Làm hài lòng cộng đồng hâm mộ ban nhạc?
Sự việc xuất phát từ hành động của một học sinh Trường THCS Ngô Quyền (quận Tân Bình, TP HCM): Em này một thời gian dài dùng mạng xã hội để công kích nhóm nhạc BTS, trong đó có lời lẽ quá khích, tục tĩu. Cộng đồng fan hâm mộ của nhóm nhạc đã “tấn công” gia đình học sinh lẫn các trang thông tin của nhà trường.
Từ đó, ông Nguyễn Ngọc Thụ, Hiệu phó Trường THCS Ngô Quyền đã đưa ra quyết định xử lý học sinh bằng các hình thức như kỉ luật, đình chỉ học, lao động công ích, hạ hạnh kiểm... Đáng nói, ông Thụ nhờ người quay clip nam sinh đọc bản kiểm điểm, sau đó chuyển cho người điều hành Fanpage Trường THCS Ngô Quyền (do cựu học sinh của trường lập) để đăng tải.
Trước sự việc này, hầu hết những người làm trong ngành Giáo dục đều tỏ ý không đồng tình. Cô giáo Phan Thị Kim Oanh, giáo viên môn sử Trường PTTH Bà Điểm, Hóc Môn chia sẻ: “Là một giáo viên đứng lớp, tôi thấy quyết định xử lý học sinh nói trên không ổn ở nhiều khía cạnh: Thứ nhất là không đánh giá đúng tình hình, xử lý quá nặng nề.
Đặc biệt, hình thức đình chỉ học tập rất ít khi được áp dụng trong kỉ luật nhà trường, trừ trường hợp học sinh vi phạm quá nghiêm trọng, chứ đình chỉ học tận 4 ngày sẽ ảnh hưởng, gián đoạn đến việc học của em. Hơn nữa, hành xử như thế là không thực sự bảo vệ em, tuổi mới lớn, đây sẽ là một tổn thương không nhỏ đến tâm lý của em học sinh”.
Lệch lạc trong nhận định, hành xử?
Trả lời về sự việc, ông Nguyễn Ngọc Thụ cho biết, kỉ luật học sinh là để răn đe trước học sinh toàn trường vì hành vi bồng bột và dại dột, làm ảnh hưởng đến nhiều người và “đưa ra câu trả lời của nhà trường đến với cộng đồng fan BTS”.
Không chỉ thế, sau khi nhận sai trước phản ứng mạnh của dư luận, thầy Phó Hiệu trưởng này còn chia sẻ: “Nếu được làm lại, tôi sẽ không hành động như thế. Có thể tôi sẽ chọn một hình thức khác như đăng thông báo công khai về quyết định kỷ luật để cộng đồng mạng BTS cùng nắm”.
Nhiều người cho rằng, thật khó hiểu suy nghĩ của vị lãnh đạo nhà trường nói trên. Từ bao giờ, thái độ, nhận định của một nhóm nhạc đã trở thành “chuẩn” để đánh giá đúng sai cho học sinh? Cái sai của em học sinh không phải là công kích một nhóm nhạc hay khiến một cộng đồng fan nổi giận.
Cái sai của nam sinh trên là ở cách cư xử thiếu văn hóa, không phù hợp lứa tuổi. Nhà trường cần bảo vệ, giáo dục học sinh để các em nhận ra cái sai mà sửa đổi chứ không phải kỷ luật để làm hài lòng một tổ chức, cá nhân nào đó.
Thời gian qua, những hành xử “có vấn đề” của những người trực tiếp hoạt động trong ngành Giáo dục không phải là ít: Từ bạo hành học sinh, xúc phạm nhân phẩm, chạy theo bệnh thành tích… Phải chăng, những hành xử ấy đều xuất phát từ tư duy, nhận thức có phần sai lệch của một bộ phận thầy cô giáo, đặt trọng tâm vào nhiều yếu tố khác, như thành tích, sự an toàn, danh tiếng… thay vì lấy các em làm trọng tâm, làm đối tượng chính của sự nghiệp giáo dục?
Vừa có dấu hiệu phạm luật, vừa thiếu tính giáo dục
Luật sư Lê Việt Chuẩn - Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, điểm e, điểm g, khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013 có quy định về việc phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với một số hành vi, trong đó có hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, căn cứ vào khoản 11 Điều 6 Luật Trẻ em năm 2016, thì việc công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em thuộc về hành vi bị nghiêm cấm.
Nghị định 56/2017 hướng dẫn về Luật Trẻ em cũng quy định, những thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em là các thông tin về: tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân… phải được bảo vệ trên môi trường mạng.
Từ đó cho thấy, trong luật đã có những quy định rõ về việc bảo vệ bí mật, quyền riêng tư của mỗi người, đặc biệt là trẻ em. Mạng xã hội ngày nay là một con dao hai lưỡi, nếu không cẩn thận, bất cứ ai cũng có thể bị “sát thương”, huống chi một em học sinh cấp 2, độ tuổi trẻ con, nông nổi lại bị “bêu” tên trước toàn trường.
Thực tế, ngay cả trong quy định về xét xử, tố tụng, người bị xét xử cũng có quyền được bảo vệ thông tin của mình, phải có sự đồng ý của họ thì mới đăng thông tin, hình ảnh công bố rộng rãi. Huống hồ, đây là một tình huống thuộc về kỉ luật nội bộ nhà trường.
Có thể thấy, hành xử của vị Phó Hiệu trưởng nói trên vừa có dấu hiệu phạm luật, vừa thiếu đi tinh thần bao dung, rộng lượng trong giáo dục trẻ em. Thiết nghĩ, trong môi trường giáo dục nói chung không bao giờ nên có những hành xử gây hại, tổn thương cho tinh thần trẻ em như thế.
Ngày 8/11, phía Trường THCS Ngô Quyền cho biết, nhà trường đã có buổi làm việc với Phòng GD&ĐT quận Tân Bình về sự việc trên. Tại buổi làm việc, lãnh đạo Phòng GD&ĐT quận nói trường không sai khi xử lý kỷ luật nhưng trường bị nhắc nhở về hình thức thực hiện.