Trong khi dư luận “sốc” trước thông tin cảnh sát giao thông xử phạt hành chính đối với việc “không sang tên, đổi chủ” khi mua bán phương tiện giao thông, thì cảnh sát giao thông lại bối rối khi xử phạt do quy định thiếu cụ thể… Trước những băn khoăn, trăn trở của người dân, PLVN có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Văn Tú, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang để làm rõ hơn quy định này.
Cảnh sát giao thông xử phạt đối với người vi phạm |
- Thưa Luật sư, ông có thể giải thích rõ hơn về nội dung của quy định về xử phạt đối với lỗi “không sang tên đổi chủ” đang có hiệu lực hiện nay?
Theo quy định tại Điều 8, Nghị định 71/2012/NĐ-CP về việc sửa đổi Nghị định 34/2010/NĐ-CP thì chủ phương tiện có thể bị xử phạt từ 800 nghìn đồng đến 1,2 triệu đồng đối với lỗi “không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo đúng quy định”. Quy định này hướng đến các chủ phương tiện mua “đồ cũ” nhưng không thực hiện việc đăng ký lại đối với phương tiện.
Theo quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì việc mua mà không đăng ký lại tên được hiểu là “không thực hiện việc chuyển quyền sở hữu phương tiện đúng quy định” và có thể bị xử phạt hành chính.
- Như vậy, đối với người điều khiển phương tiện “không chính chủ” thì không phải là đối tượng bị xử phạt, thưa ông?
Điều 33 của Nghị định 34 và Điều 8 Nghị định 71 quy định về việc xử phạt đối với chủ phương tiện. Ở đây, khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện phải chính là “chủ phương tiện” nên được hiểu là người đang điều khiển phương tiện.
Nhưng chuyện xảy ra khi “chủ phương tiện” lại xuất trình giấy tờ đăng ký phương tiện mang tên người khác? Cảnh sát giao thông khó quy kết “chủ phương tiện” vi phạm lỗi “không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo đúng quy định” vì “chủ phương tiện” đang đi xe “mượn” (ai cũng khai như vậy thôi). Mà xe mượn thì không phải sang tên cũng không thể sang tên. Với thực tế này thì rõ ràng là quy định trên không khả thi như phản ánh của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này.
- Theo ông, sự không khả thi của quy định về xử phạt lỗi “không sang tên đổi chủ” là do nguyên nhân nào?
Bản thân một quy định không hợp lý thì nó không có tính khả thi. Một quy phạm pháp luật không chỉ đảm bảo tính hợp lý mà còn phải đảm bảo tính hợp pháp và hợp hiến. Đây là hai nguyên tắc cơ bản khi xây dựng pháp luật.
Sở hữu phương tiện và tham gia giao thông là hai lĩnh vực pháp luật hoàn toàn khác nhau nhưng đã bị đồng nhất với nhau trong thực tế và trong tư duy của những người soạn thảo luật.
Điển hình là việc coi giấy đăng ký xe như giấy tờ về sở hữu tài sản. Một người có quyền sở hữu tài sản (xe) ngay khi ký hợp đồng mua bán. Bản hợp đồng và hóa đơn là giấy tờ về sở hữu tài sản do luật về sở hữu (luật dân sự) điều chỉnh. Còn việc anh ta tham gia giao thông thì phải chịu điều chỉnh của luật hành chính, nghĩa là phải đăng ký lưu hành phương tiện (giấy đăng ký xe) khi đưa phương tiện vào tham gia giao thông.
Vì vậy, cần phải phân biệt hai lĩnh vực này để xét quy định về xử phạt vi phạm. Nếu lưu hành xe bắt buộc phải có giấy tờ đứng tên mình thì việc lưu hành phương tiện mang tên người khác mới là vi phạm. Nhưng hiện pháp luật không có quy định nào bắt buộc khi tham gia giao thông phải điều khiển phương tiện đứng tên mình nên việc điều khiển phương tiện tên người khác (do mượn) là không vi phạm. Như vậy, việc quy định về xử phạt người đi xe “không chính chủ” đã mất đi tính khả thi.
Xin cảm ơn ông!
Xuân Bính (t/h)