Khai mạc Hội nghị, PGS-TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng trường Đại học KHXH-NV cho biết: phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP đã, đang và sẽ được Chính phủ, Bộ NN-PTNT xác định là giải pháp tối ưu, mang lại lợi ích kép cho khu vực nông nghiệp, nông thôn. Vì vậy, thông qua diễn đàn, các sản phẩm nông đặc sản địa phương được giới thiệu cho khách du lịch với kỳ vọng đạt được mục tiêu kép, vừa phát triển du lịch, vừa giúp tiêu thụ sản phẩm nông sản tốt hơn.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn |
“Trong đó liên quan đến nông nghiệp thì hiện nay nhà trường đã có hơn 90 đề tài hợp tác, trong đó hơn 50 chương trình được dành cho vùng ĐBSCL. Một số đề tài tiêu biểu như phát triển du lịch thông minh ở Bình Dương.”, bà Phương Lan nhấn mạnh.
Diễn đàn tập trung vào các giải pháp: Gia tăng giá trị sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch; cần thực hiện xây dựng Mỗi địa phương một sản phẩm du lịch nông nghiệp - nông thôn; chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng homestay tại nông thôn; chiến lược xây dựng thương hiệu tại các điểm du lịch nông nghiệp - nông thôn; sản phẩm du lịch sức khỏe trong phát triển du lịch nông thôn…
Tại hội nghị đã ghi nhận được nhiều ý kiến của các nhà quản lý và nhà đầu tư đang quan tâm đến việc phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn. Trong đó, theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty Nam Miền Trung Group cho rằng việc đưa chương trình OCOP thành thương hiệu mang tầm quốc gia có giá trị to lớn đối với ngành nông nghiệp Việt Nam. Ông Hoàng Anh cho rằng Ban chỉ đạo OCOP cần xác lập thêm tiêu chuẩn, tiêu chí để bảo đảm giá trị sản phẩm, tránh cho sản phẩm OCOP bị lạm dụng, mai một, không thể phát huy giá trị tối đa. Tất cả các địa phương hiểu rằng đây là chương trình hay, giá trị, như vậy, các địa phương cần xác lập tour, tuyến gắn với địa điểm là sản phẩm OCOP, giao Sở Du lịch, và đầu mối du lịch để quảng bá sản phẩm và giá trị sản phẩm OCOP. Với việc hơn 65% dân số sống tại nông thôn và phụ thuộc vào nông nghiệp cho nên chương trình OCOP hiện nay đang được xã hội đón nhận vô vùng tích cực. Vì vậy trong thời gian tới cần phát triển kết nối giá trị thị trường để thông qua thương hiệu OCOP có thể giúp kết nối giao thương, kết nối giá trị dịch vụ, văn hóa, du lịch.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi phát biểu tại điểm cầu Đồng Nai |
Liên quan đến việc phát triển dự án bản đồ du lịch ẩm thực online, ông Chử Hồng Minh, Phó Tổng Giám đốc Vietravel, Chủ tịch Hiệp hội Nhà hàng Việt Nam cho rằng có 3 trụ cột cần xác định trong phát triển du lịch gắn với văn hóa ẩm thực, gồm: Yếu tố văn hóa, dinh dưỡng và kinh tế. Việc hình thành liên kết các bên giữa doanh nghiệp, địa phương đến người làm chuyên môn, nghệ nhân ẩm thực vì vậy việc liên kết các bên giữa doanh nghiệp, địa phương đến người làm chuyên môn, nghệ nhân ẩm thực là rất quan trọng và được chú ý trong thời gian tới. Cũng theo ông Minh từ việc làm truyền thông cho hiệu quả thì việc ra mắt công cụ là trang web “Vietnamfoodmap.com” là một bước tiến lớn khi mà thông qua trang web này khách hàng có thể tìm hiểu các đặc sản của từng vùng miền trên không gian số trước khi họ thực hiện tour du lịch ẩm thực.
Tại điểm cầu Đồng Nai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi chia sẻ với diễn đàn hiện nay địa phương chưa triển khai nhiều mô hình phát triển du lịch gắn với quảng bá nông đặc sản và sản phẩm OCOP. Là một tỉnh có GDP nhóm nông lâm nghiệp chiếm chưa đến 10%, hiện Đồng Nai vừa ban hành kế hoạch số 172/KH-UBND đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn giai đoạn 2023-2025. Ông Phi cho rằng một số thế mạnh du lịch gắn với nông lâm nghiệp của Đồng Nai là du lịch trải nghiệm rừng, du lịch miệt vườn. Và trong thời gian tới tỉnh Đồng Nai sẽ hướng đến một số mục tiêu cụ thể như phát triển, chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn của tỉnh; Công nhận từ 1- 3 điểm du lịch nông thôn tại các địa phương; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số.
Trong quá trình này nếu có thắc mắc, tỉnh đề xuất Trung ương xây dựng thể chế, cơ chế chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn như: chính sách về đất đai, hỗ trợ về hạ tầng, nguồn nhân lực cho du lịch, về tín dụng, về quảng bá, xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm… Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị Bộ NN-PTNT, Bộ VH - TTDL phối hợp với Đồng Nai xây dựng mô hình mẫu về du lịch sinh thái gắn với sản phẩm OCOP để tỉnh có cơ sở để xây dựng các cơ chế riêng hỗ trợ triển khai thực hiện một cách bài bản, chuyên nghiệp trong phát triển du lịch gắn với OCOP góp phần giúp du lịch của Đồng Nai nói riêng, của cả nước nói chung có những sản phẩm du lịch mang tầm quốc gia.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho rằng khi kết hợp giữa việc phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm khơi dậy tiềm năng, lợi thế của khu vực nông thôn vừa gắn với phát triển du lịch cộng đồng, đồng thời đa dạng các ngành nghề dịch vụ nông thôn để tăng thu nhập của người nông dân… góp phần phát triển kinh tế vùng nông thôn, xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Cũng tại Diễn đàn, Trường Đại học KHXH-NV đã tổ chức khánh thành Không gian OCOP Nhân văn tại cơ sở quận 1 của nhà trường thu hút nhiều người tham gia.