào những sản phẩm truyền thống của mình. Chị mong muốn mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ không còn cảm thấy xa lạ đối những với phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số thông qua những bộ trang phục độc đáo, đặc sắc. Để từ đó, chị có thể quảng bá rộng rãi sản phẩm của quê hương. “Người Dao đỏ ở Sa Pa còn nhiều khó khăn, nhờ sự hỗ trợ của Ban Tổ chức, chúng tôi có thể mang hàng hóa của mình đến với nhiều người hơn”. Đây là một cách vừa giúp đồng bào dân tộc thiểu số gìn giữ, lan tỏa vẻ đẹp dân tộc, vừa tạo công ăn việc làm từ chính thế mạnh của họ.

Nhưng không chỉ những nghệ nhân như ông Xuân Quỳnh hay chị Phàn Lở Mẩy, tất cả những gian hàng khác cũng được trưng bày rất chỉn chu, tỉ mỉ. Chính vì vậy chợ hoa Tết năm Quý Mão 2023 tạo nên một không gian độc đáo, đặc sắc cho du khách trong và ngoài nước đến thưởng thức. Tại đây, mọi người không những được chụp ảnh với các thiết kế nghệ thuật mang hơi hướng dân gian độc đáo, mà còn có thể tiếp thu thêm nhiều kiến thức bổ ích về văn hóa dân tộc.

Với mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, gìn giữ nét đẹp văn hóa của người Hà Nội, quảng bá hình ảnh quận Hoàn Kiếm có bề dày lịch sử, thanh lịch, văn minh đến bạn bè trong nước và quốc tế, UBND quận Hoàn Kiếm sẽ tổ chức các chương trình, sự kiện, hoạt động văn hóa truyền thống quan trọng.

Chợ hoa năm nay diễn ra đến 20h ngày 21/1 (tức 30 tháng Chạp năm Nhâm Dần). Chợ hoa được tổ chức tại các tuyến phố Hàng Lược, Hàng Khoai, Hàng Rươi, Hàng Mã và không gian bích họa phố Phùng Hưng thuộc phường Hàng Mã. Tại các tuyến phố Hàng Lược, Hàng Khoai, Hàng Rươi, Hàng Mã: Bố trí, sắp xếp các ngành hàng quất, hoa tươi, hoa đào; ngành hàng trang trí, đồ giả cổ, hoa lụa.

Đọc thêm

Chàng trai 8X gìn giữ văn hóa truyền thống dân tộc Cor

Anh Hồ Văn Xu (bên phải) đang biểu diễn trống cùng với thành viên Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân tộc Cor.
(PLVN) -  Trong các tiết mục trình diễn văn hóa dân tộc Cor ở Quảng Ngãi, người xem luôn bắt gặp một nghệ nhân 8x với nụ cười tươi thường trực trên môi, dáng người chắc khỏe, say sưa theo từng nhịp chiêng, nhịp trống.

"Ngày hôm nay tôi mất đi một người bạn..."

"Ngày hôm nay tôi mất đi một người bạn..."
(PLVN) - Bình không còn ở lại căn phòng đó nữa, không còn ở lại với vợ con, bạn bè, đồng nghiệp và những dự định dang dở nữa. Cây vạn niên thanh vẫn tốt tươi, nhưng một chiếc lá xanh tên là Hà Sơn Bình vừa rơi xuống…

Đà Lạt đưa văn hoá truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số vào phát triển du lịch

Đà Lạt kỳ vọng các giá trị văn hoá của đồng bào DTTS sẽ góp phần thu hút du khách.
(PLVN) - Mô hình văn hóa cồng chiên gắn với phát triển du lịch của cộng đồng của đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Tà Nung (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) sẽ được ra mắt trong tháng 4/2024. Mô hình này nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn TP Đà Lạt nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung trước nguy cơ bị mai một, phát huy văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch.

Có gì ở bom tấn “Godzilla x Kong: Đế chế mới”?

Có gì ở bom tấn “Godzilla x Kong: Đế chế mới”?
(PLVN) - Sau thành công của phần phim “Godzilla Đại chiến Kong”, đạo diễn Adam Wingard và ê-kíp sẽ trở lại trong màn hợp sức của hai siêu quái trong “Godzilla x Kong: Đế chế mới” với một quy mô đồ sộ hơn.

18 tay đua tham gia Giải đua vô địch thế giới thuyền máy nhà nghề F1H2O World Championship 2024

Chiếc thuyền máy số 1 của đội Bình Định - Việt Nam do Jonas Andersson điều khiển lướt trên mặt đầm Thị Nại.
(PLVN) - Ngày 28/3, tại TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) đã diễn ra buổi họp báo công bố Giải đua vô địch thế giới thuyền máy nhà nghề UIM F1H2O World Championship Grand Prix of Binh Dinh, diễn ra từ ngày 29 - 31/3 tại đầm Thị Nại (TP Quy Nhơn). Đây là chặng thứ 2 của giải đua trong tổng số 8 chặng được tổ chức trong năm 2024.

Nhiều hoạt động ý nghĩa Ngày Sách và Văn hóa đọc ở Cà Mau

Nhiều hoạt động ý nghĩa Ngày Sách và Văn hóa đọc ở Cà Mau
(PLVN) - Ngày Sách và Văn hóa đọc tỉnh Cà Mau diễn ra từ ngày 19/4 - 21/4, tại Công viên Hùng Vương, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau. Sự kiện góp phần khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người…