Philippines: Thách thức nào cho Tổng thống mới?

Cử tri Phillippines tìm kiếm cho mình một Tổng thống biết đấu tranh với tội phạm và phát triển kinh tế.
Cử tri Phillippines tìm kiếm cho mình một Tổng thống biết đấu tranh với tội phạm và phát triển kinh tế.
(PLO) - Trong cuộc bầu cử Tổng thống Philippines diễn ra hôm qua (9/5), ứng cử viên Duterte là một nhân vật gây nhiều tranh cãi ở Philippines. Cùng tranh cử với Duterte còn có bà Grace Poe - ứng cử viên độc lập; ông Manuel Mar Roxa - Thư ký Nội các của chính phủ đương nhiệm và ông Jojema Binay - Phó Tổng thống thuộc đảng đối lập. 

Dù ứng cử viên nào giành chiến thắng thì cũng sẽ phải giải quyết một số vấn đề cơ bản của Philippines, trước hết là duy trì được thành tích phát triển kinh tế. Trong số 4 ứng cử viên chính đã nói ở trên, các cuộc thăm dò dư luận diễn ra ngay trước giờ bỏ phiếu vẫn cho thấy, cử tri Philippines có chiều hướng ủng hộ ứng cử viên Rodrigo Duterte.

“Donal Trump” của châu Á

Nhận định về các ứng cử viên đứng đầu trong cuộc đua vào chiếc ghế Tổng thống Philippines, một số nhà quan sát và bình luận quốc tế cho rằng, ông Duterte là một chính trị gia địa phương tương đối kỳ cựu khi đảm nhiệm cương vị Thị trưởng thành phố Davao hơn 20 năm. 

Khi tranh cử, ông Duterte thể hiện lập trường tương đối cứng rắn đối với những vấn đề mà người dân Philippines rất bức xúc, như tình trạng tội phạm, buôn bán ma túy, luôn gây được thiện cảm với tầng lớp bình dân trong xã hội Philippines. Ngoài ra, ông Duterte cũng đặc biệt thu hút được sự quan tâm, chú ý của báo giới với những phát ngôn gây sốc và nhiều người đã gọi ông là “Donal Trump” ở châu Á.

Phong cách của ông Duterte nhận được sự cộng hưởng ủng hộ của nhiều tầng lớp dân chúng, đặc biệt là tầng lớp dưới của xã hội Philippines khi mà họ tương đối nản lòng với chính phủ hiện tại trong nhiều vấn đề. Ông Duterte tuyên bố sẽ xóa sạch tội phạm và tình trạng buôn bán ma túy ở Philippines trong vòng 6 tháng sau khi thắng cử. Chính hồ sơ thành tích của ông Duterte ở thành phố Davao và những cam kết đưa ra khi tranh cử đã tạo ra sự tin tưởng của một số tầng lớp người dân Philippines. 

Biểu tượng của… sự bất mãn?

Thật ra thì không hẳn là chỉ nhờ những tuyên bố mà ông Duterte đã qua mặt các ứng cử viên khác. Thị trưởng Davao đã khéo léo thể hiện mình là một chính khách có thể đề ra những giải pháp để giải quyết nhanh mọi vấn đề cố hữu của Philippines như tình trạng tội phạm hay nạn nghèo đói. Như nhận định của nhà chính trị học Raon Casiple, được AFP trích dẫn ngày 6/5, ông Duterte đã trở thành biểu tượng của sự bất mãn, thậm chí của sự tuyệt vọng đối với những người đã đặt niềm tin vào giới lãnh đạo Philippines. 

Kể từ khi nhà độc tài Ferdinand Marcos bị lật đổ năm 1986, Philippines, ở cấp địa phương cũng như cấp quốc gia vẫn nằm dưới sự “cai trị” của các gia đình, với sự hỗ trợ của giới tài phiệt. Hệ thống chính trị này càng khiến cách biệt giàu nghèo ở Philippines thêm nặng nề. Tổng thống mãn nhiệm Benigno Aquino chính là sản phẩm đặc trưng của hệ thống chính trị đó. Trong thời gian cuối nhiệm kỳ, ông bị chỉ trích là đã thi hành một chính sách kinh tế có lợi cho người giàu. Kể từ khi ông Aquino lên làm Tổng thống năm 2010, tăng trưởng kinh tế hàng năm của Philippines đúng là đã đạt mức trung bình 6%, nhưng 1/4 dân số nước này vẫn sống dưới ngưỡng nghèo như cách đây 6 năm.

Thế nên, ông Duterte đã tuyên bố là nếu Chúa cho làm Tổng thống, ông sẽ “phục vụ người dân”, chứ không phục vụ thành phần đặc quyền đặc lợi. “Liệu pháp” của Thị trưởng Davao rất đơn giản: Muốn nhổ tận gốc nạn nghèo khó thì phải tiêu diệt tội phạm. Mà muốn làm như thế thì không nên dựa vào hệ thống tư pháp nổi tiếng tham nhũng và không hiệu quả, mà chỉ cần ra lệnh cho cảnh sát bắn hạ mọi tên tội phạm. Ông Duterte khẳng định trong vòng 6 tháng, Philippines sẽ giải quyết được cả hai vấn đề nói trên- một lời hứa mà hàng triệu người Philippines sẵn sàng tin.

Ông Rodrigo Duterte, được xem như “Donal Trump” ở châu Á.

Ông Rodrigo Duterte, được xem như “Donal Trump” ở châu Á.

Đối thủ “ít nổi bật”

Trong khi đó, bà Grace Poe là một ứng cử viên độc lập và đã quyết định từ bỏ tư cách “công dân Mỹ” để về Philippines tham gia tranh cử Tổng thống. Đây cũng là lý do khiến bà Grace Poe gặp một số bất lợi khi nhiều người cho rằng bà không hiểu biết đầy đủ về xã hội Philippines cũng như những vấn đề mà người dân Philippines đang gặp phải.

Tuy nhiên, nếu so sánh với ông Duterte, bà Grace Poe được đánh giá là nhân vật tương đối ôn hòa, có năng lực và có thể dẫn dắt Philippines một cách tự tin hơn trên chính trường quốc tế. Các chuyên gia kinh tế nhận định bà Grace Poe giành chiến thắng sẽ là trường hợp khả dĩ nhất, tối ưu nhất cho tương lai phát triển kinh tế của Philippines bởi ít nhiều bà này đã có kinh nghiệm trong quản lý kinh tế. 

7 người thiệt mạng trước giờ bỏ phiếu

Cảnh sát Philippines cho biết 7 người đã bị bắn chết và 1 người khác bị thương khi một đoàn xe bị phục kích rạng sáng qua (9/5), chỉ vài giờ trước khi các điểm bỏ phiếu mở cửa đón các cử tri trong cuộc tổng tuyển cử ở nước này.

Theo người phát ngôn lực lượng đặc nhiệm giám sát bạo lực bầu cử, Trưởng Thanh tra Jonathan del Rosario, một nhóm tay súng chưa rõ danh tính đã bắn vào một chiếc xe jeep và 2 môtô tại thị trấn Rosario, thuộc tỉnh Cavite ở phía Nam thủ đô Manila. Hiện chưa xác định được động cơ tấn công. Cũng theo ông Rosario, Cavite là khu vực mà giới chức bầu cử nhận định là “đáng quan ngại” do sự ganh đua chính trị gay gắt. 

Còn ứng cử viên Manuel Roxas là Thư ký Nội các và nhận được sự hậu thuẫn của Tổng thống sắp mãn nhiệm Aquino. Ông được đánh giá là có ưu thế mạnh nhất để đương đầu với ứng cử viên Duturte do ông có thể tận dụng cỗ máy bầu cử của đảng Tự do. Tuy nhiên, trong bối cảnh người dân Philippines cảm giác muốn có sự thay đổi nên có thể chính mối liên hệ của ông Roxas với chính quyền Aquino lại trở thành một điều bất lợi. Hơn nữa, nhiều người cho rằng năng lực của ông Roxas “có phần” hạn chế. 

Trong quá trình vận động tranh cử của các ứng cử viên, có thể nhận thấy hai xu hướng chính liên quan tới chính sách đối với Trung Quốc và Mỹ. Ông Roxas và bà Poe, những người đã từng học tập và lập nghiệp ở Mỹ, có quan điểm gần giống với chính quyền sắp mãn nhiệm và nhiều khả năng sẽ tiếp tục thực thi chính sách của ông Aquino theo hướng thân Mỹ.

Bà Poe ủng hộ vụ kiện chống Trung Quốc, nhưng muốn có cách tiếp cận ngoại giao đa phương hơn bao gồm cả các nước khác trong khu vực, đồng thời khuyến khích và tôn trọng các mặt khác trong mối quan hệ Philippines - Trung Quốc. Bà cam kết vừa thúc đẩy vụ kiện, vừa nâng cao năng lực quốc phòng của đất nước bằng cách củng cố lực lượng bảo vệ bờ biển và hải quân Philippines. Trong khi đó, ông Roxas cam kết sẽ hỗ trợ thường xuyên ngư dân đang bị Trung Quốc ức hiếp trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. 

Trong khi đó, ông Binay là người ủng hộ nhiều nhất việc xây dựng lại quan hệ Trung Quốc - Philippines và chỉ trích vụ kiện chống Trung Quốc của chính quyền Aquino. Giới chuyên gia dự đoán nếu ông Binay đắc cử, chính sách đối ngoại của Philippines với Trung Quốc sẽ có sự chuyển hướng mạnh mẽ. Ông chủ trương liên doanh với Trung Quốc để tìm kiếm và khai thác các nguồn tài nguyên ở biển Đông, đồng thời lựa chọn đối thoại song phương với Bắc Kinh, ưu tiên sức mạnh kinh tế và tầm quan trọng của nước này như một đối tác thương mại. 

Thách thức cho tân Tổng thống

Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Aquino, Philippines đã xóa được tiếng xấu là “nước yếu ở châu Á”, thậm chí còn được coi là một trong số ít những “điểm sáng” về kinh tế. Tuy nhiên, điểm nhấn trong nhiệm kỳ vừa qua của ông Aquino là chính sách đối ngoại cương quyết, sẵn sàng đương đầu với một Bắc Kinh ngày càng trở nên hung hăng hơn trong các tuyên bố chủ quyền ở biển Đông.

Chính quyền Aquino đã đệ đơn kiện Trung Quốc lên Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye (Hà Lan) liên quan tới các tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải. Đây là một bước đi táo bạo có thể làm thay đổi “cuộc chơi” trong câu chuyện dài kỳ về tranh chấp ở biển Đông. Bên cạnh đó, dưới thời ông Aquino, Philippines đã có sự nâng cấp đáng kể trong quan hệ an ninh với hai đồng minh then chốt là Mỹ và Nhật Bản - động thái có thể làm thay đổi tương quan lực lượng trong khu vực. 

Theo báo Pháp “Le Monde”, Tổng thống mãn nhiệm Benigno Aquino đang làm hết sức để ngăn cản ông Rodrigo Duterte - nhân vật còn cứng rắn hơn cả độc tài này - lên nắm quyền. Thế nhưng, ứng cử viên được ông Aquino ủng hộ hay những ứng cử viên khác đều ít nhiều mắc vào các vụ tai tiếng tham nhũng. Và phe chống Duterte dường như không tập hợp được lực lượng.

Nhận định về những nhiệm vụ mà tân Tổng thống Philippines sẽ tập trung trong thời gian đầu nhiệm kỳ, các nhà quan sát cho rằng, ứng cử viên nào giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới cũng sẽ phải giải quyết một số vấn đề cơ bản của Philippines, trước hết là duy trì được thành tích phát triển kinh tế. Trong thời gian qua, chính quyền Aquino tương đối thành công khi duy trì được một mức tăng trưởng tương đối tích cực cho Philippines.

Tuy nhiên, tình trạng bất bình đẳng và cuộc sống của người nghèo chưa được cải thiện là một gánh nặng đối với chính phủ kế tiếp. Hiện ở Philippines, người dân sống ở mức nghèo chiếm khoảng 25% - một tỉ lệ tương đối lớn.

Chính vì vậy mà những ứng cử viên có cương lĩnh tranh cử theo chiều hướng dân túy ủng hộ người nghèo có thể giành được lợi thế lớn hơn. Thứ hai là những vấn đề đang gây bức xúc trong xã hội Philippines, đặc biệt là tình trạng tội phạm, ma túy, hay các vấn đề gắn với cuộc sống thường nhật của người dân như tình trạng hạ tầng kém phát triển hay vấn nạn tắc nghẽn giao thông ở các thành phố lớn như là Manila.

Vấn đề thứ ba cũng rất quan trọng và thu hút sự quan tâm của nhiều người dân Philippines là vấn đề tranh chấp biển Đông, quan hệ với Mỹ và Trung Quốc. Trong bối cảnh Trung Quốc có các hành động mở rộng ảnh hưởng, đơn phương áp đặt các yêu sách phi lý ở biển Đông, Philippines là một trong những quốc gia bị tác động nhiều nhất…

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Tuần qua, thế giới chứng kiến hàng loạt sự cố khiến nhiều người chết và bị thương, từ vụ cháy rừng kinh hoàng ở California, va chạm tàu điện tại Pháp, nổ trạm xăng tại Yemen... đến những tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Cuba, Pakistan và Nam Phi.

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân
(PLVN) - Bác sĩ quân y Michael Stockin đã nhận tội lạm dụng tình dục hàng chục binh sĩ tại căn cứ Lewis-McChord, Washington, Mỹ. Vụ việc được xem là một trong những bê bối lạm dụng tình dục lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, đặt ra yêu cầu khẩn cấp về việc giám sát và cải thiện chính sách tuyển dụng trong quân đội.

Đã có ít nhất 125 người thiệt mạng trong vụ động đất ở Tây Tạng, Trung Quốc

Những ngôi nhà bị hư hại được chụp ảnh sau trận động đất (Ảnh: Reuters)
(PLVN) - Trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra tại khu vực hẻo lánh ở phía nam Tây Tạng, gần biên giới Trung Quốc và Nepal, khiến ít nhất 125 người thiệt mạng và 188 người bị thương. Sự kiện đau lòng này đã làm sụp đổ hàng nghìn ngôi nhà và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Phát hiện thi thể một nhà báo chống tham nhũng trong bể phốt

Nhà báo Mukesh Chandrakar (Ảnh: The Guardian)
(PLVN) - Anh Mukesh Chandrakar, một nhà báo nổi tiếng ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, đã bị phát hiện tử vong trong một bể phốt với dấu hiệu bị sát hại. Sự việc gây chấn động dư luận và đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo trong môi trường làm việc nguy hiểm.