Quản lý tuân thủ được hiểu là sự quản lý hướng đến sự chấp hành pháp luật của các đối tượng quản lý. Đưa ra các tiêu chí quản lý, Hải quan Việt Nam đã nghiên cứu cũng như áp dụng các kinh nghiệp quốc tế vào tình hình thực tiễn hoạt động tại Việt Nam, và việc vận dụng cũng được linh hoạt, theo từng tình huống và từng thời điểm để có thể đánh giá, quản lý sự tuân thủ của DN một cách khách quan nhất.
Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, thời gian qua, Việt Nam đã có những cải cách phát triển quan trọng nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và đã đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực, trong đó kinh tế phục hồi và tiếp tục tăng trưởng đến 6,68% năm 2015. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn bộc lộ một số bất cập, hạn chế. Theo các tổ chức quốc tế đánh giá và xếp hạng thì một trong những hạn chế lớn nhất là năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam còn ở mức thấp hơn (đến tháng 9/2015 Việt Nam xếp thứ 56 theo chỉ số GCR toàn cầu, thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á) so với nhiều nước trong khu vực và thế giới.
Để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, một trong các giải pháp được đề ra trong các Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ qua các năm 2014, 2015, 2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, đó là: các Bộ, cơ quan, địa phương cần tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, giảm chi phí hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước. Một trong các giải pháp được ưu tiên hàng đầu mà các Bộ, ngành cần có sự phối hợp thực hiện đó là tạo thuận lợi hơn nữa cho trao đổi thương mại, xây dựng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, giảm chi phí tuân thủ pháp luật.
Đặc biệt ngày 29/04/2016 tại TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ đã có buổi gặp gỡ với gần 10.000 đại diện doanh nghiệp Việt Nam theo chương trình trực tuyến và đã có những cam kết rõ ràng về nhiều nội dung với sự kỳ vọng sẽ tạo những thuận lợi nhất, hoàn toàn tháo gỡ về cơ chế, chính sách cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển ở một tầm cao mới.
Trước yêu cầu của Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành các Nghị quyết triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Giới thiệu về việc áp dụng tuân thủ đối với DN xuất nhập khẩu (XNK) mà ngành Hải quan đang triển khai để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết 35 của Chính phủ, ông Bùi Thái Quang, Phó Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro cho biết: Hiện nay, ở nước ta có khoảng gần 90.000 DN thường xuyên có hoạt động XNK. Để quản lý tuân thủ đối với các DN này, cơ quan Hải quan phải tổ chức quản lý hệ thống thông tin về DN, hoạt động của DN cũng như quá trình chấp hành pháp luật của DN. Hàng năm, ngành Hải quan phân cấp nhiệm vụ cho các đơn vị có trách nhiệm thu thập, cập nhật bổ sung các thông tin mới về DN vào hồ sơ DN. Việc thu thập thông tin này được thực hiện dựa trên nhu cầu thông tin phục vụ đánh giá tuân thủ và phân loại rủi ro DN.
Thời gian qua, cơ quan Hải quan thực hiện đánh giá phân loại 3 nhóm DN để phục vụ áp dụng chính sách quản lý hải quan, gồm: DN ưu tiên; DN tuân thủ; DN không tuân thủ.
Kết quả đánh giá tuân thủ DN có ý nghĩa quyết định đối với việc cơ quan Hải quan tập trung áp dụng biện pháp kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa, phương tiện vận tải của DN. Cơ quan Hải quan sẽ thực hiện kiểm tra với mức độ kiểm tra cao đối với hàng hóa, phương tiện vận tải của DN không tuân thủ. Ngược lại, DN tuân thủ được áp dụng tỷ lệ kiểm tra rất thấp, đảm bảo thông quan nhanh chóng, thuận lợi.
Ngoài ra, cơ quan Hải quan cũng thường xuyên theo dõi, phân tích, đánh giá rủi ro về tình hình hoạt động và chấp hành pháp luật của DN, tổng hợp, kiến nghị điều chỉnh các chế độ, chính sách, quy trình thủ tục, chế độ ưu tiên cũng như cơ chế đánh giá tuân thủ, phân loại rủi ro đối với DN hoạt động XNK.
Phó Cục trưởng Bùi Thái Quang cũng cho biết, với sự chủ động tích cực trong việc tiếp cận, áp dụng phương pháp quản lý hải quan hiện đại, cùng với nỗ lực cải cách, hiện đại hóa trong quản lý hải quan, thời gian qua, ngành Hải quan đã đạt được những bước tiến đáng kể trong lĩnh vực này, cụ thể:
Xây dựng môi trường tuân thủ trong hoạt động hải quan với hành lang pháp lý được thiết lập khá đầy đủ và minh bạch;
Công tác quản lý, đánh giá tuân thủ DN của ngành Hải quan từng bước được chuyên nghiệp và chuyên sâu; qua đó giúp cho việc đánh giá, phân loại DN được chính xác, tạo cơ sở cho việc áp dụng chính sách tuân thủ một cách công bằng và khách quan;
Cộng đồng DN tham gia tự nguyện tuân thủ ngày càng tăng về số lượng và chất lượng; năng lực tuân thủ của DN trong hoạt động hải quan ngày càng được nâng cao;
Tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa từng bước được giảm thiểu đáng kể qua các năm, cụ thể: năm 2011, tỷ lệ kiểm tra thực tế là 12,62%, đến nay (2016) tỷ lệ này giảm còn 5,36%.
Đặt câu hỏi tại buổi họp báo, phóng viên của các cơ quan báo chí quan tâm tới các nội dung: các tiêu chí quản lý rủi ro của cơ quan Hải quan so với các tiêu chí của Hải quan các nước trên thế giới? Việc quản lý rủi ro tác động thế nào với việc phân luồng hàng hóa? Cơ quan Hải quan triển khai mô hình quản lý rủi ro ở các cấp hải quan ra sao? DN cần làm thế nào để biết được mình trong diện đánh giá nào của cơ quan Hải quan?
Trả lời câu hỏi về việc quản lý rủi ro tác động thế nào với việc phân luồng hàng hóa, ông Bùi Thái Quang cho biết, việc phân luồng hàng hóa dựa trên cơ sở quản lý rủi ro đối với DN. Cơ quan Hải quan đánh giá sự tuân thủ của DN dựa vào tần suất và tính chất vi phạm pháp luật của DN, và ở mỗi thời điểm sẽ có sự đánh giá khác nhau. Cùng với đó còn là nhiều tiêu chí khác theo nghiệp vụ quản lý riêng của cơ quan Hải quan. Vì vậy, có thể khẳng định, không có ái có thể can thiệp vào hệ thống quản lý rủi ro của cơ quan Hải quan để điều chỉnh sự phân luồng hàng hóa.
Trước câu hỏi các DN cần làm thế nào để biết được mình trong diện đánh giá nào của cơ quan Hải quan, đại diện Cục Quản lý rủi ro cho cho biết, tất cả phụ thuộc vào ý thức chấp hành pháp luật của DN. Các DN cần chủ động liên hệ và thường xuyên cung cấp đầy đủ thông tin hồ sơ cho cơ quan Hải quan, phục vụ đánh giá chính xác mức độ tuân thủ pháp luật của DN, từ đó có biện pháp nâng cao chất lượng quản lý và cải thiện mức độ tuân thủ pháp luật hải quan, pháp luật thuế.
Đồng thời, cần chủ động nâng cao năng lực tuân thủ của DN bằng cách tích cực tham gia các chương trình tập tuấn, tuyên truyền, hội thảo của cơ quan Hải quan để tìm hiểu, nắm vững, dẫn đến thực hiện đúng quy định của pháp luật trong quản lý hải quan; Chủ động và tự nguyện hợp tác đầy đủ với cơ quan Hải quan trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, áp dụng biện pháp kiểm tra, giám sát hải quan.