Ngày 31/12/2018, Countdown Hà Nội tổ chức tại nhiều địa điểm như khu vực phố đi bộ, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, sân vận động Hàng Đẫy, Nhà hát lớn Hà Nội,…Sau 24 giờ đêm, bước sang năm mới, dòng người đổ về khu vực bố đi bộ thưa thớt dần. Rác ngập ngụa khắp các con đường, tạo nên một cảnh tượng đáng suy ngẫm về ý thức của người dân thủ đô.
|
Lúc người dân thưa thớt dần, cũng là khi rác thải lộ ra, vung vãi trên đường phố |
Thói quen “bạ đâu vứt đấy”, không ít bạn trẻ ngại cầm rác đi thêm mấy bước chân để vứt chúng vào thùng. Theo sau nhóm bạn trẻ đi bộ trên đoạn tượng đài Lý Thái Tổ, cuộc đối thoại ngắn ngủi lọt vào tai khiến chúng tôi lặng người. “Sao mày vứt đấy, trên kia có thùng rác kìa”. Cô bạn mặc chiếc áo khoác màu xanh đưa cốc nước lên miệng hút rột rột chép miệng: “Vứt đâu thì tí người ta chả quét, mệt!”
|
Người dân vô tư ăn uống, ngồi trò chuyện mặc xung quanh đều là rác thải. |
Vào những sự kiện âm nhạc Countdown, lượng rác thải lớn hơn gấp 3, gấp 4 lần so với ngày thường. Một cô công nhân môi trường đô thị chia sẻ: “Năm ngoái tôi cũng quét đêm Countdown, làm đến tận 4 giờ sáng vẫn chưa hết rác, mà những dịp này dọn hết rác thì mới được nghỉ”. Gần 3 giờ sáng, phố xá cũng chẳng còn mấy người, dưới cái lạnh thấu xương, công việc của cô vẫn ngổn ngang, và chẳng biến đến khi nào mới xong để về với gia đình đón năm mới.
|
Những người lao công lao động cật lực, đối mặt với lượng rác thải “khủng” do người đi dự Countdown thải ra dưới cái lạnh cắt da, cắt thịt. |
Điều đáng buồn là thực tế, quanh khu vực bờ hồ được bố trí rất nhiều thùng rác. Cớ sao mà thùng rác chưa đầy, nhưng người ta lại vẫn cứ vô tư xả rác ra đường? Tất cả đều do ý thức. Nhiều người dân hiểu xả rác bừa bãi ra môi trường là sai, là hành động phá hoại mỹ quan đô thị nhưng vẫn tặc lưỡi bỏ qua, bởi họ đi theo cái lối suy nghĩ “mình sạch là được, mình tiện là xong”.
|
Thùng rác được bố trí rất nhiều, nhưng người dân lựa chọn bỏ qua, thẳng tay xả thẳng ra đường. |
Rác vứt ngay miệng cống bao gồm đủ loại từ túi nilon, đồ chơi bỏ đi, giấy, nhựa,…đa phần là chất khó phân hủy. Khi chưa được thu kịp thời, dưới tác động của ngoại lực rơi xuống, gây nên tình trạng tắc, ùn ứ rác. Vào mùa mưa, đây là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng ngập úng tại các tuyến phố lớn.
|
Rác bị người dân ngang nhiên xả thăng gần miếng cống, rơi xuống gây nên tình trạng tắc cống, ngập úng vào mùa mưa. |
Dường như bất kỳ nơi nào trên phố đi bộ cũng có thể trở thành địa điểm xả rác “lý tưởng”. Ngay trước cửa của một cửa hàng gần quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, cạnh gốc cây, hay dưới gầm ghế bên hồ Hoàn Kiếm, chỉ cần đưa mắt nhìn, rác thải tràn lan, ngập ngụa khiến ai ai cũng phải lắc đầu ngán ngẩm.
|
Rác thải ngổn ngang ngay trước cửa của một cửa hàng nằm trên phố đi bộ |
|
Dưới các gầm ghế cũng ngỗn ngang các loại rác |
Một trong những loại đồ ăn vặt được nhiều người ưa chuộng là các loại hạt, trong đó có hạt hướng dương, bởi có thể ngồi nhâm nhi, vừa ăn vừa trò chuyện. Thế nhưng vỏ hướng dương vứt vô tội vạ ngay xuống mặt đường, không những gây mất đi vẻ đẹp đường phố, nó còn khiến công việc của những công nhân quét rác trở nên vất vả hơn, bởi loại vỏ này dính chặt xuống các bề mặt, khó thu dọn.
|
Vỏ hướng dương vứt xuống đoạn đường ướt nước, gây khó khăn cho những người quét rác. |
Người trên phố đã thưa dần, chủ các hàng quán cũng gấp rút thu dọn bàn ghế để về nhà. Chỉ còn rác thải tràn lan bốn bề. Từ một con đường xinh đẹp, chỉ qua một mùa sự kiện lại trở nên xấu xí và bẩn thỉu chỉ vì hai từ “ý thức” của người vứt rác.
|
“Bãi chiến trường” lộ ra khi người bán hàng thu dọn đồ đạc chuẩn bị về nghỉ ngơi. |
Khoản 1 Điều 20 Nghị định 155 của Chính phủ đề ra mức xử phạt từ 100.000 đến 5.000.000 đồng đối với các hành vi xả rác bừa bãi ra môi trường tại các nơi công cộng, khu dân cư,…Thế nhưng dường như chẳng mấy ai để ý đến nghị định này. Người vẫn xả tùy thích, rác vẫn khắp nơi, và ngoài kia, trong những tiết trời khắc nghiệt nhất, công nhân quét rác vẫn phải gồng mình đến sáng.