Huyện miền núi Nam Đông là địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào Cơ Tu. Để bảo vệ và khai thác hợp lý nguồn tài nguyên rừng, huyện Nam Đông (Thừa Thiên Huế) đã giao hàng ngàn hecta rừng và đất lâm nghiệp cho cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình quản lý, đồng thời xây dựng thành công nhiều mô hình phát triển sinh kế dưới tán rừng…
Nhìn từ những mô hình làm sinh kế của cộng đồng
Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp, đến nay, huyện Nam Đông đã giao 6.700ha rừng và đất lâm nghiệp cho cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình quản lý và bảo vệ, trong đó có gần 6.000ha được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Tuy nhiên, phần lớn diện tích là rừng nghèo nên việc làm giàu rừng và phát triển lâm sản ngoài gỗ sẽ giúp gắn lợi ích kinh tế với quản lý bảo vệ rừng của đồng bào dân tộc.
Sau khi được giao đất rừng; các cộng đồng, nhóm hộ trồng thử nghiệm dưới tán rừng khoảng 100ha các loại cây dược liệu như: thiên nhiên kiện, ba kích tím, gừng gió… và hơn 600ha diện tích lâm sản ngoài gỗ là cây song mây. Tất cả các loại cây này đều cho giá trị kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho các hộ đồng bào dân tộc sinh sống ven rừng, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý rừng bền vững.
Nhóm bảo vệ rừng cộng đồng thôn Cha Măng, xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông có 52 hộ thành viên, được giao quản lý gần 600 ha rừng tự nhiên hơn 10 năm nay. Hàng tháng, các tổ tuần tra sẽ thay nhau đi tuần trong khu vực rừng có nguy cơ bị xâm hại.
Theo anh Phạm Văn Dương, thành viên bảo vệ rừng cộng đồng thôn Cha Măng: Nếu phát hiện có người vào chặt phá, khai thác trái phép hoặc lấn chiếm đất rừng tự nhiên, các thành viên sẽ ngăn chặn, ghi nhận hiện trường và thông báo cho cán bộ kiểm lâm cơ sở cũng như chính quyền.
“Trước đây, chính sách giao khoán BVR thực hiện cho từng hộ gia đình, cá nhân, nên hiệu quả quản lý, BVR chưa đồng bộ. Từ khi giao cho cộng đồng quản lý, tất cả các hộ dân trong thôn cùng đảm nhận nhiệm vụ tham gia BVR, ai cũng được hưởng lợi từ chính sách giao khoán và có thêm thu nhập từ nguồn lâm sản phụ dưới tán rừng nên người dân rất phấn khởi”, anh Dương chia sẻ.
Riêng nhóm cộng đồng bảo vệ rừng thôn Dỗi, xã Thượng Lộ (huyện Nam Đông) được Nhà nước giao quản lý bảo vệ gần 700ha là một điển hình trong công tác quản lý, bảo vệ rừng gắn liền với phát triển các mô hình sinh kế.
Từ nguồn kinh phí chi trả DVMTR, cộng đồng thôn Dỗi chi mua sắm trang thiết bị, dụng cụ phục vụ cho công tác tuần tra rừng và đã trích ra một phần kinh phí để cho hàng chục hộ thành viên vay vốn theo hình thức quay vòng để xây dựng các mô hình sinh kế như chăn nuôi gà, lợn, cá, trồng tre lấy măng, trồng mây dưới tán rừng tự nhiên và dọc khe suối. Việc này không chỉ chống tình trạng sạt lở khi mùa mưa lũ đến mà còn góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập tăng thêm cho các hộ gia đình...
Anh Trần Văn Xuân, Trưởng BQL rừng cộng đồng thôn Dỗi, xã Thượng Lộ cho biết, hằng tháng, các tổ nhóm họp bàn kế hoạch kết hợp giữa tuần tra bảo vệ rừng, chăm sóc vườn rừng và làm giàu rừng theo sự phân công. Các thành viên trong cộng đồng vừa chăm sóc rừng mây, khai thác lâm sản phụ. Qua đó, không chỉ giúp cho các thành viên bảo vệ rừng gắn bó với rừng hơn mà còn làm đa dạng hệ sinh thái, chất lượng rừng ngày càng được nâng cao. Nhờ vậy, đã ngăn chặn kịp thời các hành vi có dấu hiệu xâm phạm tài nguyên rừng, lấn chiếm đất rừng.
Trong điều kiện lực lượng chức năng còn mỏng thì việc huy động cộng đồng tham gia quản lý, bảo vệ rừng là rất cần thiết. |
Từ nguồn kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) cho cộng đồng quản lý, bảo vệ rừng; nhiều cộng đồng thôn, bản trên địa bàn tỉnh đã xây dựng mô hình phát triển sinh kế, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng nghìn hộ gia đình là thành viên thuộc các ban quản lý (BQL) rừng cộng đồng thôn, bản.
Thay đổi tư duy quản lý, bảo vệ rừng
Lâu nay, chính sách giao đất giao rừng cho cộng đồng và hộ gia đình quản lý đã tạo bước chuyển biến căn bản trong lĩnh vực quản lý lâm nghiệp, gắn trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng với cộng đồng dân cư. Từ đó, rừng được bảo vệ một cách hiệu quả hơn; giảm thiểu và chấm dứt nạn phát rừng làm rẫy, nâng cao đời sống của người dân.
Theo ông Nguyễn Tất Tùng - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên Huế, việc giao đất giao rừng đã góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người dân khi hưởng lợi từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng. Bởi giao rừng cho cộng đồng quản lý, chính là xã hội hoá công tác bảo vệ và phát triển rừng, làm cho rừng có chủ thực sự. Qua đó, gắn quyền lợi với trách nhiệm để cộng đồng phấn khởi cùng tham gia bảo vệ rừng, và được hưởng lợi ích từ chi trả các dịch vụ môi trường rừng và các chính sách của nhà nước hỗ trợ bảo vệ rừng. Khi giao cho tổ cộng đồng, công tác kiểm tra bảo vệ rừng được thực hiện tốt hơn, lợi ích cũng được chia cho nhiều người hơn trong cộng đồng dân cư ở địa phương.
Hiệu quả mang lại trong việc bảo vệ, phát triển rừng dựa vào cộng đồng thể hiện rõ ở việc, các hành vi vi phạm xảy ra đều được phát hiện, xử lý sớm, giảm tối đa thiệt hại đến tài nguyên rừng; tính đoàn kết cộng đồng được tăng lên; việc thụ hưởng các sản phẩm từ rừng và các chính sách của nhà nước, dịch vụ môi trường rừng được củng cố về mặt pháp lý, ông Trần Quốc Cảnh – Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy, chính sách giao đất giao rừng cho cộng đồng và hộ gia đình quản lý đã tạo bước chuyển biến căn bản trong lĩnh vực quản lý lâm nghiệp, gắn trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng với cộng đồng dân cư. Từ đó, rừng được bảo vệ một cách hiệu quả hơn; giảm thiểu và chấm dứt nạn phát rừng làm rẫy, nâng cao đời sống của người dân. Việc thu hút người dân, đặc biệt là các cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số vào tiến trình quản lý rừng là hết sức cần thiết.